Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Có một lớp học như thế ở Viêng Chăn

Thứ Sáu 17/01/2020 | 10:55 GMT+7

VHO- Gần 100 học viên người Lào là cán bộ, công chức, sinh viên.. đang hào hứng theo học 2 lớp học tiếng Việt cơ bản và nâng cao vừa được khai giảng tại Viêng Chăn- Lào.

Đó là một trong những hoạt động tiêu biểu của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào trong năm qua, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều bạn Lào.

Cầu nối tình hữu nghị Việt Lào

Thành lập năm 1995, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào là một thiết chế Văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài có chức năng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, xúc tiến du lịch, hỗ trợ hoạt động thể thao và thông tin về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam nhằm tăng cường sự hiểu biết của nhân dân Lào và bạn bè quốc tế tại Lào về đất nước và con người Việt Nam.

Trung tâm cũng là địa điểm sinh hoạt văn hóa dành cho cộng đồng người Việt Nam tại Lào. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào đã góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống của mối quan hệ thủy chung, gắn bó lâu đời giữa 2 nước, xứng đáng trở thành một trong những biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào, là điểm đến thắm tình hữu nghị của nhân dân hai nước. Lớp học tiếng Việt cũng là một món quà tặng các bạn Lào, dành cho học viên đến từ nhiều cơ quan như Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch (TTVHDL), Cục điện ảnh, Cục Biểu diễn nghệ thuật, Đoàn nghệ thuật quốc gia, Đoàn kịch nói, Văn phòng chính phủ, học sinh, sinh viên Lào… Mục đích học tiếng Việt của các học viên chính là phục vụ cho công việc hiện tại hoặc trong tương lai. Cũng có nhiều học viên tham gia vì muốn hiểu về văn hóa và ngôn ngữ của người Việt Nam. Các khóa học năm nay gồm 2 lớp, lớp cơ bản khóa VIII dành cho các đối tượng học viên mới và lớp nâng cao khóa III (cho các đối tượng học viên đã hoàn thành khóa học cơ bản.

Nói về các lớp học, ông Nguyễn Phúc Sinh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào chia sẻ, các lớp học tiếng Việt sẽ đáp ứng một phần nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ biết tiếng Việt, hiểu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam để góp phần nâng cao chất lượng hợp tác, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước được đảm bảo phát triển ổn định, bền vũng nên nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện cho học viên đi học của các Bộ ban ngành phía bạn.

Thầy và trò... cùng học

Điều kiện ban đầu của giáo viên dạy tiếng Việt là phải biết... tiếng Lào và có nghiệp vụ sư phạm. Phụ trách 2 lớp học tiếng Việt năm nay là giáo viên Nguyễn Thị Linh, sinh năm 1984, vốn là giảng viên của Đại học Thái Nguyên. Cô giáo Linh nói thông thạo tiếng Lào, đã từng tham gia giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Trường Cao đẳng nghề hữu nghị Viêng Chăn – Hà Nội tại Lào 3 năm trước, theo chương trình hợp tác giữa hai nhà trường. Sau giai đoạn này, cô giáo Linh đã thấy gắn bó với công việc của mình nên bày tỏ nguyện vọng được công tác tại Lào. Cô đã tham gia thi tuyển giáo viên đi giảng dạy tại Lào của Cục Hợp tác quốc tế– Bộ GD&ĐT Việt Nam và được chọn. Đó cũng chính là cơ duyên để cô đến và gắn bó với Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào, đến với lớp học này.

Các học viên người Lào phần lớn đang công tác trong cơ quan, đơn vị có quan hệ hợp tác với cơ quan, đơn vị liên quan của Việt Nam, đều có cảm nhận là văn hóa, con người Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Lào; văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng do có nhiều dân tộc, vì vậy học tiếng Việt để mong muốn được hiểu nhiều hơn về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Cô giáo Linh chia sẻ, các bạn học viên chưa có điều kiện được đến Việt Nam nhưng được tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam tại Lào, được tiếp xúc với các hoạt động văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Lào, được tiếp nhận những thông tin về Việt Nam qua học tập, tiếp đón các đoàn Việt Nam có liên quan sang thăm và làm việc tại Lào, nên đều có cảm nhận chung là văn hóa Việt Nam rất phong phú và có nhiều nét tương đồng với văn hóa Lào, con người Việt Nam thân thiện, ẩm thực Việt Nam phong phú, vì vậy, mong muốn được học tiếng Việt để có điều kiện được đi học tập, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Cô tâm sự, mới nhận lớp được hơn một tháng, nhưng cô đã cảm thấy mọi người thân thiết như trong một nhà. Mọi người đều rất thân thiện, gần gũi và tôn trọng giáo viên. Có thái độ học tập rất nghiêm túc và hăng say. Các ngày lễ, ngày nhà giáo Việt Nam các học viên đều quan tâm chu đáo. Sau mỗi bài giảng trên lớp giáo viên và học viên cùng nhau nói chuyện đời thường, trao đổi về văn hóa Việt Nam và Lào rất vui vẻ. Cô và trò nói chuyện với nhau bằng cả tiếng Lào và tiếng Việt. “Một số từ ngữ Lào giáo viên phát âm chưa chuẩn cả lớp lại đùa vui và chỉnh lại cho cô giáo. Giáo viên không lấy đó làm ngại mà lại bảo học viên dạy ngược cho mình. Vậy là buổi học lại sôi nổi và thú vị hơn”, cô giáo Linh tâm sự.

Theo ông Nguyễn Phúc Sinh, các cơ quan chức năng của bạn đều có mong muốn cơ sở đào tạo tiếng Việt của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào tiếp tục tổ chức mở các khóa đào tạo tiếng Việt cho cán bộ, nhân viên, vì chất lượng công tác tổ chức lớp học, trình độ và tâm huyết của cán bộ, giảng viên, giáo trình đào tạo phùhợp với chương trình đào tạo. 

QUỐC HÙNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top