Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Cùng “đánh thức” du lịch Đông Nam Bộ

Thứ Sáu 26/06/2020 | 11:21 GMT+7

VHO- Đông Nam Bộ là vùng có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến cho du lịch của vùng chưa thể cất cánh tương xứng với tài nguyên vốn có là do thiếu sự liên kết giữa các địa phương.

Du khách tham quan Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai

Vì thế, tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ do UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức, dự kiến diễn ra ngày 28.6 lãnh đạo các địa phương trong vùng cùng các doanh nghiệp, chuyên gia… sẽ cùng nhìn thẳng vào thực tế để “bắt tay” xây dựng chiến lược liên kết “thực chất” với những giải pháp cụ thể trong liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Sẽ có nhiều tuyến du lịch mới

Theo đó, tăng cường hợp tác trong việc hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, thúc đẩy xúc tiến đầu tư vào du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, tài nguyên du lịch… Thúc đẩy phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch của vùng, hướng đến phục hồi du lịch nội địa sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… là những nội dung được hội nghị tập trung phân tích. Dịp này, các địa phương trong vùng cũng giới thiệu những điểm đến, sản phẩm mới và chính sách kích cầu du lịch. Các doanh nghiệp sẽ giới thiệu những tuyến du lịch mới để liên kết kích cầu du lịch trong vùng như TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM – Bình Dương – Tây Ninh, TP.HCM – Bình Dương – Bình Phước...

Theo PGS.TS Bùi Trung Hưng, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, du lịch vùng Đông Nam Bộ đang phát triển khá mạnh và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Tài nguyên du lịch trong vùng không thiếu để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, thậm chí dư sức để cạnh tranh với các vùng khác, cái thiếu ở đây là thiếu cơ chế liên kết, chính sách, chiến lược và mô hình chung. Do đó, cần có sự liên kết đúng nghĩa giữa các địa phương trong vùng, đặc biệt là đẩy mạnh liên kết xây dựng chính sách, chiến lược và mô hình về sản phẩm đặc trưng của vùng để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Tạo cầu nối thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Tại những cuộc họp trước đây để bàn về việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng, nhiều doanh nghiệp tổ chức tour tại TP.HCM đề xuất các địa phương trong vùng có dịch vụ cung ứng nên giảm giá dịch vụ từ 10%-50% để cùng đơn vị lữ hành giảm giá tour nhưng không giảm chất lượng, kích thích nhu cầu đi du lịch nội địa của người dân. Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, để khai thác tối đa thị trường du lịch nội địa, cần vai trò đầu tàu của TP.HCM trong liên kết, khai thác du lịch với các vùng miền trong cả nước. Theo đó, TP.HCM sẽ ký kết hợp tác với từng địa phương trong vùng Đông Nam Bộ để hình thành sản phẩm mới hấp dẫn, đồng thời hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mời gọi đầu tư vào du lịch…

Hiện TP.HCM có hơn 1.300 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ, du lịch. Quá trình liên kết tạo ra được những điểm đến mới, sản phẩm hấp dẫn hơn… sẽ hình thành nên thị trường tiềm năng để cùng nhau khai thác tour, thúc đẩy du lịch trong vùng phát triển tương xứng với tiềm năng. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, tạo cầu nối thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, Tây Ninh có nhiều sản phẩm riêng, khác biệt gắn với nền văn hóa đặc sắc riêng có là một điểm đến với nhiều dấu ấn đặc biệt trên hành trình khám phá Đông Nam Bộ, đặc biệt khi phát triển các hoạt động liên kết du lịch Tây Ninh với các địa phương trong vùng. Trên cơ sở phát huy lợi thế, Tây Ninh đã và đang tập trung đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, nhằm đem lại sự thoải mái, an tâm, an toàn cho du khách. Phát triển sản phẩm và liên kết kích cầu du lịch là bước cụ thể hóa liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch ở các địa phương, xóa bỏ hình thức làm du lịch manh mún, tạo nên những sản phẩm du lịch và dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng, tiêu chuẩn cao hướng tới tầm quốc tế để làm bàn đạp cho du lịch từng địa phương phát triển bền vững.

Ông Thanh cho biết mục tiêu của Tây Ninh là tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội, lịch sử, sinh thái, văn hóa cộng đồng, văn hóa ẩm thực, làng nghề, sản phẩm nông sản nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch. Tỉnh đã chọn Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen để đầu tư, phát triển thành khu du lịch đặc sắc, mang tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò trung tâm, có sức lan tỏa lớn, dẫn dắt phát triển du lịch của tỉnh. Tây Ninh hiện đang áp dụng chính sách giảm giá từ 10% - 30% đối với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch, thời gian áp dụng từ nay đến cuối năm. Sắp tới, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tỉnh Tây Ninh cũng sẽ ký kết với các doanh nghiệp lữ hành TP.HCM về thỏa thuận hợp tác kích cầu du lịch nội địa. 

 HOÀNG HẢI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top