Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Về miền biển mặn say đắm bản tình ca bất hủ Dạ cổ hoài lang

Thứ Ba 19/11/2019 | 20:41 GMT+7

VHO-Ngày 19.11, tại Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu Bạc Liêu đã diễn ra buổi Tọa đàm “Bản Dạ cổ hoài lang- Góc nhìn của người làm báo”.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi Toạ đàm

Buổi Toạ đàm do Sở VHTTDL phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đây là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa - Du  Bạc Liêu năm 2019.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, buổi Tọa đàm nhằm tôn vinh và tri ân công lao của các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nghệ thuật cải lương. Nhận thức rõ vai trò, giá trị  của bản Dạ cổ hoài lang đối với đời sống xã hội, những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc như: sưu tầm các bài gốc của bản Dạ cổ hoài lang; tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo, các cuộc thi....để truyền lửa cho các thế hệ trẻ và người mộ điệu qua đó tôn vinh, quảng bá bản Dạ cổ hoài lang đến du khách trong nước và quốc tế.

Sau đúng một thế kỷ từ khi ra đời, bản tình ca bất hủ Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đến giờ vẫn làm rung động hàng triệu con tim người Việt vì chứa đựng những tình cảm, nghĩa phu thê sâu đậm.

Bản nhạc cũng thể hiện phần nào cuộc đời thăng trầm của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và những khó khăn thời đó của người dân, đất nước, nỗi buồn thời đại. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bản nhạc này khi ông buộc phải rời xa người vợ đầu ấp tay gối Trần Thị Tấn vì sống cùng nhau 3 năm vợ ông chưa sinh con. Quá buồn đau vì phải chia xa và nhớ nhung người vợ hiền thảo chiều nào ông cũng mang đàn ra bờ ruộng nơi ông và vợ chia tay gảy bản Xuân nữ, Nam ai, Trường tương tư nhưng lòng chẳng vơi thương nhớ.

Tiếng đàn nhớ vợ của ông từ chiều tới canh khuya. Ông luôn nghĩ vợ mình chắc chắn nhớ mình nhiều hơn là mình nhớ vợ nên viết bản Dạ cổ hoài lang (Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) để nói thay nỗi lòng của vợ mình.

Bản nhạc vừa ngọt ngào, vừa sâu lắng, vừa chất chứa tâm tình thời đại nên rất nhiều người thời đó đã thuộc bài hát của ông. Sau này, bản nhạc có nhiều dị bản khác nhau và nó trở thành bản nhạc vua của thể loại cải lương Nam Bộ.

Qua mỗi giai đoạn phát triển bản nhạc càng hay hơn và chuyển dần thành nhiều nhịp. Cứ mỗi lần phát triển, bài Dạ cổ hoài lang không dừng lại ở nguyên bản như các bài nhạc cổ khác, mà dần biến đổi hình thức, làm thay đổi một phần bộ mặt cải lương. Rõ nét nhất là từ thập niên 1960, soạn giả Viễn Châu, đã tạo nên mối lương duyên kỳ lạ, kết hợp Tân nhạc vào Vọng cổ cho ra đời bản Tân cổ giao duyên, thu hút được khán thính giả tân và cổ nhạc. Điều này chỉ có ở vọng cổ, bởi lẽ tiếng nhạc du dương và lời ca bình dị hợp với tấm lòng người Nam Bộ.

Cuộc đời lắm thăng trầm của ông Sáu Lầu có một kết thúc không thể có hậu hơn. Vợ chồng ông sinh được tất cả 7 người con (5 trai và 2 gái) và sống hạnh phúc đến cuối đời. Trước khi mất, nhạc sĩ còn dặn con: “Khi ba mất nhớ để ba nằm gần má tụi con ở phía mặt trời mọc….”

Ông cũng dạy con mình: “Nghe đờn ca tài tử phải đợi lúc khuya mới mùi, phải có tình yêu đằm thắm với nó mới hay”.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu: Bản Dạ cổ hoài lang ra đời đã nhanh chóng lan tỏa từ Bạc Liêu đến các tỉnh khác, bởi nội dung của nó hết sức gần gũi với tâm trạng của con người, với 20 câu đầy chất thơ, ca với nhịp 2, những u uẩn chứa đựng - dồn nén bấy lâu trong lòng người dân yêu nước được dịp thổ lộ.

Giá trị độc đáo của bản Dạ cổ hoài lang là bản nhạc tạo nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ vun đắp để Bản Dạ cổ hoài lang đã dần lột xác từ nhịp đôi đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nghịp 32 và nhịp 64; cho đến khi các danh ca, danh cầm xác định điểm thăng hoa của bài vọng cổ là nhịp 32, một điểm đến vừa đủ để bản vọng cổ tỏa sáng và phát huy hết công suất vừa đủ để các tác giả cổ nhạc gởi gấm lòng mình vào 6 câu vọng cổ.

Năm 2013, UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt mở rộng tôn tạo trên diện tích hơn 12ha gồm nhiều hạng mục như: nhà trưng bày, mộ nhạc sỹ, nhà biểu diễn đờn ca tài tử, vườn nhạc cụ, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đài nguyệt cầm- nơi tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Trong khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (thành phố Bạc Liêu) hiện có 4 ngôi mộ: cha mẹ nhạc sĩ và vợ chồng Cao Văn Lầu- Trần Thị Tấn.

Cứ mỗi dịp ngày rằm tháng 8 âm lịch, nơi đây diễn ra lễ hội Dạ cổ hoài lang để nhớ về người nhạc sĩ tài danh và nghệ thuật đờn ca tài tử, môn nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

NHẬT TÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top