Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nghề lồng tiếng liệu có phai phôi?

Thứ Sáu 22/11/2019 | 12:29 GMT+7

VHO- Lồng tiếng và tạo tiếng động cho phim là một nghề đặc thù trong lĩnh vực điện ảnh. Hiện nay nghề lồng tiếng không còn ở thời hoàng kim là một thực trạng khá buồn đối với những người làm nghề. Bởi nhiều phim điện ảnh trong nước, phim sitcom… thu âm trực tiếp đồng bộ. Đối với phim điện ảnh nước ngoài, nhiều người thích xem phụ đề để nghe tiếng nói biểu cảm của diễn viên, âm thanh tiếng động của bản phim gốc hơn phim lồng tiếng hoặc thuyết minh.

Cái nghề dễ mà khó
Đạo diễn Trần Ngọc Phong- Công ty Cổ phần Phim Giải Phóng là người có thâm niên trong nghề lồng tiếng và tạo tiếng động cho hơn 100 bộ phim. Với khả năng nói được cả giọng Bắc, Trung, Nam, giọng lơ lớ của người nước ngoài nói tiếng Việt và người dân tộc nói tiếng Kinh nên ông thường được giao lồng tiếng cho những vai khó trong các phim Việt Nam. Ông còn được giao lồng tiếng cho những nhân vật lịch sử như Bác Hồ, vua Bảo Đại, cố vấn Ngô Đình Nhu, Tổng thống Ngô Đình Diệm, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng thống Trần Văn Hương và nhiều nhân vật lịch sử khác.

Sếp Lato Phước Trang 

Đồng nghiệp của ông, đạo diễn hậu kỳ- sếp Lato Phước Trang không chỉ có thâm niên trong nghề mà còn là người đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ lồng tiếng ở TP.HCM. Chia sẻ về cái khó của nghề này, đạo diễn Phước Trang cho rằng nghệ sĩ lồng tiếng giỏi không chỉ có giọng nói phù hợp với nhân vật mà cũng phải diễn, phải thể hiện cảm xúc trong từng câu chữ qua ngữ âm, ngữ điệu. Rồi phải tập trung cao độ canh phát tiếng để khớp khẩu hình, khẩu âm của nhân vật. Việc đào tạo, truyền nghề cho các thế hệ tiếp nối trong khoảng thời gian 3-4 tháng cũng chỉ góp phần hướng dẫn, xây dựng “phần nền” cho người theo nghề lồng tiếng, bởi nghề này đòi hỏi phải có năng khiếu mới phát triển được. Đối với vị trí sếp Lato còn cần có trình độ thẩm âm tốt vì họ còn phải casting chọn nghệ sĩ lồng tiếng có chất giọng phù hợp và thị phạm cho người lồng tiếng theo cách riêng của họ để người lồng tiếng hiểu được luồng cảm xúc của nhân vật mà thể hiện tốt việc lồng tiếng.

Đạo diễn Trần Ngọc Phong và  “bãi chiến trường” tạo tiếng động

“So với nghề lồng tiếng thì nghề làm tiếng động cho phim vất vả hơn rất nhiều, người làm tiếng động phim phải có đôi tai thật thính, đôi mắt thật tinh, đôi tay thật nhanh nhẹn và nhạy cảm cùng khả năng so sánh về sự trùng giống nhau của âm thanh của các đồ vật khi va chạm hoặc phát ra trên phim. Đôi tai phải phân tích được âm thanh và bàn tay phối hợp ăn ý với mắt nhìn trên phim để chuyển thành tiếng động cho ăn khớp với những cảnh diễn ra trên phim. Chính vì vậy mà phòng thu tiếng động thường là một bãi chiến trường gồm tất cả những đạo cụ xuất hiện trên phim, phim có cái gì thì trong phòng thu phải có cái đó, tất nhiên trừ xe tăng, máy bay, tàu hỏa và xe hơi”, đạo diễn Trần Ngọc Phong chia sẻ. 
Trụ được vì yêu nghề
Đạo diễn Phước Trang cho biết thù lao lồng tiếng một tập phim dài 45 phút vào năm 2000 là 7,5 triệu đồng. Hiện nay cũng thời gian đó, bấy nhiêu con người đó nhưng thù lao lồng tiếng mỗi tập phim chỉ còn 3,5 triệu- 4 triệu đồng. Những người giỏi vẫn bám trụ với nghề bởi lòng yêu nghề dù thu nhập sụt giảm rất nhiều so với trước. Đam mê và yêu nghề là yếu tố dễ thấy ở những nghệ sĩ lồng tiếng kỳ cựu. Để lồng tiếng cho nhân vật vua Bảo Đại trong phim Ngọn nến hoàng cung dài 50 tập của TFS, đạo diễn Trần Ngọc Phong đã “nhốt” mình cả tháng trong phòng thu âm để lồng tiếng cho nhân vật vua Bảo Đại bằng giọng Huế lai France và nhiều vai phụ khác bằng giọng cả 3 miền. Thậm chí khi làm đạo diễn cho nhiều phim có kinh phí thấp không đủ tiền mời sếp Lato, ông tham gia vào việc làm tiếng động luôn. Bởi vì theo ông: “Tôi yêu nghề lồng tiếng và làm tiếng động từ khi mới chập chững vào điện ảnh. Càng tham gia càng mê và cho đến bây giờ khi đã thành đạo diễn, khi có dịp tôi vẫn tham gia một cách nhiệt tình vì rất yêu thích công việc này. Những bộ phim tôi có tham gia diễn xuất bao giờ tôi cũng tự lồng tiếng cho vai diễn của mình”. Theo đạo diễn Trần Ngọc Phong, hiện nay riêng trong lĩnh vực phim truyền hình, 80% phim truyền hình Việt được lồng tiếng và làm tiếng động vì không có hoặc không đủ điều kiện để thu tiếng trực tiếp. Mặt khác không phải diễn viên nào cũng có tiếng nói hay, đài từ chuẩn nên những người lồng tiếng giỏi sẽ “cứu” cho diễn viên rất nhiều. Nhờ giọng nói truyền cảm của người lồng tiếng mà vai diễn của diễn viên được thăng hoa, do vậy vai trò của nghệ sĩ lồng tiếng là không thể thiếu.

Các nghệ sĩ lồng tiếng ở TP.HCM trong ngày tri ân 20.11.2019

Nghệ sĩ lồng tiếng là những người đóng góp thầm lặng cho thành công của nhiều bộ phim. Tuy còn nhiều trăn trở vì lĩnh vực này hiện chưa có sự thống nhất trong phương pháp đào tạo, chưa có giáo trình bài bản. Số lượng người lồng tiếng hiện nay rất nhiều nhưng chưa có đơn vị nào thẩm định, quản lý ... Nhưng đạo diễn Phước Trang khẳng định nghề lồng tiếng sẽ cùng đồng hành tồn tại song song với điện ảnh, do có những thứ chẳng máy móc nào có thể thay thế được như cảm xúc con người.

BẢO HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top