Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chuyện của Thủy ở trại Fedasil

Thứ Ba 21/01/2020 | 14:54 GMT+7

VHO- Nguyễn Chung Thủy bắt đầu vào làm việc ở Trung tâm tị nạn của Fedasil dành cho trẻ vị thành niên từ 2015. Nơi đây tiếp nhận trẻ em chủ yếu từ Afghanistan, Syria, Nigeria, mồ côi hoặc bị lạc cha mẹ trên đường chạy sang châu Âu tìm miền đất hứa. Hành trang bọn trẻ mang theo bị nhét đầy tổn thương và mất mát.

Sức vóc tầm trung như Nguyễn Chung Thủy thì ở châu Âu vẫn bị coi là mảnh khảnh. Nhưng Thủy hoạt động liên tục. Hôm qua cô đôn đáo lo thủ tục cho trẻ tị nạn nhận quyền chăm sóc về tâm lý, giáo dục. Hôm nay cô nói về nhà muộn vì giúp Liên minh Bỉ - Việt tổ chức chương trình quảng bá văn hóa Việt, giới thiệu ẩm thực, trình diễn áo dài quyên tiền từ thiện. Cuối tuần đưa con đi học múa, tập thể thao. Còn tranh thủ lên kế hoạch hoạt động của nhóm Friends for Vietnamese kids, tổ chức quyên tiền và về nước mua đồ dùng học tập thiết thực cho trẻ em nghèo miền núi vào năm học mới. Cuối năm cô lại cùng Tổng hội người Việt Nam ở Bỉ tổ chức Tết Việt.

Lần nào đến, cũng mang theo bí mật

Chóng mặt! Nhưng chưa hết. Lần nào vào ra Trung tâm Fedasil, Thủy cũng đối mặt chuyện chấn động tâm lý của những bạn trẻ cô làm việc cùng. Một đứa trẻ mười tuổi chui xuống hầm thoát chết sau khi chứng kiến cảnh quân Taliban giết hại bố mẹ mình. Sang châu Âu chưa xong kiếp nạn, hôm qua đứa trẻ khác nhận tin nhà có người vừa bị giết. “Tôi từng hướng dẫn một em vị thành niên người Afghanistan suốt bốn năm. Bố mất, anh bị Taliban giết, mẹ dồn tiền cho cậu bé chạy trốn đến đây hy vọng sẽ giúp đưa cả gia đình sang nếu cậu nhận được giấy tờ ở lại hợp pháp. Cậu bé 14 tuổi này xin bảo vệ quốc tế tại Bỉ, nhưng không được chấp nhận. Niềm mong mỏi này trở thành gánh nặng tâm lý và cảm giác tội lỗi không giúp được gia đình... Cậu bé chỉ muốn chết để được giải thoát”.

Nghe Thủy kể, tôi liên tưởng những câu thơ của Vi Thùy Linh Khát sống và yếu đuối/Lần nào đến, cũng mang theo bí mật. Thân phận di dân, cuộc đời người tị nạn, dù gần đây được gọi theo hình thức mới là người xin bảo vệ quốc tế (BVQT), ở đâu và vào thời điểm nào cũng chất đầy tổn thương cùng những ám ảnh như vậy.

Có những chuyện Thủy không được phép kể do bí mật nghề nghiệp, nhưng khi bí mật ấy vượt quá sức chịu đựng và gây ảnh hưởng tới an toàn tính mạng các em như “họ tự rạch chân tay, định tự tử và yêu cầu mình không nói cho người khác biết” thì Thủy sẽ phải chia sẻ với đồng nghiệp. Phải cùng tìm cách bảo vệ sự an toàn cho các em. Công việc của một nhân viên xã hội hay trong trường hợp của Thủy, là người hướng dẫn hòa nhập cho người mới tới Bỉ không dễ dàng. Vì thế, quá trình đào tạo nghề này tại đây cũng đầy thử thách.

Từng học Luật và Ngoại ngữ, ở Việt Nam Nguyễn Chung Thủy tham gia nhiều dự án phát triển, giáo dục- truyền thông của các tổ chức nước ngoài, đã làm việc về sức khỏe sinh sản, trẻ em đường phố... Năm 2007 cô theo chồng sang Bỉ định cư rồi đối diện với khả năng xin được việc gần như là số không, vì bằng cấp trong nước chưa được công nhận tại đây. Lúc đó, chính cô là người cần được hướng dẫn hòa nhập cuộc sống tại Bỉ. Vậy mà chỉ sau vài năm, từ 2015 Thủy trở thành người hướng dẫn hòa nhập. Cuộc đổi vai ngoạn mục này được gieo mầm từ thái độ sống của Thủy “Tôi muốn tạo dựng hình ảnh tích cực trong mắt dân bản xứ về người Việt. Bằng cách này hay cách khác, mình phải đóng góp trở lại cho xã hội chứ không phải sang đây chỉ vì an sinh phúc lợi sẵn có”.

Ai tìm người đó sẽ thấy

Mỗi khi bạn bè, đồng hương gặp khó khăn tìm Thủy để chia sẻ, giãi bày, Thủy hay dùng câu châm ngôn của chính người Bỉ khuyên “Wie zoekt, die vindt”- Ai tìm người đó sẽ thấy. Thủy bảo, mình cũng trầy xước nhiều sau vài lần xin việc bị từ chối: “Đã 36 tuổi, tôi chỉ có một tấm bằng cao đẳng và một thứ tiếng trong tay. Tiếng Anh của tôi tốt nhưng ở đây chẳng ai sử dụng mấy, trình độ tiếng Pháp tôi chỉ bập bẹ như trẻ lớp 5. So với ứng viên bản xứ, tôi cảm thấy mình như một người tàn tật”. Thủy vẫn tiếp tục tìm kiếm. Cuối 2015 là thời kỳ khủng hoảng dân tị nạn vào Bỉ. Các trung tâm nhỏ từ 10- 30 trẻ tị nạn vị thành niên (không có cha mẹ) hết chỗ. Một trung tâm lớn hơn cho khoảng 250 trẻ lập ra tạm thời giải quyết khủng hoảng. Thủy đã tìm thấy cơ hội cho mình. Cô bắt đầu nhận công việc ngay tại đây, Fedasil- Cơ quan nhà nước chuyên chịu trách nhiệm về tổ chức trung tâm cho người tị nạn vào Bỉ.

Mùa hè 2017, Trung tâm lớn Fedasil hoàn thành nhiệm vụ đưa các em cuối cùng về trung tâm nhỏ. Nguyễn Chung Thủy xin tiếp tục công việc tại trung tâm nhỏ Minor- Ndako, theo tiếng Latin và CH Congo kết hợp nghĩa là Ngôi nhà cho trẻ em. Tại đây tập hợp đối tượng dưới 18 tuổi, phần lớn đang gặp biến cố nặng về tâm lý, một số đã có hành vi phạm tội nhẹ và phải theo dõi đặc biệt.

Tại sao lại chọn đối tượng khó hơn để chăm sóc và hướng dẫn hòa nhập như vậy, Thủy tâm sự: “Tôi luôn ước muốn được làm việc và giúp đỡ người xin BVQT. Đây là cách tốt nhất để tôi cảm ơn cuộc sống và biết trân trọng những gì mình đang có. Bản thân tôi đến đây khi đã trưởng thành, có chồng là người bản xứ làm chỗ dựa vững chắc, vậy mà nhiều lúc vẫn cảm thấy vô cùng vất vả khi hòa nhập xã hội mới. Các em nhỏ không cha không mẹ kia còn khó khăn biết bao khi bơ vơ bước vào miền đất xa lạ này?”.

Trở lại với cậu bé xin BVQT tại Bỉ suốt bốn năm qua không được chấp nhận, nay đã bước vào tuổi 19 và bị đưa vào trại kín, quản thúc chờ ngày trục xuất về nước. Thủy, với tư cách một nhân viên xã hội, trở thành người thân duy nhất của cậu bé khi được phép vào trại thăm dưới sự giám sát của cảnh sát. Bốn năm ở Bỉ cậu bé đã hòa nhập một phần cuộc sống nơi này, nhận thức cũng thay đổi, nay bỗng phải đối mặt với tương lai hồi hương. Sự hòa nhập ngược này liệu có dễ dàng? Sự hiện diện của Thủy trở thành chỗ dựa tinh thần cho cậu bé. Cô giúp cậu bé được trò chuyện với bạn bè ở Bỉ, giúp lên kế hoạch tạm thời khi hồi hương cần phải làm gì.

Thủy nhớ lại, “trước ngày rời Bỉ, cậu bé nói rằng những nhân viên xã hội thực sự cho cậu cảm nhận được tình người khi chính quyền đã quay mặt và không cho cậu cơ hội được ở lại. Sự quan tâm của những nhân viên xã hội giúp cậu có nghị lực để đối diện tương lai. Đó là món quà vô giá”.

Cư trú bất hợp pháp ở Bỉ là phạm tội. Những ai làm việc trong các tổ chức công quyền ở Bỉ nếu phát hiện có người nhập cư sống bất hợp pháp bắt buộc phải trình báo, nếu không sẽ bị truy cứu trách nhiệm. Riêng các tổ chức phi chính phủ được phép giúp đỡ nhân đạo cho đối tượng này (trong việc nhận những quyền ít ỏi còn lại như chăm sóc y tế, hỗ trợ về pháp lý, hay muốn hồi hương,..).

Nguyễn Chung Thủy cho biết, hiện có nhiều đối tượng không muốn ở lại Bỉ mà chờ để sang Anh- transmigranten. Họ tìm cách rời khỏi trại, sống chui lủi trong rừng, dù vẫn nhận sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện hoặc cá nhân từ tâm. Riêng đối tượng trẻ em được bảo vệ tới 18 tuổi. Các em bị từ chối BVQT vẫn có thể ở lại Bỉ hợp pháp, được quyền có người giám hộ, đi học, quyền chăm sóc y tế, quyền bảo vệ pháp lý - có luật sư miễn phí khi cần... nhưng một số các quyền này sẽ chấm dứt sau khi bước sang tuổi 18.

KIỀU BÍCH HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top