Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Các di tích ở Hà Nội sẵn sàng phương án mở cửa trở lại:  Môi trường an tâm cho du khách

Thứ Tư 13/05/2020 | 11:15 GMT+7

VHO- Theo BQL Di tích Danh thắng Hà Nội, từ ngày 14.5, các di tích trọng điểm trên địa bàn thủ đô như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… sẽ đồng loạt mở cửa đón khách tham quan sau thời gian tạm đóng để tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các biện pháp đảm bảo an toàn ở Di tích thường xuyên được tăng cường

Đảm bảo các điều kiện an toàn

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thông báo, sau thời gian tạm dừng đón khách tham quan để phòng chống dịch Covid-19, Di tích sẽ mở cửa trở lại từ 8h00 ngày 14.5.2020. Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, ưu tiên hàng đầu trong việc mở cửa trở lại của Trung tâm là đảm bảo tốt vấn đề phòng, chống dịch bệnh, môi trường an toàn cho du khách. Cùng với đó là mục tiêu chú trọng chất lượng phục vụ để thu hút khách du lịch.

Hiện Trung tâm đã sẵn sàng phương án đưa các hoạt động trở về guồng quay cũ. Tại cổng vào, Trung tâm đã bố trí máy đo thân nhiệt và nước rửa tay diệt khuẩn. Du khách được đo thân nhiệt, rửa tay và yêu cầu đeo khẩu trang trước khi vào Di tích. Các bảng thông tin về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng được Trung tâm chuẩn bị bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp và đặt tại các cửa ra vào, tại các điểm dừng tham quan để du khách dễ quan sát và nắm được thông tin.

Công tác vệ sinh môi trường trong Di tích được tăng cường để đảm bảo tất cả các khu vực luôn được khử trùng, sạch sẽ và thoáng mát. Tại khu vực nhà vệ sinh luôn đặt sẵn xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn phục vụ khách tham quan. Nhân viên vệ sinh sử dụng dung dịch sát khuẩn lau sàn nhà nhiều lần trong ngày, liên tục xịt nước sát khuẩn và lau sạch sẽ các tay nắm cửa của các phòng vệ sinh, cửa sổ… Bên cạnh đó, Trung tâm tiến hành phun khử trùng thường xuyên tại tất cả các khu vực của Di tích, thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bề mặt thường xuyên tại các khu vực trưng bày, khu làm việc và dịch vụ theo đúng quy định của ngành y tế. Đối với cán bộ và người lao động, 100% thực hiện đo thân nhiệt 2 lần /ngày khi đến và về, luôn đeo khẩu trang và các trang bị phòng hộ khi thực hiện nhiệm vụ. Trung tâm cũng thực hiện giới hạn mỗi đoàn khách số lượng dưới 30 người.

 Công tác vệ sinh môi trường ở Di tích Nhà tù Hoả Lò được thực hiện thường xuyên

Chủ động tìm kiếm hướng đi mới

Nhằm khắc phục những khó khăn do hệ lụy từ đại dịch Covid-19, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng cho biết đã chủ động tìm kiếm những hướng đi mới để thu hút khách tham quan sau dịch bệnh. Chất lượng phục vụ được chú trọng nâng cao, từ phong cách cho đến các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

“Trung tâm tiếp tục phát triển những sản phẩm lưu niệm chuyên biệt gắn với những giá trị đặc trưng của khu di tích. Những họa tiết, hoa văn đặc trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng với những hình ảnh gắn với truyền thống học tập và khoa bảng của Việt Nam, được sản xuất tại các làng nghề truyền thống, bằng những chất liệu thân thiện với môi trường như tre, gỗ, vải, bèo… được thiết kế bằng những góc nhìn mới mang tính đương đại để tạo nên nét đặc trưng riêng. Mỗi sản phẩm lưu niệm đóng vai trò như một “đại sứ thương hiệu” của Văn Miếu - Quốc Tử Giám...”, Giám đốc Lê Xuân Kiêu cho biết.

 Tiến hành khử khuẩn tại di tích đền Ngọc Sơn

Các hoạt động giáo dục di sản theo phương pháp mới tại Di tích cũng được đẩy mạnh, trong đó chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác. Điều này có thể giúp các em học sinh đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiểu hơn về di sản và nhận thức được các giá trị đa dạng của Di tích, phát triển được nhiều kỹ năng thông qua các hoạt động trải nghiệm chủ động, tích cực, sáng tạo.

Cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngày 14.5 cũng là ngày trở lại hoạt động của nhiều di tích trọng điểm, thu hút đông du khách trên địa bàn thủ đô. Theo BQL Di tích Danh thắng Hà Nội, trong thời gian tạm đóng cửa, tại các di tích vẫn thường xuyên tiến hành vệ sinh khử khuẩn, đảm bảo môi trường sạch sẽ, an toàn. Việc yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh được BQL Di tích Danh thắng Hà Nội đặc biệt quan tâm, từ trang bị đồ phòng dịch cho nhân viên đến hướng dẫn du khách rửa tay, khử khuẩn… Tại Đền Ngọc Sơn, sau gần 2 tháng đóng cửa, từ ngày 14.5, BQL di tích sẽ mở cửa đón khách trở lại. Đây là điểm dừng chân của đông đảo du khách đến Hà Nội, đặc biệt Di tích có sức thu hút lớn đối với du khách quốc tế. Vì vậy, sau khi mở cửa, các phương án phòng, chống dịch luôn được đặc biệt chú trọng.

Ngày 14.5, Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng mở cửa và đồng thời khai mạc trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do”. Cuộc triển lãm sau nhiều ngày đóng cửa hứa hẹn sẽ là điểm nhấn ấn tượng, thu hút đông đảo khách tham quan. Theo BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò, bên cạnh mục tiêu hướng đến phục vụ nhu cầu của đông đảo du khách thì việc đảm bảo môi trường sạch sẽ, thoáng mát, an toàn luôn được đặt ra như một nhiệm vụ hàng đầu. Trong thời gian tạm đóng cửa, Di tích Nhà tù Hỏa Lò thường xuyên tiến hành công tác phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường, chuẩn bị các phương án cho ngày sẵn sàng quay trở lại. 

 MỘC AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top