Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Không để xảy ra hình ảnh phản cảm trong mùa lễ hội

Thứ Sáu 31/01/2020 | 11:30 GMT+7

VHO- Khẳng định nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tời gian qua, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương cho rằng, mùa lễ hội năm nay, các địa phương, đặc biệt là những địa phương có các lễ hội “điểm nóng” cần tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29. 8. 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; không để xảy ra các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng gây mất trật tự, kích động bạo lực, tạo nên hình ảnh phản cảm trong lễ hội...

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương

. PV: Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Xuân về cũng là lúc mọi ngả đường đều đổ về các lễ hội. Bà đánh giá như thế nào về những chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước, đặc biệt ở một số lễ hội đầu xuân đã và đang diễn ra?

- Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước thời gian qua đã chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp. Hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Chúng ta có thể nhận thấy rõ những chuyển biến đó qua một số lễ hội lớn đang diễn ra như: lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội); lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội); lễ hội đền Trần (Nam Định), ...

Lễ hội chùa Hương 2020

Các địa phương đã luôn quan tâm đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Nhiều tỉnh, thành có các lễ hội “điểm nóng” ngay từ sớm đã chủ động  thành lập BTC lễ hội, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình và phân công nhiệm vụ cho các thành viên BTC. Ngay từ đầu năm, công tác tuyên truyền, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, việc quản lý thu, chi tiền công đức ... đã được các BQL di tích, BTC lễ hội quan tâm.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số lễ hội để xảy ra các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đơn cử như Hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), mùa lễ hội năm ngoái vẫn để xảy ra những hình ảnh phản cảm, chen lấn, giẫm đạp lên nhau để cướp phết, buộc chính quyền địa phương và BTC lễ hội phải ban hành văn bản yêu cầu tạm dừng phần hội (phần đánh phết) nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách. Đối với những lễ hội như vậy, Bộ VHTTDL chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động làm việc với cơ quan quản lý địa phương, chính quyền các cấp để tìm giải pháp nhằm thay đổi hình thức tổ chức và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo diễn ra an toàn, an ninh trật tự.

. Nghị định 110/2018/NĐ-CP được triển khai sau một năm đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương, thưa Cục trưởng?

- Năm 2019 đánh dấu năm đầu tiên Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực. Nghị định quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ của các địa phương trong quản lý, tổ chức lễ hội. Điều này góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương. Có phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị tham gia, tăng cường phối hợp liên ngành để thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý lễ hội.

Lễ hội đền Sóc 2020

Bài học kinh nghiệm được các địa phương đúc rút là phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Quan trọng hơn là phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân tham gia lễ hội. Thực tế cho thấy, từ văn hóa ứng xử của người đi lễ hội luôn nảy sinh nhiều vấn đề mà không ai khác, chính  người trong cuộc cần tự uốn nắn, chấn chỉnh. Ví dụ, đối với Lễ hội Đền Trần (Nam Định), trong năm 2019, hiện tượng người dân ném tiền vào kiệu ấn đã giảm, điều này có được một phần do đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dần dần tác động và làm thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử của người dân khi đến với lễ hội.

Hội Phết Hiền Quan 2020 bị yêu cầu tạm dừng phần đánh phết

Ở hội Phết Hiền Quan năm 2019, biểu hiện quá khích, không tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống của một bộ phận người tham gia lễ hội một lần nữa đã báo động về những ứng xử văn hóa lệch chuẩn, thiếu định hướng. Những sai lệch trong văn hóa ứng xử của người tham gia lễ hội đã làm hỏng đi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

. Trước sự quan tâm của dư luận, Bộ VHTTDL đã có những định hướng gì đối với công tác tổ chức hội Phết Hiền Quan năm 2020, thưa bà?

- Ngay sau khi hội Phết Hiền Quan 2019 kết thúc, cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL đã đề nghị chính quyền địa phương, BTC lễ hội sớm xây dựng một đề án mới, trong đó phải có các phương án đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội, không để xảy ra những hình ảnh phản cảm, ứng xử thiếu chuẩn mực. Nghị định 110 của Chính phủ đã phân cấp và yêu cầu các địa phương phải tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó hội Phết Hiền Quan là một “điểm nóng” cần có biện pháp hữu hiệu để không còn hiện tượng phản cảm như những mùa lễ hội trước.

Những hình ảnh không đẹp ở hội Phết Hiền Quan 2019

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, khi những ngày diễn ra hội Phết đã rất cận kề thì Phú Thọ vẫn chưa đưa ra được một đề án đổi mới với phương án tổ chức phần tranh phết có thay đổi  so với trước. Đề án cũng chưa có các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội... Vì vậy, Cục Văn hóa cơ sở  đã ban hành công văn  gửi Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ về nội dung tổ chức phần đánh phết trong lễ hội này. Trong đó, đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức lễ hội Phết theo hướng: phần lễ trang nghiêm, đúng nghi lễ truyền thống; phần hội tạm ngừng hoạt động đánh phết. Đây là nội dung được đưa ra  theo quy định tại điều 8 Nghị định 110/2018/NĐ-CP. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp: tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội; tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội...

. Bà đánh giá như thế nào về yêu cầu tạm dừng tổ chức phần đánh phết, vốn là một nội dung mang đến sức thu hút với hàng vạn du khách tìm về Hiền Quan mỗi mùa lễ hội?

- Chúng ta không thể lường hết được những vấn đề phức tạp nảy sinh nếu không có những phương án tổ chức an toàn, nhất là khi hội Phết ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Sau mỗi mùa lễ hội chúng ta lại bắt gặp ngập tràn những hình ảnh phản cảm từ hội Phết. Tất cả cũng vì bạo lực, tranh cướp. Thêm nữa,  nếu so với nguyên gốc thì nội dung này cũng đã bị thay đổi đi rất nhiều. Trước đây, chỉ có đánh phết chứ không có cướp phết, càng không có những màn tranh cướp, ẩu đả. Vì vậy, khi địa phương chưa đưa ra được phương án tổ chức thực sự an toàn thì không có cách nào khác là cần tạm dừng nội dung phần đánh phết.

Mặt khác, đối với hội Phết, chúng ta cũng còn nhiều nội dung cần chú trọng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để gây mất trật tự an toàn, kích động bạo lực...

Bên cạnh đó, các hoạt động khác trong lễ hội vẫn tổ chức theo kế hoạch đề ra, các địa phương triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội và các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do  virus corona.

-Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

BẢO VY (thực hiện); ảnh: TRẦN HUẤN, QUANG VINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top