Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ Quyền Linh: Mỗi kỳ LHP đều là tấm gương phản chiếu điện ảnh Việt Nam

Chủ Nhật 17/11/2019 | 12:23 GMT+7

VHO- Trước thềm LHP Việt Nam lần thứ XXI, nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh Quyền Linh cho biết, cá nhân anh luôn giành sự quan tâm đặc biệt đối với các kỳ LHP Việt Nam, hầu như kỳ LHP nào nghệ sĩ cũng có mặt. Với Quyền Linh, sự theo dõi và đồng hành đó thể hiện trách nhiệm của một nghệ sĩ với ngành nghệ thuật mà mình đang đi.

Nghệ sĩ điện ảnh hãy xem LHP như “việc nhà”

Đối với LHP Việt Nam lần thứ XXI và cả những kỳ Liên hoan trước đây, tôi luôn mong muốn rằng tất cả các nghệ sĩ đều phải xắn tay, góp sức. Điện ảnh là ngôi nhà của mình, LHP là “việc nhà”, cho nên mỗi anh em nghệ sĩ đều cần chung sức để có một kỳ Liên hoan ấn tượng, tốt đẹp và chất lượng. Với suy nghĩ đó, trong hầu hết các công việc chung của điện ảnh, nếu có điều kiện là tôi “xông pha” đầu tiên, gần đây là sự kiện ra mắt Hội bảo vệ tác quyền điện ảnh và truyền hình. Tôi hi vọng điện ảnh Việt Nam sẽ có những điều tốt đẹp nhất hướng tới khán giả, và để giành cho thế hệ mai sau.

Mỗi kỳ LHP đều là tấm gương phản chiếu thực trạng của nền điện ảnh nước nhà. Trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy rằng điện ảnh Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta cũng nhìn thấy đang có sự chuyển mình mạnh mẽ với sự nhập cuộc đầy nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ các nhà làm phim trẻ. Cá nhân tôi xin gọi họ là “những anh hùng điện ảnh thời đại mới”. Vì sao? Khi làm phim, đố ai biết lời lỗ thế nào. Thậm chí các nghệ sĩ điện ảnh khi nhập cuộc xác định có thể bán nhà, hi sinh tất cả gia tài dành dụm bấy lâu nay để làm nên những tác phẩm điện ảnh cho họ. Đó là đam mê và tình yêu quá lớn mà họ dành cho điện ảnh. Bối cảnh phát triển của điện ảnh hiện nay đang bị bão hòa, rất nhiều tác phẩm lớn ở nước ngoài đổ vào khiến cuộc cạnh tranh càng trở nên khắc nghiệt. Nếu không có sự tâm huyết của các nhà làm phim, chúng ta không thể có được số lượng phim Việt sản xuất hàng năm ngày càng lớn như vậy, mỗi năm trên dưới 40 phim.

Cần sự hài hòa giữa yếu tố nghệ thuật và thị trường

 

Ảnh: Đức Anh

Vì thế, không chỉ ở mỗi kỳ LHP thôi đâu, tôi nghĩ chúng ta cũng phải kêu gọi khán giả luôn ủng hộ cho điện ảnh Việt Nam, đồng hành với các bộ phim Việt. Nói như vậy không có nghĩa phim dở, phim thảm họa ta cũng xem, nhưng chắc chắn sự ủng hộ khán giả sẽ cho chúng tôi có thêm nhiều niềm tin, khát vọng, động lực để sáng tạo. Nếu làm phim ra mà không được ủng hộ thì cũng tội nghiệp cho thế hệ điện ảnh trẻ. Họ có thể gọi là những anh hùng điện ảnh thời @, sẵn sàng lao vào bão. Biết rằng vào bão đôi khi là hi sinh đó, nhưng vẫn lao, vì lòng đam mê và mong muốn điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển.

Nhiều người nói rằng thế hệ làm phim trẻ bây giờ chạy theo thị trường nhiều quá, nhưng tôi lại cho rằng điều đó không đáng trách. Làm phim bây giờ không chạy theo thị trường thì coi như chết. Một phim ra đời, nếu không đáp ứng nhu cầu thị trường thì ai xem. Tất nhiên, chúng ta phải biết hòa hợp giữa thị trường và nghệ thuật, nhưng cũng không thể nào thuần túy nghệ thuật hết. Trước đây làm phim Nhà nước, nghệ sĩ có thể làm phim nghệ thuật 100%. Nhưng khi đã là từng cá nhân bỏ tiền ra thì 50-60% trong phim là yếu tố nghệ thuật đã vui rồi.

 Trên thực tế, phim nghệ thuật thật sự rất kén khán giả. Đau lòng khi có phim trong rạp chỉ có một vài người ngồi xem, thậm chí có suất chiếu không ai xem. Cho nên, bài toán đối với các nhà làm phim tư nhân hiện nay chính là làm nghệ thuật kết hợp thị trường để có thể kéo khán giả. Có người xem thì mới có thể đưa nghệ thuật đến với công chúng được.

Khó khăn về kinh phí và hệ thống rạp chiếu

 

Trước bối cảnh đầy rẫy khó khăn đó, tôi cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ. Vấn đề chính trong làm phim điện ảnh hiện nay chính là vấn đề kinh phí. Khán giả bây giờ rất thông minh. Họ chỉ cần nghe qua là biết phim hay hay dở, anh không thể làm 1 nói thành 10 được. Thậm chí, chỉ cần xem trailer hoặc nghe tên đạo diễn thì đã biết phim như thế nào. Yêu cầu bắt buộc bây giờ là phim phải hay mới có thể “sống” được.

Các nhà làm phim trẻ bây giờ rất cần tiền. Một bộ phim thời @ không thể sản xuất ít tiền được, đó là tác phẩm hoàn chỉnh, phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, phản ánh đúng những nhu cầu của đối tượng xem phim hiện nay, đó là các thanh niên, sinh viên. Thời buổi cơm áo gạo tiền, ai cũng mưu sinh, làm việc tất bật.., vậy ai sẽ đi xem phim? Chỉ có thế hệ trẻ đi xem nhiều nhất. Vì vậy, đương nhiên các nhà làm phim phải đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ.

Vấn đề đặt ra là chúng ta không chạy theo thị trường quá mức. Tôi biết các nhà điện ảnh trẻ bây giờ cũng không chạy theo thị trường bằng mọi giá đâu, họ làm bằng cái tâm và lòng yêu nghề của họ. Họ bỏ vài chục tỉ để làm một bộ phim, không đơn giản chút nào cả. Đó là sự đánh đổi cả gia tài cho một tác phẩm nghệ thuật.

Một khó khăn nữa hiện nay là làm phim xong chiếu ở đâu? Hệ thống rạp chiếu không có nên các nhà sản xuất lại tiếp tục phải rất khó khăn để có điểm chiếu. Sự thật bị cạnh tranh, chèn ép khi tìm đầu ra cho các bộ phim là điều khiến anh em nghệ sĩ làm điện ảnh rất trăn trở. Các hệ thống rạp chiếu lớn hiện nay gần như do nước ngoài quản lý hết. Làm phim đã khó, để chiếu được, vào rạp được càng khó. Không có điểm chiếu, các nhà làm điện ảnh trẻ chơi vơi giữa dòng đời, tựa như đẻ con ra không có chỗ nào cho nó ngủ vậy.

Vì vậy, thiết nghĩ để điện ảnh Việt Nam thực sự phát triển, để các nhà làm phim thực sự yên tâm đầu tư cho các tác phẩm chất lượng, cần có một số điểm chiếu được Nhà nước hỗ trợ cho các nghệ sĩ, các nhà làm điện ảnh tâm huyết. Họ là những người đưa nghệ thuật điện ảnh đến công chúng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã luôn tận dụng sức mạnh điện ảnh để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những sản phẩm của họ ra khắp năm châu.

BẢO PHƯƠNG (lược ghi)

 

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top