Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cuộc sống “bình thường mới” không có nghĩa... hết dịch

Thứ Tư 20/05/2020 | 11:45 GMT+7

VHO- Dù vẫn ghi nhận các ca dương tính với Covid-19 xâm nhập từ nước ngoài vào, tuy nhiên đến ngày 19.5, Việt Nam đã trải qua 33 ngày không có trường hợp mắc dịch bệnh này trong cộng đồng (tính từ 6h ngày 16.4).

 Người dân tham gia các hoạt động tại tuyến phố đi bộ Bờ Hồ Hoàn Kiếm cần tuân thủ phòng, chống Covid-19 Ảnh: DIỆU VY

 Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan, bởi dịch bệnh trên thế giới vẫn đang có diễn biến phức tạp và Việt Nam có thể có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng nếu không tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Người dân bắt đầu lơ là, chủ quan

Đến nay, tổng số bệnh nhận Covid-19 của Việt Nam là 324 ca, trong đó có hơn 50% (184 ca) là lây nhiễm nhập cảnh từ nước ngoài và đã được cách ly ngay. Hiện nay tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là hơn 11.300 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 302, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.929, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.095. Trong những ngày tới vẫn tiếp tục có những chuyến bay đón bà con Việt Nam đang còn mắc kẹt tại các quốc gia, vùng lãnh thổ mà dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, và không loại trừ số ca nhiễm xâm nhập sẽ tiếp tục tăng lên.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã có 263/324 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, còn lại 53 bệnh nhân dương tính, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 2, số ca âm tính lần 2 trở lên là 6. Việc số bệnh nhân ra viện ngày càng tăng so với số bệnh nhân vào viện, và hơn 1 tháng qua không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng là một tín hiệu rất đáng mừng nhưng cũng tiềm ẩn những mối lo khi mà dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên có điều đáng lo ngại là người dân đã có dấu hiệu lơ là, chủ quan khi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, không đảm bảo khoảng cách từ 1 – 2m.

Bộ Y tế đã nhiều lần nhấn mạnh, tuyệt đối không được chủ quan để dịch bùng phát lần 2. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu, Việt Nam không thể “một mình mình đóng cửa” khi các quốc gia trên thế giới “mở cửa”, do đó cùng với việc đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam thì việc mở dần các đường bay quốc tế thời gian tới là tất yếu. Đặc biệt, người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng. Dù vậy, Chính phủ vẫn xác định thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện “bình thường mới”, đảm bảo an toàn cho người dân.

Một lái xe taxi làm buồng chắn giọt bắn ngăn cách với khách hàng

Rất khó xác định thời điểm công bố hết dịch tại Việt Nam

Bởi vậy, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, rất khó xác định thời điểm công bố hết dịch tại Việt Nam vì không chỉ là vấn đề của ngành y tế, mà còn liên quan đến các quốc gia khác trên thế giới. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói, phải “be cho thật chặt từ bên ngoài”, tức là tất cả những ca nhập cảnh từ nước ngoài phải được kiểm soát, cách ly chặt chẽ. Thực tế, các ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh, kể cả những trường hợp “trốn chui lủi” đều được phát hiện và không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, cho thấy năng lực phát hiện và cách ly của Việt Nam vẫn đáp ứng được. Còn điều trị ca dương tính tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” là những ca nhẹ thì điều trị ở tuyến dưới, ca nặng chuyển lên tuyến trên cho thấy năng lực điều trị vẫn tốt, từ kinh nghiệm điều trị và phòng chống dịch SARS và đến nay Việt Nam chưa có ca tử vong nào.

Ông Trần Đắc Phu vẫn nhấn mạnh, những trường hợp ở nước ngoài về thì không đáng ngại; lo ngại lớn nhất là bùng phát trong cộng đồng và gây ra số mắc rất lớn, gây quá tải y tế. Do đó, cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới”, từ “mới” ở đây là mọi người cần phải tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tụ tập đông người, đảm bảo khoảng cách nơi công cộng... Đối với các ngành, nghề, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng cần xây dựng các quy trình an toàn cho nhân viên, người lao động, khách hàng và gia đình của họ. Ví dụ như ngành Giáo dục, Giao thông, Du lịch thì cần phải có những quy trình an toàn như thế nào tuỳ thuộc vào môi trường kinh doanh, làm việc.... để đảm bảo chúng ta chung sống an toàn với dịch bệnh.

“Tôi vừa tư vấn, hỗ trợ quy trình dịch tễ an toàn cho hệ thống Zema Việt Nam. Ngành này có đặc thù tiếp xúc gần với khách hàng, do đó, cần phải có một quy trình chuẩn để áp dụng tại tất cả các hệ thống của Zema. Nếu như trước đây, khách đến thực hiện dịch vụ rồi về, nhưng hiện nay “bình thường mới” được hiểu là khi khách hàng đến được phát khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế; nhân viên được tập huấn, mặc áo bảo hộ, đảm bảo an toàn suốt quá trình phục vụ như nhân viên y tế... Tôi cho rằng, không chỉ Zema mà bất cứ đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nào cũng cần xây dựng cho mình một quy trình phòng dịch đặc thù, bởi nếu khi xảy ra thì ảnh hưởng trực tiếp đến công việc sản xuất, kinh doanh của mình. Đồng thời, khi biết các cơ sở này có quy trình phòng dịch an toàn thì khách hàng sẽ yên tâm hơn. Tuy nhiên đã có quy trình thì phải tuân thủ thực hiện nếu không thì quy trình cũng chỉ là quy trình thôi. Hiện nay ngành Y tế đang xây dựng các quy trình và các bảng tiêu chí để chấm điểm việc thực hiện quy trình của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở... ”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói. 

 Liên quan đến vấn đề vắc xin phòng bệnh Covid-19, ông Trần Đắc Phu khẳng định trong vòng 6 tháng tới không thể có vắc xin dù nhiều nước đã nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm. Việc thử nghiệm có thể thành công và có thể không thành công. Tuy nhiên, nhiều bệnh như HIV chưa có vắc xin chúng ta vẫn cùng chung sống, và nếu người dân tuân thủ các quy trình, quy định phòng chống dịch cùng với sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ thì Việt Nam mới có thể giữ được tình hình như hiện nay, không để xảy ra đợt bùng phát dịch lần thứ 2.

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top