Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tiên phong khôi phục áo dài ngũ thân, được không?

Thứ Năm 23/01/2020 | 13:24 GMT+7

VHO- Bộ trang phục áo dài Việt Nam sản sinh ở kinh thành Phú Xuân - Huế đã từng bước thay thế các dạng trang phục cổ truyền của Đàng Ngoài, từng bước được điều chỉnh để trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà Việt Nam.

Chân dung Hoàng đế Hàm Nghi. Ảnh tư liệu của Vĩnh Khánh

Trải qua nhiều năm thăng trầm cùng thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu.

Áo dài là tên gọi chung cho trang phục của đàn ông và đàn bà, dù kiểu cách áo dài phụ nữ thường thướt tha, duyên dáng, áo dài đàn ông lại trang nghiêm, chững chạc. Áo dài là áo năm thân, vì khổ vải ngày xưa hẹp, vạt trước và vạt sau đều phải “nối sống”, may ghép hai thân vải với nhau; ngoài ra còn có một thân vải ngắn may nối với vạt sau, gọi là vạt con, khi mặc áo, vạt con nằm khuất dưới vạt trước.

Nhận diện về áo dài

Người Huế gọi áo năm thân là áo ngũ thân hay ngũ thể, với ý nghĩa tương truyền rằng năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu” (cha mẹ mình và cha mẹ người hôn phối), thân trong tượng trưng cho người con. Áo dài có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân - nghĩa - lễ - trí - tín), ngũ luân (quân thần: vua - tôi, phụ tử: cha - con, phu phụ: chồng - vợ, huynh đệ: anh - em, bằng hữu: bạn bè). Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.

Ở các vùng miền trong nước, áo dài thường là lễ phục, riêng với Huế áo dài vừa là một phần trong lễ phục, vừa là y phục thường ngày. Có một thời áo dài luôn gắn liền với sinh hoạt của người Huế, tùy từng đối tượng, từng hoàn cảnh, từng thời gian mà áo dài có những biến cách khác nhau... Áo dài nam thường là màu đen, hoặc xanh hay trắng, vạt áo hẹp và ngắn hơn áo dài nữ, thường đi liền với chiếc quần trắng, khăn đóng và guốc mộc. Áo dài xanh dành cho người cao tuổi, người có danh phận. Áo dài đỏ chỉ dành riêng cho người thượng thọ. Những bậc đại quan, tùy theo chức phận còn mặc áo dài màu tía (trên nhất phẩm), màu cổ đồng (chánh nhất phẩm), màu thiên thanh (tòng nhất phẩm)... Ở các đại lễ, đàn ông “có vai vế” còn khoác thêm bên ngoài chiếc áo thụng xanh, có vạt dài và tay áo rất dài, rất rộng, thường gọi là áo rộng.

Kiến trúc sư Nguyễn Duy Đạt (1869 - 1937) . Ảnh: Tư liệu

Áo dài nữ theo phong cách xưa có vạt áo dài, tay hẹp, thân không chít eo, không để lộ ngực, tà áo được cắt úp, thân may thong thả, tạo nên nét uyển chuyển, dịu dàng, mang nét nữ tính. Chiếc áo dài của giới nữ quyền quý giàu sang thường là áo kép, may hai lớp vải; áo kép còn mặc ngoài áo dài đơn hoặc áo cánh vải nhẹ. Chất liệu loại áo dài này thường sang trọng, màu sắc đẹp và tao nhã; các họa tiết thêu thùa sắc sảo, đường kim mũi chỉ tinh tế, tạo nên một vẻ thẩm mỹ đài cát, kiêu sa mà vẫn khiêm cung, kín đáo. Có những chiếc áo dài xưa của phụ nữ Huế đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Áo dài của phụ nữ bình dân giản dị hơn, với vải vóc thô sơ, thường là màu đen, màu nâu hoặc trắng hay lam, không thêu thùa nhưng kiểu dáng chẳng khác lắm so với chiếc áo dài giới quyền quý. Trong những dịp đặc biệt như cưới hỏi, lễ lớn, một số người còn mặc chiếc áo cặp theo nguyên tắc áo trong dài hơn, màu sặc sỡ hơn, áo ngoài ngắn hơn, màu sắc nhã hơn. Áo dài của phụ nữ buôn bán gánh gồng khi sờn rách lại được vá thêm mảnh vải quàng cả hai vai; có khi được thay nửa vạt áo, tạo thành áo dài nối, với cách phối màu hài hòa kiểu đen - nâu, đen - trắng, nâu - trắng.

Tương tự như cả nước, ở Huế áo dài nam ít thay đổi, nhưng áo dài nữ lại linh hoạt biến đổi theo thời gian, song cơ bản phụ nữ Huế vẫn bền bỉ duy trì tính kín đáo, trang nhã và đoan trang theo phong cách riêng. Vào thập kỷ 1930, 1940, với những vận động cách tân áo dài nữ theo mẫu mã của các họa sĩ Nguyễn Cát Tường, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, táo bạo nhất là kiểu Le Mur (Nguyễn Cát Tường) với kiểu cổ hình trái tim, cổ lọ, cổ bẻ, đính nơ, tay phồng, khoét giữa lưng, không tay, cài khuy trên vai… đã ít nhiều tạo ảnh hưởng tại Hà Nội và một số thành phố lớn, nhưng phụ nữ ở kinh đô Huế vẫn không hưởng ứng, trừ việc bỏ cách nối sống giữa hai thân áo, chuyển áo năm thân thành áo ba thân.

Vào thập niên 1960 ở miền Nam, với sự phổ cập rộng rãi các loại nội y, nịt ngực (soutien), các chất liệu vải nylon, áo dài phụ nữ miền Nam cũng nhiều lần cách tân, với các kiểu áo chít eo, áo cổ cao, cổ tròn, cổ thuyền, cổ trái tim, áo dài tay raglan, vạt ngắn…; nhưng trừ việc tiếp thu phổ biến cách may áo tay raglan (cách ráp tay áo nối từ cổ xuống nách), cách chuyển đổi vạt áo lúc dài lúc ngắn, ống quần lúc rộng lúc hẹp; còn lại phụ nữ Huế vẫn hưởng ứng một cách rụt rè các kiểu cách tân và hầu như lại lạnh nhạt, dè bỉu những kiểu dáng đi ngược với thuần phong mỹ tục. Có lẽ sự thay đổi lớn nhất là cách chuyển đổi từ chiếc quần chân què sang quần đáy giữa, quần dây lưng sang quần dây thun, gài nút, gài khuy, dây kéo. Trong nhiều lớp đổi thay của áo dài nữ, vẫn tồn tại một hiện tượng kéo dài rất nhiều năm là nữ sinh Huế vẫn bền bỉ ưa chuộng chiếc áo dài tím mơ mộng, chiếc áo dài trắng tinh khôi, như một cách để khẳng định mình là con gái Huế. Đã có thời (1954 - 1975) Huế được báo giới miền Nam tôn xưng là Thành phố Áo dài.

Đến nay, áo dài Huế vẫn đang đứng trước những xu hướng cách tân. Và chắc chắn, sẽ không có một mẫu áo dài nào bất biến, càng không thể có một mẫu áo dài chỉ dành riêng cho Huế. Có điều dễ nhận thấy, là đứng trước vô vàn những kiểu áo dài được biến tấu để phụ nữ Việt Nam lựa chọn thì hầu như phần đông phụ nữ Huế vẫn hướng đến những kiểu dáng mà giá trị đã được sàng lọc qua thời gian, những chiếc áo dài vừa mới mẻ, vừa gợi cảm, nhưng vẫn kín đáo tôn được nét tuyệt mỹ của những đường cong cơ thể, tạo nên nét duyên dáng sinh động của người phụ nữ Huế.

Tết xưa. Ảnh tư liệu đầu thế kỷ XX

Làm gì để áo dài thực sự hồi sinh?

Huế là người mẹ đã sản sinh và nuôi dưỡng chiếc áo dài Việt Nam, áo dài cũng từng góp phần tạo nên một nét đặc trưng của văn hóa Huế, nhưng với những thăng trầm của thế sự, áo dài có lúc như viên ngọc quý đã bị lớp bụi hờ hững  của người đời che lấp hết vẻ đẹp lấp lánh vốn có. Thập niên 1990 trở lại đây, cùng với sự đổi mới của đất nước, áo dài đã dần dần được hồi sinh với diện mạo mới. Đặc biệt từ Huế, những lễ hội áo dài gắn với Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế đã thức dậy vẻ đẹp kiêu sa đài các của áo dài phụ nữ Việt Nam.

Đáng lưu ý, tuy áo dài nữ đã xuất hiện phổ biến, nhưng áo dài nam chỉ mới có mặt trong những điểm việc làng, việc họ, trong những ngày giỗ chạp, chủ yếu vẫn trong số người lớn tuổi; một số giới trẻ ở Huế cũng mới sử dụng áo dài trong các dịp cưới hỏi, trên các sân khấu trình diễn nghệ thuật; hình ảnh chiếc áo dài nam vẫn còn vướng vất với quá khứ của một thời xưa cũ.

Làm gì để áo dài sớm thực sự hồi sinh, tạo ra một nét đẹp độc đáo trong cuộc sống của người dân xứ Huế, góp phần cùng các giải pháp khác, tạo động lực mới để Huế vươn vai đứng dậy, hướng đến một một thời cơ phát triển mới?

Trước hết, cần thừa nhận thời đại đã đổi khác, rất khó để những tà áo dài truyền thống lại bay bay khắp mọi nhà, mọi đường phố, đường làng, hay trong chợ, trên sông, ngoài đồng ruộng… như một thời Huế từng có. Nhưng cần khẳng định áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo trong di sản văn hóa Huế, để quyết tâm xây dựng thương hiệu Áo dài Huế như một tài sản trí tuệ độc sáng của vùng đất cố đô. Vì vậy, ngoài nỗ lực tiếp tục mở rộng các phương thức hướng dẫn, vận động người dân thường xuyên sử dụng trang phục áo dài trong các sinh hoạt xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế.

Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có thể đi tiên phong vận động khôi phục lại quốc phục áo dài Việt Nam, cho cả nam và nữ; phát động khôi phục áo dài Nhật Bình Huế, áo dài ngũ thân của đàn ông, yêu cầu mọi cán bộ, viên chức của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khi làm nhiệm vụ tại Đại Nội và các lăng tẩm, di tích cố đô đều mặc áo dài trang trọng. Hằng năm, cơ quan quản lý di tích cố đô đều tổ chức ngày Đại lễ Tôn vinh Áo dài tại lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát, lăng Vua Minh Mạng, tạ ơn các vị có công khai sáng trang phục áo dài Việt Nam. Quy định trong các buổi tiếp tân long trọng của tỉnh và thành phố, mọi nhân viên làm nhiệm vụ tiếp tân, cả nam và nữ, đều mặc trang phục áo dài… Như vậy, cần đa dạng hóa quảng bá về áo dài để xây dựng hình ảnh Huế là chiếc nôi của áo dài Việt Nam...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top