Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động phát triển văn hóa đọc

Thứ Sáu 28/02/2020 | 14:19 GMT+7

VHO- Sáng nay 28.2 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức cuộc họp công tác viên triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020” nhằm phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện khẳng định: “Với hai năm triển khai Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", tính đến nay đã có tới trên 50 triệu lượt người tới đọc sách, báo ở các thư viện công cộng. Điều này đã chính tỏ văn hóa đọc đã được người dân chú trọng. Tuy nhiên, dù đã đạt được những tín hiệu tích cực nhưng nhận thức của người dân về đọc sách, báo vẫn cần không ngừng được nâng cao”. 

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện phát biểu tại buổi họp

Có thể thấy sau quãng thời gian triển khai Đề án nói trên, hoạt động thư viện ở Việt Nam trong hai năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng người dân đến với thư viện và số lượng sách được đưa đến phục vụ cộng đồng, HSSV có sự gia tăng. Ước tính các chỉ số hoạt động của hệ thống thư viện công cộng và các thư viện đa ngành, chuyên ngành năm 2019 đã hơn 15% so với năm 2018. Chỉ riêng hệ thống thư viện công cộng và thư viện trường phổ thông đã phục vụ được hơn 100 triệu lượt người sử dụng với hơn 180 triệu đầu sách, báo và tài liệu. Thực hiện phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các đối tượng đặc biệt như người khuyết tật, phạm nhân cũng được quan tâm nhiều hơn. Văn hóa đọc đã giúp những người một thời lầm lỡ tìm được về nẻo thiện, đẩy mạnh tu dưỡng cải tạo để sớm hoàn lương với cộng đồng. Kế thừa những thành tích đã đạt được, bà Vũ Dương Thúy Ngà mong muốn việc triển khai Đề án năm nay tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các đơn vị liên quan nhằm thực hiện đầy đủ các tiêu chí phát triển văn hóa đọc cho người dân, tạo nên một xã hội học tập suốt đời gắn liền với các thư viện.

Là một trong những hoạt động thực hiện kế hoạch triển khai “Đề án Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, vừa qua, Bộ VHTTDL đã phát động cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc 2020”. Cuộc thi đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc nâng cao nội lực của người Việt Nam, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong việc tiếp cận với thông tin và tri thức góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ. Với những ý nghĩa đó, cuộc thi năm nay tiếp tục được tổ chức với nhiều điểm đổi mới và hấp dẫn. Tuy nhiên để thu hút nhiều hơn nữa số lượng thí sinh tham dự, nhiều đại biểu tại buổi làm việc đã đề xuất giải pháp giúp cuộc thi trở nên hấp dẫn, thú vị hơn.

TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng) cho biết BTC có thể tính đến tổ chức các thư viện lưu động nhằm giúp các thí sinh có thêm kênh thông tin tham khảo: “Có thêm nguồn tư liệu tham khảo, nhất là ở những nơi còn khó khăn, các thí sinh sẽ hào hứng cho ra đời những sản phẩm chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu của cuộc thi. Việc tổ chức thêm các thư viện lưu động không chỉ giúp cuộc thi có thêm các hoạt động phong phú hơn, góp phần thành công của sự kiện mà còn lan tỏa được phong trào đọc sách trong nhà trường”.

Bên cạnh đó, ông Phùng Công Sưởng (Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong) nhận định, bên cạnh việc tổ chức thi các tác phẩm viết tay, BTC nên xem xét thêm việc cho thi trực tuyến trên điện thoại, máy tính. Điều này sẽ giúp việc đọc, viết của các thí sinh được thực hiện trên đa nền tảng; tăng tính cạnh tranh từ đó thúc đẩy thí sinh có thêm những ý tưởng chất lượng cho cuộc thi”.

Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc 2020” sẽ được tổ chức 2 vòng: Vòng sơ khảo (từ tháng 2 đến hết ngày 15.7) tại các tỉnh, thành phố, trường đại học, học viện và vòng chung kết (từ 20.7 đến đầu tháng 9) ở Hà Nội với nhiều nội dung hấp dẫn. Các thí sinh thuộc mỗi nhóm đối tượng dự thi học sinh hoặc sinh viên có thể lựa chọn một trong các chủ đề: Sáng tác một tác phẩm nhằm khích lệ mọi người đọc sách; Chia sẻ về một cuốn sách yêu thích; Viết tiếp lời câu chuyện... Đặc biệt, BTC cũng khuyến khích thí sinh có hình thức thể hiện đa dạng bằng vẽ tranh minh họa, quay clip hay sử dụng song ngữ Việt – Anh... Được biết, cuộc thi năm nay được tổ chức mở rộng hơn so với năm 2019. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, sinh viên đang theo học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học/học viện và các loại hình giáo dục khác đều có thể tham gia cuộc thi.

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top