Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chuyện ghi tại triển lãm “Luôn có Bác trong tim”: “Thành tích của các cháu còn đẹp hơn...”

Thứ Hai 18/05/2020 | 09:19 GMT+7

VHO- Hơn 50 năm trôi qua nhưng kỷ niệm những lần được gặp Bác vẫn mãi là phần ký ức thiêng liêng nhất trong cuộc đời Anh hùng LLVTND Trương Thị Khuê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Gặp bà đứng lặng yên bên tấm ảnh chụp Bác Hồ tặng hoa phong lan trưng bày tại triển lãm “Luôn có Bác trong tim”, chúng tôi được nghe người nữ anh hùng kể lại câu chuyện cảm động năm xưa. 

 Bà Trương Thị Khuê và bức ảnh Bác Hồ tặng hoa phong lan, năm 1968, tại triển lãm “Luôn có Bác trong tim”

Giọng run run, bà Khuê nói, những lời căn dặn của Bác luôn là hành trang vô giá mà bà mang theo suốt cuộc đời mình. Triển lãm “Luôn có Bác trong tim” được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước khai mạc cuối tuần qua, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác .

Lặng lẽ đứng ở một góc phòng, bà Khuê ngắm mãi không thôi tấm ảnh được Bác Hồ tặng hoa phong lan hơn nửa thế kỷ trước, khi bà mới ngoài 20 tuổi. “Bác đã dạy cho tôi nhiều lắm. Dạy về tình yêu thương, đức tính giản dị, tiết kiệm và tinh thần luôn cố gắng… Đến tận bây giờ, tôi luôn vô cùng thấm thía”, bà Khuê tâm sự. Sinh năm 1945 ở Quảng Trị, bố mẹ mất sớm, hoàn cảnh gia đình đã rèn luyện ở cô bé Khuê một bản lĩnh kiên cường. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh là một trong những trọng điểm địch đánh phá ác liệt. Và chính thời kỳ ác liệt đó đã hình thành nên ở Trương Thị Khuê một cá tính mạnh mẽ, quả cảm. 

Kể chuyện những lần được gặp Bác Hồ, bà Khuê nói rằng đó là phần thưởng quý giá nhất của mình. “Sau khi đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Xô-phi-a về đến Hà Nội được vài ngày, tôi và Trần Thị Bưởi (quê Vĩnh Linh), Nguyễn Thị Xuân (quê Quảng Bình) nhận được thông báo chuẩn bị đến gặp Bác. Khoảng 9h ngày 11.9.1968, xe đưa 3 chị em tôi vào Phủ Chủ tịch. Xe dừng lại trước ngôi nhà, ngoài cửa có cây hoa phong lan, Bác tiếp chúng tôi ở đó”. Bà Khuê kể tỉ mỉ từng chi tiết, những câu chuyện ân tình như mới ngày hôm qua. Bác Hồ đã ân cần hỏi thăm từng người. Riêng với Trương Thị Khuê, Bác hỏi: “Cháu ở Vĩnh Linh có bị máy bay B52 đánh nhiều không?”. Bà Khuê thưa với Bác: “Dạ thưa Bác, máy bay B52 đánh Vĩnh Linh nhiều lắm…”. Rồi Bác hỏi chuyện bà con ở Vĩnh Linh ăn ở như thế nào, có bị đói không… “Khi nghe tôi thưa chuyện tình hình chiến đấu, sản xuất và đời sống của bà con, Bác cười bảo: Thế thì tốt, Bác mừng lắm!..”. Bữa đó, chúng tôi còn được Bác mời ăn kẹo và chuối, rồi mỗi chúng tôi hát tặng Bác một bài. Chúng tôi được chụp ảnh kỷ niệm với Bác, được Người tặng ba chùm hoa phong lan thật đẹp”, bà Khuê nhớ lại. 

Chực trào nước mắt, nữ anh hùng Trương Thị Khuê nói: Bác đưa tay ngắt ba chùm hoa phong lan tặng cho ba chúng tôi, rồi ân cần bảo: “Hoa phong lan của Bác rất đẹp, nhưng thành tích của các cháu còn đẹp hơn hoa phong lan của Bác. Bác mong các cháu luôn giữ và phát huy thành tích của mình, về phải học tập tốt, mạnh khỏe, chiến đấu giỏi và sản xuất giỏi”. Lần thứ hai được gặp Bác chỉ cách đó mấy ngày, Bác cho mời ba nữ dân quân vào xem văn công tại Phủ Chủ tịch. Khi về Bác dặn: “Các cháu phải học, học không phải ở trường, ở lớp mà phải học trong đường đời, học trong thực tế, học những người đi trước…”. 

Và ký ức về bữa cơm được ăn cùng Bác trước lúc trở về địa phương được bà Khuê kể lại: “Cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ mãi từng hương vị món ăn, thái độ ân cần của Bác khi tận tay Người đơm cơm cho chúng tôi. Cả ba chúng tôi đều mất cha mẹ, luôn phải tự chăm sóc cho mình. Thái độ ân cần của Bác khiến chúng tôi quá cảm động, nhìn nhau mà không ăn được. Nhưng để Bác còn về nghỉ, chúng tôi cố nén xúc cảm ăn hết bát cơm. Ăn xong, tôi đứng dậy, Bác nói tôi ăn nốt ba quả cà còn lại. Tôi ăn hết và mãi đến bây giờ tôi vẫn nhớ về ba quả cà đó. Bác không nói tiết kiệm nhưng lời Bác nhắc nhở rất thấm thía. Thấm đến bây giờ, suốt cuộc đời hoạt động 43 năm, tôi không bao giờ cho phép mình lãng phí…”. 

Lần cuối cùng là khi Bác mất. “Ngày 2.9.1969, tôi được lệnh mùng 3 phải có mặt ở Hà Nội. Tôi đi mà không biết có việc gì. Ra đến nơi tôi mới biết rằng Bác mất. Tôi được phân công túc trực 15 phút bên linh cữu của Bác cùng với 3 nữ anh hùng khác là Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Thị Tuyển. Chúng tôi phải làm tư tưởng dữ lắm, rằng không được ngất, không được khóc. Sau 15 phút đó, chị Ngô Thị Tuyển bị ngất đưa đi cấp cứu, còn chúng tôi thì khóc sướt mướt. Những kỷ niệm, hình ảnh của Bác cứ thế ùa về. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa một phút quên đi những điều thiêng liêng đó…”, anh hùng Trương Thị Khuê xúc động. 

Gần 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu ở cuộc triển lãm “Luôn có Bác trong tim” đều mang đến cho người xem những câu chuyện cảm động và thông điệp sâu sắc về những lời dạy giản dị, chan chứa ân tình của Người. Trung tá Lê Vũ Huy, Phụ trách Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ, triển lãm chuyên đề “Luôn có Bác trong tim” nhằm tôn vinh, ngợi ca những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Người. Qua triển lãm nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân tích cực đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”; giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. 

Sau phần mở đầu giới thiệu những hình ảnh, tài liệu tiêu biểu phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo và tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với QĐND Việt Nam; sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội trong việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc trưng bày thu hút người xem với hàng trăm hiện vật, hình ảnh đặc biệt qua ba phần nội dung: Vị Cha già dân tộc, Người là niềm tin tất thắng, Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”…

 HOÀNG VY, ảnh: MINH LÊ 

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top