Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chiếc khẩu trang và đạo đức kinh doanh

Thứ Sáu 07/02/2020 | 11:41 GMT+7

VHO- Lá thư của một em học sinh lớp 4 gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với mong muốn được góp toàn bộ số tiền mừng tuổi để mua khẩu trang, nước rửa tay giúp mọi người phòng chống dịch. Rồi hình ảnh cậu bé 11 tuổi dành toàn bộ số tiền lì xì mua khẩu trang tặng người đi đường... như những câu chuyện ấm áp sưởi ấm lòng người trong những ngày đầu năm chộn rộn với mối lo về dịch bệnh do virus corona.

 Cô bé lớp 4, Trường Đoàn Thị Điểm với bức thư gửi Thủ tướng Chính phủ và số tiền mừng tuổi đóng góp để mua khẩu trang tặng cộng đồng

 Hành động của những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi theo một cách giản dị đã giúp nhiều người cảm nhận thêm sự ấm nóng của tình người ngay trong “tâm bão”. Trong khi ở nhiều nơi khác, người dân lại phải chứng kiến sự đội giá nhanh không tưởng của những chiếc khẩu trang.

Trục lợi giữa hoang mang

Chưa hết hoang mang vì sự đội giá vùn vụt của những chiếc khẩu trang với nỗi lo về dịch bệnh do virus corona. Chưa hết nỗi buồn khi có đến hơn 1.200 cửa hàng “chặt chém” giá khẩu trang y tế, dung dịch sát trùng thì lại tiếp chuyện về những phát ngôn, chia sẻ trên hội nhóm của các nhà thuốc kêu gọi ngừng phục vụ các mặt hàng phòng dịch trong bối cảnh dịch do virus corona đang có nguy cơ bùng phát. Những ngày này, cùng với việc cập nhật thường xuyên diễn biến phức tạp của dịch, cộng đồng còn thường xuyên chia sẻ và bày tỏ bức xúc, bất bình khi nhiều cơ sở kinh doanh thuốc “chặt chém” giá khẩu trang...

 Tấm biển không bán khẩu trang gây bức xúc trong dư luận

Những tấm biển “Không bán khẩu trang, đừng hỏi” lạnh lùng đến bất lương, đã không chỉ khiến lòng người chùng xuống mà còn tiếp tục đặt ra vấn đề về sự xuống cấp trong đạo đức kinh doanh. Lên án, tẩy chay, các cơ quan chức năng yêu cầu người dân nếu phát hiện tình trạng “chặt chém” giá khẩu trang, nước rửa tay, hãy thông báo ngay theo các đường dây nóng... Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona chỉ đạo: “Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”. Tất cả các biện pháp đã được đưa ra, nhưng sau tất cả chúng ta vẫn phải thốt lên: Vì sao lại ứng xử với nhau như thế ngay trong cơn dịch? Lòng tương thân tương ái giữa người với người đang ở đâu?

Xin đừng đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Câu chuyện xuống cấp đạo đức xã hội lâu nay vẫn thường xuyên bị lên án và trong mỗi một bối cảnh, tình huống cụ thể, bên cạnh những hình ảnh đẹp đẽ và giàu tính nhân văn, chúng ta vẫn phải chứng kiến những cảnh mà người ta ứng xử với nhau một cách xấu xí, phản cảm, khiến nhiều người đã phải gọi một cách nặng nề: đó là sự ứng xử bất lương. Một Facebooker viết: “Nhiều hình ảnh đẹp trong chống dịch đã xuất hiện nhưng sự xấu xí này vẫn cho rằng mình đúng, “làm mình làm mẩy, giận dỗi với cả thế giới”. Rõ ràng chưa chịu hiểu cái sự ngu dốt của mình sẽ giết mình và giết đồng loại. Cần phải phạt nặng hơn. Không chỉ tiểu xảo, đục nước béo cò trong kinh doanh mà còn tự ái vặt. Một tính cực xấu của không ít người. Tự ái vặt không khác gì virus. Nó khiến con người ta không lớn nổi”.

Còn những cán bộ y tế đang phải oằn mình trước “cơn bão” corona cũng chia sẻ tâm trạng bức xúc trước sự cơ hội, ứng xử thiếu tính nhân văn của những nhân vật trục lợi này. Mặc dù đây chỉ là một nhóm những nhà thuốc làm ăn chộp giật, không đại diện cho tất cả các nhà thuốc, các cơ sở kinh doanh dược phẩm nhưng thái độ kinh doanh bất chấp đạo đức, bất chấp kỷ cương và vô cảm của những “con sâu làm rầu nồi canh” thực sự đã gây nên phản cảm về giới kinh doanh dược phẩm trong mắt người dân, gây mất niềm tin về đạo đức và lương tâm của người bán hàng. Một chuyên gia trong ngành dược bất bình, qua câu chuyện này tiếp tục gióng lên hồi chuông về vấn đề đạo đức, văn hóa ứng xử trong kinh doanh. Những nhà thuốc nói trên sau “cơn bão” này sẽ không được gì mà họ mất nhiều thứ.

Đây thực sự là điều đáng tiếc với chính các nhà thuốc có thái độ kinh doanh chộp giật. Thể hiện nhỡn tiền không chỉ là sự vào cuộc xử lý của các cơ quan chức năng mà chính là bản án được tuyên từ chính cộng đồng. Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội: “Trong lúc cả xã hội đang nỗ lực chống lại dịch bệnh thì đây là hành động vô đạo đức”.

Và những hành động đẹp

Nhưng cũng trong những ngày vừa qua, cộng đồng đã ghi nhận rất nhiều hình ảnh, thái độ sống đẹp của nhiều cá nhân, tổ chức bỏ tiền mua khẩu trang phát miễn phí cho người dân. Bên cạnh các chuỗi cửa hàng, nhà thuốc lớn từ Bắc đến Nam, những nghệ sĩ tên tuổi... còn là những bạn còn rất trẻ sẵn sàng vận động, đóng góp tiền bạc và thời gian, công sức để phát khẩu trang miễn phí...

Những trạng thái chia sẻ tích cực cũng được xem như những liều thuốc tinh thần vô giá, đối trọng với những thái độ, việc làm chưa đẹp và mang đến niềm tin cho mọi người về những điều nhân ái. “Sống là cho đi, sống đâu chỉ nhận riêng mình”, chia sẻ của bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) là một trong những trạng thái thể hiện giá trị tích cực về văn hóa ứng xử trong cộng đồng. Vị bác sĩ bày tỏ mong muốn các cá nhân, doanh nghiệp đang kinh doanh những mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn hãy cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Bác sĩ Khánh viết: “Kinh doanh ai cũng mong muốn có lợi nhuận, nhưng khi chúng ta bỏ qua hết cả những vấn đề đạo đức - nhân văn thì đó là một điều vô cùng đáng tiếc”.

Và trong khi những người lớn còn trăn trở với những chiếc khẩu trang che khuất cả tình người thì cũng ở nhiều nơi, hành động của không ít bạn nhỏ, biết cảm nhận, biết sẻ chia và giúp đỡ cộng đồng thực sự đã thắp lên ngọn lửa của lòng nhân ái, như những câu chuyện ấm áp trong những ngày chộn rộn biết bao lo lắng.

 Cậu bé 11 tuổi dùng tiền lì xì mua khẩu trang phát miễn phí cho người đi đường

Andy Đào Nguyên, cậu bé 11 tuổi sống tại TP.HCM đã không ngần ngại đưa cho mẹ 10 triệu đồng tiền mừng tuổi để mua khẩu trang y tế phát miễn phí cho người đi đường. Hành động đẹp của bé xuất phát từ việc chứng kiến mẹ của mình đi mua và phát khẩu trang cho mọi người. Cậu bé xung phong cùng mẹ đứng phát khẩu trang và hướng dẫn mọi người cách sử dụng khẩu trang cho đúng. Dành tặng số tiền mừng tuổi 10 triệu đồng, cậu bé 11 tuổi tin rằng mình đã làm được một việc ý nghĩa vì cộng đồng. Em chia sẻ rằng, “mình rất vui khi được phát khẩu trang cho mọi người. Bởi đó là món quà nhỏ cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn".

Câu chuyện cô bé lớp 4 viết thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và góp tiền lì xì chống dịch virus corona cũng là một trong những ngọn lửa nhỏ vô cùng ấm áp giữa những ngày này. Ngày 5.2, câu chuyện bé Nguyễn Ngọc Trinh, học sinh lớp 4C1, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) viết thư gửi người đứng đầu Chính phủ với mong muốn được góp toàn bộ số tiền mừng tuổi để mua khẩu trang đã được rất nhiều người chia sẻ trên mạng. Thành đoàn Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận số tiền 3,18 triệu đồng đóng góp từ em Nguyễn Ngọc Trinh, kèm theo là một bức thư đặc biệt do Nguyễn Ngọc Trinh viết gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với mong muốn được góp một phần nhỏ vào việc chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Số tiền mà cô bé học sinh lớp 4 gửi tặng sẽ được Thành đoàn Hà Nội dùng để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và tổ chức phát miễn phí vào ngày 8.2 tại 6 địa điểm di tích, thắng cảnh trên địa bàn thành phố và tại nhiều tuyến phố khác. Cô bé cũng sẽ tham gia cùng đoàn viên, thanh niên Thủ đô gửi tận tay những chiếc khẩu trang này đến các bạn thanh thiếu nhi, người dân. 

“Cháu là Nguyễn Ngọc Trinh, học sinh lớp 4C1, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Những ngày này, qua tivi, đài báo nói về dịch do virus corona, cháu hết sức lo lắng khi phải nghỉ học ở nhà. Cháu luôn suy nghĩ và nhớ đến lời Thủ tướng dặn mọi người hãy “Chống dịch như chống giặc”. Vì vậy, cháu đem toàn bộ số tiền được lì xì ngày Tết vừa rồi là 3.180.000đ góp với Thành đoàn Hà Nội để mua khẩu trang và nước rửa tay phục vụ mọi người phòng chống dịch bệnh như lời ông dặn”, bức thư của cô bé lớp 4 Nguyễn Ngọc Trinh được chia sẻ trên mạng khiến rất nhiều người xúc động.

 NGÂN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top