Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chuyện đời dưới mỗi gốc quất

Thứ Ba 21/01/2020 | 09:15 GMT+7

VHO- Cuộc nói chuyện của chúng tôi với bà Nguyễn Thị Tuấn (nhà vườn Tuấn Hải), chủ hộ trồng quất lâu năm tại làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên, Hà Nội liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc ngã giá khi có khách hỏi mua quất. Với những người trồng quất như bà Tuấn quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, những ngày giáp Tết lại càng bận rộn. Thậm chí, kinh tế cả năm của gia đình bà phụ thuộc cả vào những ngày này.

Đại gia đình trồng quất

60 tuổi, 24 năm theo nghề, gần một nửa quãng đời của bà dành cho công việc trồng quất. Bà kể về lý do chọn nghề này, đơn giản vì từ trước gia đình đã có truyền thống làm nghề nông, rồi đến bà nối tiếp. “Hồi đó học hết lớp 12, thấy mẹ vất vả, tôi gác lại chuyện học đi trồng rau. Được một thời gian, thấy hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển sang trồng quất rồi gắn bó đến tận bây giờ”.

Với mỗi gia đình Việt ở miền Bắc, Tết sẽ vơi đi phần ý nghĩa, bớt đi niềm vui nếu thiếu cây quất, cành đào trong nhà. Vì thế công việc của bà Tuấn và những người làm nghề trồng quất, nghe tưởng đơn giản nhưng lại đầy ý nghĩa. Nhận ra ý nghĩa từ công việc mình làm, bà Tuấn vẫn quyết tâm bám trụ với nghề mà cha ông để lại dẫu có nhiều vất vả. “Có khi nắng 40 độ nhưng 13, 14 giờ chiều vẫn phải ra tưới cho cây. Rồi bão lớn, không ra thăm vườn được lòng tôi cứ như có lửa đốt”, bà Tuấn tâm sự. Nói đến đây, bà còn đùa rằng, con cái ở nhà có đứa đi công tác 2-3 ngày chưa thấy nhớ nhưng chỉ xa cây quất có một buổi sáng cũng đã thấy bồn chồn.

Những gốc quất được người nông dân chăm sóc từ đầu cho đến cuối năm

Cả vườn quất của bà Tuấn có 100 gốc quất truyền thống và 200 gốc quất bon sai. Nghe thì có vẻ “hoành tráng” vì giữa lòng Thủ đô chật chội lại có nhiều đất trồng cây làm kinh tế như thế nhưng tiền thu về chả được bao nhiêu bởi chi phí vật tư, thuê thợ phụ đỡ… Theo bà Tuấn, thu nhập của những hộ trồng quất ở đây khá bấp bênh. Cả năm thu nhập chỉ mong vào một tháng trước Tết Nguyên Đán bởi đây là dịp cây quất mới thành phẩm. Trừ đi các chi phí, bà Tuấn tính nhẩm mỗi tháng chỉ thu được về khoảng 5-6 triệu. Nếu năm nào thời tiết không chiều lòng người, số tiền này thấp hơn nhiều hoặc có hộ còn phải chịu cảnh lỗ vốn. “Nhiều lúc lỗ mà chúng tôi gọi đây là cái “nghiệp” chứ không phải “nghề”, bà Tuấn cười

Có một điều khá đặc biệt bà Tuấn chia sẻ với tôi rằng gia đình bà 6 người thì hết 5 người theo cái nghề vất vả này. Chỉ riêng người chị cả làm cho cơ quan của Nhà nước. Rồi đến khi bố mẹ dựng vợ, gả chồng cho chị em trong gia đình bà, con dâu, con rể cũng lại theo làm cùng. “Ngay cả con cháu tôi cũng đang học lấy nghề này để nối truyền. Chẳng muốn chúng nó theo đâu vì nhiều lúc mệt mỏi lắm nhưng thấy chúng nó đam mê thành ra lại tự hào về nghề mình đang làm”, bà Tuấn nói.

Chín phần vất vả

Cả ngày bận rộn bán quất, ông Phan Duy Nghĩa (chủ vườn Chính – Nghĩa) đành phải hẹn chúng tôi tới gặp vào buổi tối. Giữa cái lạnh buốt của những ngày giáp Tết, , cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu khi đèn đường đã lên, ông Nghĩa khi đó vẫn đứng ở đầu vườn chờ phóng viên quay lại. Trong bộ dạng lấm lem đất cát trên áo quần, ông mời chúng tôi vào ngồi ở chiếc lều được dựng kiên cố giữa bãi.

Căn lều cùng vài vật dụng cơ bản được người nông dân ngủ sử dụng để ngủ lại vườn, trông giữ từng gốc quất cho khách khỏi mất trộn

Một tháng trời trực chờ ngoài vườn, khi được hỏi nhớ nhà không, ông chỉ biết cười trừ: “Nhớ thì nhớ nhưng mà cũng vì đồng tiền nuôi gia đình nên tôi cố trụ ở đây đến tận chiều 30 Tết mới về nhà. Hơn nữa, giờ tôi trồng thêm cả những lọ quất bon sai, nếu không ở đây trông để xảy ra mất trộm dù chỉ một cây, coi như con tôi mất một tháng tiền học. Với lại những ngày này, các cháu được nghỉ học cũng lên đây chơi với bố nên cũng được gần cháu hằng ngày".

Hơn 20 năm gắn bó với cây quất, chưa khi nào ông thấy chán nản mặc cho những lúc phải chịu lỗ nặng vì thời tiết không “chiều” người nông dân. Nghĩ một lúc cho câu trả lời tại sao lại theo nghề này, ông bảo: “Nhìn cây quất do chính tay mình chăm lớn lên hằng ngày, mình yêu nó lắm chứ. Giờ mọi người đều chọn làm văn phòng, ngồi máy lạnh 8 tiếng một ngày chứ ai nào muốn vất vả, phơi mặt ra đất cát như thế này?”.

Có lẽ ông Nghĩa nói đúng. Bởi nghề nông mười thứ thì hết chín là vất vả. Nhưng những người như ông sẵn sàng chọn một thứ dễ dàng trong nghề để yêu nó đến hết đời. Thật vậy, bụi đất, thuốc bảo vệ thực vật, những người dân trồng quất phải hít quanh năm suốt tháng. Chỉ duy nhất một tháng trước Tết, công việc này được dừng để đảm bảo sức khỏe cho những người mua cây.

Chia tay ông Nghĩa, trên đường về, trước mặt chúng tôi là nhiều xe tải đứng nối dài chờ quất lên xe để trả cho khách. Theo những người nông dân, đây là những gốc quất phải chở đi xa, có cây đang chờ lên xe ra sân bay để chuyển vào tới thành phố Hồ Chí Minh, gần nhất thì cũng là Thái Nguyên. Dù cho mệt mỏi, nhưng trên gương mặt những người nông dân ấy vẫn là nụ cười bởi mỗi cây quất được chuyển đi, cũng là cái một cái Tết cụa họ thêm phần sung túc.

“Tất cả, tôi đều dành cho vợ con”

Vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, thông thường, chỉ từ khoảng 28 Tết, người lao động đã được nghỉ để về với gia đình. Vậy mà những lao động tự do như anh Nguyễn Văn Tuấn vẫn phải bám trụ tại vườn tới tận chiều tối 30 Tết mới về quê. Anh Tuấn quê ở Hưng Yên, gắn bó với công việc đánh quất hơn 10 năm nay. Hoàn cảnh gia đình chả mấy khá giả, hai con lại đang tuổi ăn, tuổi học nên ngoài công việc thợ mộc ở quê, cứ khoảng từ rằm tháng Chạp, anh Tuấn lại lên Hà Nội đánh quất. “Nhiều khi làm ở đây thấy các gia đình dắt tay nhau đi mua đào, mua quất sắm Tết, tôi thấy tội cho vợ con ở nhà. Nhưng biết sao giờ, cũng vì mong cả gia đình có được cái Tết có đủ mâm ngũ quả, bánh chưng, hộp mứt nên tôi chấp nhận”, anh Tuấn chia sẻ.

Từng gốc quất được chuyển đi, là thêm một cái Tết của những người lao động như anh Tuấn thêm phần ấm cúng

Không biên chế, cũng chẳng biết đến hợp đồng lao động, cứ hễ có chủ vườn gọi đánh quất, anh đều nhận lời dù đây là công việc nặng nhọc. Chạy Đông, chạy Tây, nhưng với mỗi cây quất, cây hai người hay bốn người mới khênh được lên xe, anh cũng chỉ lấy tiền công 50.000 đồng một cây. Trừ đi tiền xăng xe, anh Tuấn cũng để được ra một ít. Lấy rẻ tiền công, nhiều khi chủ vườn thương hại lại mua cho anh suất cơm ăn cho ấm bụng. Rồi có khi nhỡ nhàng, việc kết thúc muộn, chủ vườn lại giữ anh ở lại qua đêm ngủ cho đỡ vất vả.

Chỉ chờ đến chiều tối 30 Tết, khi chủ vườn nói: “Thôi chú về mà sắm Tết”, anh Tuấn mới yên tâm trở về nhà. Tết năm nào, anh cũng chỉ mong chủ vườn bán chạy để bản thân anh cũng có thể về nhà sớm hơn. Trên đường trở về nhà ăn mâm cơm tất niên với gia đình, đi đến đâu, thấy bán đồ Tết, anh đều tranh thủ sắm luôn đến đó. Cũng có năm nhà vườn thắng lớn, anh lại được cho thêm hộp quà gồm mứt và rượu về thắp hương gia tiên.

Làm lụng vất vả bao nhiêu, anh cũng chỉ mong vợ con được hưởng cái Tết trọn vẹn nhất có thể. Hơn cả, anh luôn tự hào bởi những đồng lương anh kiếm được bằng công việc đánh quất có thể giúp con anh được học hành đàng hoàng trong những tháng tới. Thương gia đình nhưng anh cũng không biết làm cách nào khác để cải thiện kinh tế. Chỉ cần con anh học được, không phải nối nghề cha thì lao tâm khổ tứ mấy anh cũng chịu vì anh đã quá cực rồi. “Tất cả, tôi đều dành cho vợ con. Những ngày giáp Tết này tuy vất vả nhưng niềm vui lại được nhân lên khi tôi có thể kiếm thêm tiền cho gia đình”, anh Tuấn nói.

ĐÌNH TOÁN

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top