Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xem lại Học trò thủy thần, và giá như...

Thứ Ba 21/01/2020 | 11:56 GMT+7

VHO- Năm đó tôi khoảng 10 tuổi, những thông tin được đón chờ nhất trong dịp Tết Nguyên đán chính là “chương trình phim Tết” của truyền hình. Trong cái lạnh se sắt lại thêm mưa phùn, những đứa trẻ như tôi háo hức đếm lì xì, và xem phim với đôi mắt dán vào màn hình và cái miệng mở tròn như muốn nói theo những gì nghe thấy.

Bữa ấy, là lần đầu chúng tôi được xem phim “Học trò thủy thần”, phim thần thoại về người Thầy vĩ đại của dân tộc - Thầy Chu Văn An. Phim rất thu hút, không chỉ vì diễn xuất mà còn vì nội dung phim gần gũi với bối cảnh gia đình tôi, gia đình có nhiều người làm nghề giáo và cũng có họ Chu (thực ra đến giờ tôi cũng không biết họ Chu của tôi có cùng gốc gác với họ của Thầy Chu Văn An hay không).

1. Bố tôi giảng giải cho tôi và các chị em những chi tiết, những lễ nghi, những quy định, luật lệ,… được xuất hiện trong phim mà đa phần lạ lẫm với chúng tôi. Bố nói về “sự kính Thầy”, về cái khát khao đi học để “làm người”, để trở nên hiểu biết. Đấy cũng là lần đầu tôi xâu chuỗi lại những gì mình biết, những gì đang diễn ra xung quanh tôi về chuyện “Tết Thầy”. Trong nhà tôi, ngày Nhà giáo Việt Nam là một ngày vui nhất. Học trò cũ, học trò hiện tại của mẹ tôi sẽ đến đầy ắp nhà. Đôi khi các anh chị phải xếp hàng để đến lượt mình bước chân vào căn phòng rất chật chội của chúng tôi. Nhưng bố mẹ tôi thì thường đi Tết Thầy, nhớ đến Thầy vào đúng dịp Tết cổ truyền.

Bố mẹ tôi nhắc “Mùng một tết Cha, mùng hai tết Mẹ, mùng ba tết Thầy”. Bố nói rằng, Thầy được biết ơn, được kính trọng như cha mẹ vậy. Người mang đến trí tuệ, đến tầm hiểu biết cho mình là Thầy mình. Mà biết ơn, mà kính trọng được thể hiện bằng cách nhớ về, bằng cách kính dâng những gì tốt đẹp nhất. Thỉnh thoảng bố nhắc lại tục xưa: Nhà nuôi gà, gói bánh,… để chuẩn bị Tết Thầy. Còn khi chúng tôi lớn lên, bố mẹ cũng vẫn thường chuẩn bị cho chúng tôi quà đến biếu Thầy cô của tôi rất trân trọng. Trong lúc xem phim ấy, tôi vẫn nhớ bố nói: “Trong một đời người thì có nhiều người dạy mình, xứng đáng làm Thầy của mình, khó mà kể hết được. Trong đời thầy giáo, cũng có biết bao nhiêu học trò, nhưng ai coi là Thầy thì sẽ có khắc tự tìm về. Làm thầy tốt thì vẫn có Tết mùng ba” với ý rằng, dù trò có đi đến đâu, thì trò cũng sẽ nhớ về thầy, như thế là có Tết.

2.Gần ba chục năm sau, tôi được làm cô giáo, được đi nhiều nơi, gặp gỡ trở thành học trò rồi trở thành thầy của nhiều người. Tôi thấy dù ở bất cứ đâu, những tình cảm thầy trò đều vô cùng tốt đẹp. Món quà tôi luôn nhớ là lúc đi thực tập. Khi đó, tôi trở về trường cũ của mình, và dạy một lớp bán công. Những đứa trẻ ấy đã cho tôi biết bao bài học, quý giá hơn bất kì điều gì, khiến cho tôi thay đổi định hướng nghiên cứu của mình. Từ đó, tôi tập trung cho những đứa trẻ “sợ” và “dốt” toán. Chúng nói tôi đã mang cho chúng những kì tích, khi lần đầu biết làm toán, và tự tin lên bảng. Nhưng chúng chắc không thể biết rằng, tôi luôn kể về những Việt Hà, những Ánh,… thân yêu.

Cũng là dịp Tết năm đó, khi tôi về nhà, mẹ tôi nói: “Có một cô ở chợ cứ dúi vào tay mẹ túi nấm này, cô ấy bảo, tìm con để biếu mà không biết làm thế nào, nhưng gặp mẹ rồi thì đưa luôn. Cô ấy là phụ huynh em Ánh nào đó”. Rồi có những ngày Tết nữa, học trò dán những tờ giấy note ở cửa nhà trọ của tôi. Chúng dặn tôi rằng: “Cô đừng làm nhiều như thế”. Thỉnh thoảng tôi lại nhận được thùng quả vườn nhà học trò từ miền xa lắc gửi đến, rồi những cái cây nho nhỏ, những tấm thiệp mà học trò đi xa gửi về. Có học trò năm nào cũng cho tôi một con ngan nhà nuôi, hay bánh chưng nhà gói,… Trong thế giới hiện đại này, cô giáo trẻ như tôi luôn thấy vinh dự, được yêu khi nhận những món quà như thế.

Đi công tác, đi làm việc với những người nước ngoài tôi nhận ra đã làm Thầy thì ai cũng xúc động trước tình cảm trân quý mà người học trò dành cho mình. Đó là những chiếc bánh quy được người học trò tự mình nướng, nó đơn sơ, nó còn méo mó nhưng được nâng niu vì đó là chiếc bánh dành cho cô giáo của trò mà tôi gặp ở Pháp. Hay đó là bức thư gửi kèm một bông hoa ép khô được gửi cho Thầy giáo nơi nước Nhật xa xôi. Ở những vùng văn hóa rất khác biệt, nhưng lại giống nhau: Ai đi học cũng kính yêu Thầy. Thầy đều hạnh phúc vì được trò kính trọng. Xong thực tình, những đồng nghiệp của tôi đều khá “choáng ngợp” không khí “vui hơn tết” trong ngày Hội dành cho giáo viên ở Việt Nam. Hình thức hoành tráng cũng khiến cho mỗi người làm thầy thấy được vinh dự. Nhưng điều sâu thẳm nhất, mỗi người đều chờ đợi hưởng “Tết” theo cách của riêng mình. Nên mẹ tôi hay những người đã đi qua thời kì “khan học” đều cho rằng “Tết mùng Ba” là ý nghĩa, là thiêng liêng.

Giờ đây, đã có ngày Tết riêng cho những người làm ngành giáo dục, Ngày Hiến chương các nhà giáo, Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự phát triển của kinh tế xã hội khiến cho những tập tục truyền thống dần bị phai nhạt. Rồi ngày Tết Thầy vào mùng Ba có thể không còn nữa. Ngay cả với tôi, mấy năm nay ngày mùng Ba thường nhớ về Thầy, lấy điện thoại “gọi, nhắn tin, gửi email”, còn tranh thủ lúc nào được thì về thăm Thầy, thăm Cô lúc ấy. Với một số người, Tết với nhiều tập tục thật nhiêu khê. Có người than rằng, cứ nghe bài hát “tết, tết, tết đến rồi,…” là thấy sợ. Tết bây giờ cánh trẻ thích được nghỉ ngơi, được du lịch và khám phá thêm những gì mình chưa biết. Đến Tết cho cha mẹ cũng được người trẻ giản tiện. Cũng có nhiều người không thấy nhớ Thầy, không thấy một sâu lắng được tỏ lòng kính trọng hoặc giả dụ đều bảo: “Nhớ là được rồi, là quý rồi”, còn nhiều thời gian lắm.

3.Năm trước nữa, tôi dẫn theo hai đứa con đến thăm Thầy giáo cũ. Ra về, hai đứa con tôi cứ hỏi mãi, sau đấy lại thành thói quen hỏi: “Ngày xưa mẹ học thế nào, ông dạy mẹ những gì, ai là người mẹ thích học...”. Khi trả lời những câu hỏi của con tôi, tự dưng tôi thấy mình hạnh phúc, vui lâng lâng ở trong lòng. Tôi có cơ hội để gần con, kể cho con nghe và tự thấy mình trẻ lại. Rồi lũ trẻ của tôi cũng liên hệ, cũng so sánh, cũng tự thấy việc ở trường, ở lớp quý biết bao. Chồng tôi, sau đó cũng dẫn con gái đến gặp Thầy chủ nhiệm nhân dịp anh trở về Hội trường. Đấy có thể là một cái cớ, để cuộc đời chúng ta tụ lại, cùng nghĩ và cùng nói về một giá trị mà ai cũng có: Tình nghĩa Thầy Trò.

Khi viết bài này, tôi xem lại bộ phim Học trò thủy thần. Người học trò đó có thể không có thật. Nhưng tình cảm dành cho Thầy Chu Văn An, triết lí về việc dạy của Thầy là có thật, nó còn lưu truyền đến tận bây giờ. Những người thầy còn trẻ như tôi sẽ nghiên cứu, giảng dạy và nói rằng truyền thống cần được lưu giữ, ngấm vào máu và thành văn hóa con người để nâng niu. Nhưng nếu không đủ trải nghiệm thì lý trí ấy chỉ để viết trên sách vở hay đàm đạo, mà chẳng biết nó cần thể hiện thế nào. Tôi đau đáu nhất là làm thế nào để mình thực sự có Tết Thầy.

Tôi không muốn vì hình thức, mà những người gọi tôi là Thầy, đến ngày lễ thì mang hoa, mang quà biếu tặng; để rồi sau đó, những người học trò sẽ quên đi, mong quên đi được người thầy thì sao? Nặng lòng không phải để cố giữ một ngày Tết, mà làm sao thật có Tết trong lòng. May chăng, nhờ có công nghệ, nhờ tư duy hiện đại, mà chỉ cần muốn có, Tết có thể đến bất kì lúc nào. Vậy nên, nếu tôi còn được đi dạy, thì tôi mong Tết đến vì người người muốn có. Tết mùng Ba cũng vậy, cứ nhớ về, cứ sum vầy trong biết ơn là có Tết cho Thầy.

PGS.TS CHU CẨM THƠ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top