Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ý nghĩa của bếp lửa nhà sàn trong đời sống người Thái Tây Bắc

Thứ Hai 11/05/2020 | 08:50 GMT+7

VHO- Một ngôi nhà sàn ấm cúng phải có bếp lửa. Theo phong tục của người Thái thì bếp lửa này thường nhờ bên ngoại làm cho.

Theo tập quán, người Thái thường ở nhà sàn. Trong mỗi nếp nhà sàn có hai gian bếp. Ngoài việc để nấu nướng, bếp còn là nơi tập trung những sinh hoạt của cả gia đình.

Bếp lửa nhà sàn người Thái Tây Bắc

Trong nếp nhà sàn truyền thống của người Thái Tây Bắc không thể thiếu bếp lửa. Ngày xưa, mỗi gia đình người Thái thường có nhiều thế hệ cùng chung sống nên ngôi nhà sàn cũng có từ 3-5 gian; có 2 cầu thang, đặt ở 2 đầu hồi, và đặc biệt có 2 gian bếp trong nhà. Gian bếp phía dưới phòng ngủ của gia chủ tiếng Thái gọi là chi phay cốc, gian bếp ngoài cùng của gia đình gọi là chi phay pai. Hai bếp lửa này đều có những điểm khác nhau, có những điều kiêng kỵ nhất định.

Ông Cà Văn Chung, người am hiểu văn hoá Thái, ở bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Bếp lửa rất cần thiết đối với nhà sàn. Một ngôi nhà ấm cúng phải có bếp lửa. Theo phong tục người ta thường nhờ bên ngoại làm bếp lửa này. Anh em bên mẹ của chủ nhà là tốt nhất, nếu không thì nhờ anh em bên vợ. Làm bếp xong, bên ngoại cũng chính là người đại diện nhóm bếp đầu tiên cho gia chủ. Bếp lửa thể hiện sự ấm cúng của gia đình, phải có thì gia đình mới làm ăn phát đạt”.

Trước đây vùng nông thôn miền núi không có điện, bếp lửa vừa thắp sáng, sưởi ấm cho cả gia đình, vừa là nơi bàn bạc mọi công việc. Cũng chinh vì thế mà người ta ít khi để ngọn lửa tắt, nhất là trong mùa đông giá lạnh.

“Gian bếp chi phay cốc, thường đặt ở phía dưới, đối diện với gian thờ tổ tiên của gia đình. Bếp này rất ít khi dùng để nấu nướng hàng ngày, thường chỉ để các cụ ông ngồi quây quần sưởi ấm, đun nước uống trà. Khi nhà có khách quý đến thăm cũng sẽ trò chuyện tiếp khách tại vị trí này”. Ông Tòng Văn Hịa, người am hiểu văn hóa Thái ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, nói.

Với gian bếp phía dưới phòng ngủ của gia chủ (chi phay cốc), con cháu, nhất là phận dâu, chị em phụ nữ không được tự tiện sử dụng để đun nấu, hoặc ngồi ngang hàng với bề trên. Điều đó thể hiện sự tôn trọng ông bà cha mẹ, giữ gìn tôn ti trật tự của gia đình. 

“Gian bếp chi phay pai, được đặt ở gian ngoài cùng của nhà sàn. Bếp này là nơi dùng để đun nấu, ăn uống của cả gia đình, không có những điều kiêng kỵ. Mọi sinh hoạt của gia đình chủ yếu diễn ra tại gian bếp này. Kể cả khi trong nhà có chị em sau sinh cũng ăn ngủ ngay cạnh bếp lửa này cho đến lễ đầy cữ (đầy tháng) mới được chuyển về phòng ngủ của vợ chồng”. Ông Tòng Văn Hịa cho biết.

Ngày nay, xã hội phát triển, đời sống kinh tế được nâng lên, thiết bị đun nấu cũng đa dạng và tiện lợi hơn trước. Nhưng cơ bản gia đình người Thái ở trong bản vẫn duy trì bếp lửa. Trong các ngôi nhà sàn của bà con bây giờ, nếu không có 2 bếp lửa như xưa thì cũng phải có ít nhất một bếp. Điều này cho thấy bếp lửa thực sự có ý nghĩa trong đời sống của đồng bào.

VOV.VN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top