Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hướng tới 90 năm thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2020): Bất khuất nơi “địa ngục trần gian”

Thứ Tư 08/01/2020 | 11:44 GMT+7

VHO-  Từ những hình ảnh gợi nhớ về chốn “địa ngục trần gian”, tường đá, dây kẽm gai, song sắt... và những chiến sĩ cộng sản bất khuất, hiên ngang dù bị gông cùm, xiềng xích, trưng bày “Thắp lửa niềm tin” là hoạt động đặc biệt ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

 Trưng bày Thắp lửa niềm tin

Trưng bày do BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức từ ngày 10.1- 29.2.2020 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, thiết thực kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Niềm tin chốn “địa ngục trần gian”

Nhiều hiện vật vô giá, những nhân chứng lịch sử với nhiều câu chuyện xúc động, “Thắp lửa niềm tin” đưa người xem ngược dòng thời gian để một lần nữa được cảm nhận, khâm phục ý chí kiên trung, bất khuất của những người con yêu nước, dù bị giam nơi hầm tối vẫn một lòng vì dân, và luôn hướng về Đảng. “Thắp lửa niềm tin” với cách bài trí, sắp xếp hình khối cùng hiệu ứng ánh sáng tạo không gian cuốn hút người xem. Giữa chốn “địa ngục trần gian”, tổ chức Đảng vẫn bí mật được thành lập để lãnh đạo tù nhân đấu tranh, biến nhà tù thành trường học, nơi tôi luyện lý tưởng cách mạng cho nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng.

Trưng bày gồm các phần: Mặt trời chân lý, Vầng dương trong ngục thất, Thắp lửa niềm tin. Tổ hợp trưng bày xây dựng ý tưởng từ những hình ảnh gợi nhớ về chốn “địa ngục trần gian” với tường đá, dây kẽm gai, song sắt... In chìm phía sau là hình ảnh của các chiến sĩ cộng sản dù bị gông cùm, xiềng xích vẫn bất khuất, hiên ngang.

Trưng bày tập trung giới thiệu về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã viết nên những trang sử vàng chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, từ “mùa thu nắng tỏa Ba Đình”, tháng 8.1945 đến mốc son Điện Biên lịch sử, tháng 5.1954 và “đất nước trọn niềm vui” trong Đại thắng mùa xuân 1975. Phần thứ hai, trung tâm của trưng bày với chủ đề “Vầng dương trong ngục thất” gồm các nội dung: Thành lập tổ chức Đảng, Sóng ngầm, Lửa tranh đấu… sẽ kể câu chuyện về những con người “gan đồng”, “chí thép”. Những chiến sĩ cộng sản đã bất chấp gông cùm, xiềng xích, máy chém, xà lim, bí mật thành lập tổ chức Đảng giữa chốn “địa ngục trần gian”: Chi bộ đầu tiên tại Hỏa Lò (cuối năm 1931 đầu năm 1932), Côn Đảo (1932), Sơn La (1939), Trại giam tù binh Phú Quốc (1967)...

Sức mạnh của tổ chức Đảng là sức mạnh của tập thể tù nhân, biến ngục tù hắc ám thành nơi mài giũa ý chí đấu tranh, thành trường học đặc biệt, tôi luyện lý tưởng cho nhiều cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng.

Không  gian trưng bày

Trường học đặc biệt

Khách tham quan tại lễ khai mạc sẽ được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử với nhiều câu chuyện xúc động. Cũng tại đây, lần đầu tiên, những kỷ vật gắn bó với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những đảng viên kiên trung từng bị địch bắt giam cầm trong các nhà tù thực dân, đế quốc được giới thiệu đến đông đảo công chúng.

Đó là máy đánh chữ của đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Thành ủy Hà Nội sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước; cặp của đồng chí Đặng Việt Châu, cố vấn cấp cao của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng sử dụng khi tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Hà Nội, tháng 3.1982; Huy hiệu của đồng chí Hoàng Thị Ái, lão thành cách mạng, nguyên Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đeo khi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Hà Nội, tháng 3.1982; bộ sưu tập những bài báo trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đăng trên báo Nhân Dân, năm 1987; cặp của Tổng Bí thư Đỗ Mười sử dụng khi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, năm 1996...

Nhiều câu chuyện xúc động, khắc họa tinh thần tranh đấu kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ nơi chốn địa ngục trần gian cũng sẽ được kể tại triển lãm. Tại xà lim tử hình Nhà tù Hỏa Lò, trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn nỗ lực tập trung viết cuốn “Công nhân vận động”. Chế độ lao tù hà khắc đã biến “người thanh niên nhanh nhẹn” chỉ còn “bộ xương nhô lên dưới lớp da xanh bủng”. Nhưng suốt ngày đêm đồng chí lo lắng ghi lại mọi kinh nghiệm đấu tranh, sợ chưa truyền đạt được hết những kinh nghiệm xương máu đã phải lên đoạn đầu đài. Khi biết mình sắp bị địch đưa đi hành quyết, đồng chí đã trao lại tập sách cho đồng chí Lương Khánh Thiện và khuyên anh em ở lại giữ vững ý chí, tiếp tục chiến đấu cho sự nghiệp của Đảng và cách mạng.

Trong trại giam tù binh ở Phú Quốc, với những hình thức tra tấn dã man, vẫn có người tù quả cảm vẽ lá cờ Đảng và chân dung Bác Hồ bằng máu, dù biết rằng nếu bị phát hiện, cái giá phải trả là tính mạng, máu xương. Để làm cờ, đồng chí Nguyễn Thế Nghĩa đã quẹt tay vào tấm tôn cánh cửa, sau đó xin băng gạc quấn vào. Khi máu đã thấm, tháo băng gạc ra thì chỗ đậm, chỗ nhạt không đều. Ngay lúc đó, đồng đội đề nghị “cho chúng em góp với” rồi từng người cắn tay để máu nhỏ vào, tạo thành nền đỏ của lá cờ. Sau đó, đồng chí Nghĩa đã tán viên thuốc chống phù nề màu vàng, rắc lên vẽ hình búa liềm và cắn dập đầu que tăm chấm vào máu để vẽ chân dung Bác. Vẽ xong, nhiều anh em không cầm được nước mắt đã thốt lên: “Bác của chúng ta đây rồi”. “Báu vật” ấy lần lượt được đưa đi khắp các trại giam đã củng cố niềm tin, sự quyết tâm cho các chiến sĩ cho đến ngày trao trả.

Làm được những lá cờ đã khó, việc giấu lại càng khó khăn hơn. Nhớ lại ngày bé, mỗi khi đau bụng được mẹ cho nuốt chửng cái mật heo, đồng chí Nguyễn Văn Dư, người được giao nhiệm vụ cất giữ lá cờ Đảng trong Trại giam tù binh Phú Quốc đã tính đến chuyện nuốt lá cờ vào bụng khi có nguy hiểm. Mỗi lần địch lục soát, đồng chí Nguyễn Văn Dư lại cuốn nhỏ lá cờ vào túi nylon, dùng chỉ buộc vào răng, nuốt vào trong cổ họng. Lúc “an toàn”, lá cờ lại được kéo ra, treo ngay ngắn trên tường để động viên, nhắc nhở và củng cố quyết tâm của các chiến sĩ trong ngục.

Những lớp học được mở ra sau song sắt của Nhà tù Hỏa Lò, giữa núi rừng Sơn La hoang vu, nơi biển khơi Côn Đảo hay trên những sân cát bỏng rát của Trại giam tù binh Phú Quốc là nơi tôi luyện ý chí của những người cộng sản, nơi đào tạo ra lớp lớp cán bộ xuất sắc cho Đảng. Chỉ riêng ở những lớp học đó thì mới có thầy giáo ở lớp này lại là học trò của lớp khác, phải tự sáng tạo ra các đồ dùng học tập, biến hoàn cảnh bất lợi thành có lợi để phục vụ cho việc học. Tại Nhà tù Hỏa Lò, bút viết của tù nhân được sáng tạo ra từ cành bàng, ngòi bút làm bằng nụ hoa ăng-ti-gôn, phấn viết là gạch non, than củi, bảng đen là tường và sàn phòng giam… Tại Nhà tù Côn Đảo, giấy học là những mảnh báo còn chừa trắng, hoặc có thể viết chồng lên chữ in. Sau khi “tốt nghiệp” tại những ngôi trường đặc biệt này, nhiều “học sinh ưu tú” đã trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong chốn lao tù khắc nghiệt, giữa sự sống và cái chết, các chiến sĩ cách mạng xác định chỉ có duy nhất con đường đấu tranh. Các cuộc đấu tranh của tù chính trị chống lại chế độ giam cầm hà khắc được tổ chức chặt chẽ và đạt được nhiều thắng lợi. Trong ngọn lửa tranh đấu ấy, nhiều chiến sĩ dù phải hy sinh thân mình, nhưng quyết không nản chí, kiên cường đến hơi thở cuối cùng. 

BẢO NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top