Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4:  Sẽ có những “tranh cãi” hay về nghề

Thứ Tư 09/10/2019 | 10:54 GMT+7

VHO- Có nhiều ý kiến cho rằng, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm không phải là khán giả mà chính là những người làm nghệ thuật sân khấu...

Một cảnh trong vở “Dưới cát là nước”

Những thử nghiệm thành công và cả chưa thành công đã phần nào thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy cũng như cách làm của các nhà hát, đoàn nghệ thuật và của nghệ sĩ hiện nay.

Như thế mới “thử nghiệm”

PGS.TS Phạm Duy Khuê chia sẻ: “Những người làm sân khấu đã thực sự được một bữa tiệc nghệ thuật bởi hai chữ “thử nghiệm”. Có những vở đã chinh phục hoàn toàn đồng nghiệp từ kịch bản, hình thức thể hiện cho tới nghệ thuật diễn xuất của nghệ sĩ. Và tôi chắc chắn, với những tác phẩm thử nghiệm thành công ở liên hoan này, khán giả sẽ không thể thờ ơ với sân khấu”.

Sân khấu mà diễn tả những cảnh nhạy cảm như làm tình, thậm chí cả những sinh hoạt rất tế nhị như đi vệ sinh... vậy mà xem vẫn thấy hấp dẫn. Xem Cậu Vanya của Nhà hát Tuổi Trẻ, khán giả khó có thể đứng ngoài cuộc với các nhân vật trên sân khấu, họ bị các nghệ sĩ lôi kéo để sống cùng với tâm trạng của nhân vật. Khó có thể tin khi diễn tả một người bệnh tâm thần mà không cần dùng đến ngôn ngữ thoại, vậy mà “sự điên” của nhân vật được lột tả tới tận cùng tâm can trong Bpolar của Israel... Đó là những cảm nhận từ chính nghệ sĩ “những người trong cuộc” đi xem tác phẩm của đồng nghiệp bạn.

Dẫu là tác phẩm thử nghiệm quốc tế hay trong nước hoặc có sự kết hợp giữa đạo diễn nước ngoài dàn dựng với nghệ sĩ Việt Nam thì rõ ràng những giá trị của hai từ “thử nghiệm” đã thực sự đáng để trân trọng và ghi nhận tại Liên hoan lần này. Nhận định sân khấu Việt Nam đang ngày càng cũ kỹ, lạc hậu, chìm lắng trong cơn “ngủ đông” đã bị chính những tác phẩm của sân khấu trong nước tham gia Liên hoan lần này phá đi bằng những tìm tòi sáng tạo đầy thú vị. Từ việc đưa Truyện Kiều vào sân khấu múa rối trong Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam, việc lồng ghép chủ đề tư tưởng về Hà Nội vào một chương trình xiếc như Hà Nội của những giấc mơ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho tới việc kết hợp đặc biệt giữa kiệt tác kịch bản sân khấu thế giới Cậu Vanya với đạo diễn người Nhật Bản và nghệ sĩ biểu diễn là người Việt Nam của Nhà hát Tuổi Trẻ… đã mang tới những trải nghiệm đầy thú vị.

Những góc nhìn khác

Sung sướng, hả hê khi được xem những tìm tòi sáng tạo thành công của đồng nghiệp, nhưng cũng khó thể diễn tả nổi sự thất vọng và cả sự kiên nhẫn để ngồi chờ cho đến khi vở diễn kết thúc bởi lẽ khán giả bị tra tấn bằng những lời thoại triền miên như đang nghe nghệ sĩ kể chuyện, chứ không phải diễn trên sân khấu...

Là một trong những tác giả “chịu khó” đi xem đồng nghiệp nhất tại Liên hoan lần này, tác giả Lê Quý Hiền chia sẻ: “Với tôi chỉ cần một đến hai vở thành công đã là thắng lợi của Liên hoan rồi. Sự thành công ở chặng đầu được ghi nhận ở các vở Cậu Vanya, Tháng Tám, Bpolar. Chỉ tiếc là một số vở diễn tại liên hoan đã đi sai lệch với bài toán thử nghiệm”. Ông dẫn chứng, ví như vở Mơ rồng của Nhà hát Múa rối Thăng Long quá lạm dụng vũ đạo và kỹ thuật sân khấu đã phá đi những giá trị truyền thống của sân khấu rối nước. Vở Dưới cát là nước của Nhà hát Thế giới trẻ kịch bản đã yếu rồi nhưng đạo diễn dàn dựng rất mâu thuẫn giữa hình thái tả thực và tả ý khi tả cát thì rất thực nhưng lại có sự xuất hiện của dàn đồng ca lại tả ý. Đã đưa tình huống vào kịch thì phải giải thích cho rõ chứ không thể để nhân vật nữ đột nhiên nhảy vào ôm nhân vật nam rất thiếu tính thuyết phục, mang áp đặt chủ quan của người dựng.

Lê Quý Dương, đạo diễn của vở múa rối Mơ rồng, một trong những vở gây nhiều tranh cãi tại Liên hoan bộc bạch: “Đã nhắc tới khái niệm “thử nghiệm” thì ắt phải là mới, thậm chí là lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu. Và cái mới có thể được chấp nhận và có thể chưa được chấp nhận. Tôi rất mong ban giám khảo sẽ có một cách nhìn mới về quan điểm thử nghiệm. Thử nghiệm trên sân khấu cũng giống như người đầu bếp gia công để tạo ra một món ăn mới. Món ăn đó có thể chưa thành công và chưa quen nhưng rõ ràng từ những thử nghiệm đó, người ta có thể tiếp tục đi tiếp con đường thử nghiệm để cho tới sự thành công. Tôi muốn thử nghiệm đưa người nghệ sĩ biểu diễn rối nước lên sân khấu cạn biểu diễn, thậm chí còn điều khiển con rối trên không. Dĩ nhiên những thử nghiệm và kỹ thuật ấy sẽ không thể bằng những kỹ thuật mà họ đã thực hiện thuần thục ở dưới nước”. Nhìn sang Bpolar, tác phẩm được đánh giá cao tại Liên hoan, đạo diễn Lê Quý Dương lại có cách nhìn nhận rất khác. Ông cho rằng những kỹ thuật như sử dụng video, màn hình đen cắt lớp trong vở là quá cũ, thế giới đã sử dụng hình thức này từ lâu rồi và giờ họ không làm như thế nữa. Nếu bỏ đi hết các dàn dựng về kỹ thuật như video, ánh sáng và chỉ để xem nghệ sĩ biểu diễn thì ngôn ngữ biểu diễn sẽ chẳng có gì là thử nghiệm...

Trong chặng đầu của Liên hoan có thể thấy những vở diễn của các đoàn nghệ thuật Việt Nam đều có ý thức rất rõ về thử nghiệm là điều đáng ghi nhận với mục tiêu nhằm đi tìm những hình thức thể hiện mới cho sân khấu thì có vở diễn của quốc tế tham dự lại không thể hiện được tiêu chí thử nghiệm này. Câu hỏi đặt ra đối với ban tổ chức Liên hoan, phải chăng sự cố lựa chọn những vở diễn này vào để cho mâm cỗ sân khấu của Liên hoan có đông đoàn quốc tế hơn về số lượng hay không? Nếu mà như vậy thì nên đổi tên là Liên hoan quốc tế sân khấu chung chứ không nên đưa vào hai chữ “thử nghiệm”. Đây cũng là một vấn đề mà những nhà tổ chức liên hoan cần cân nhắc để làm sao thu hút được nhiều hơn số lượng các đơn vị quốc tế tham dự, đồng thời các chương trình cũng thể hiện rõ nét hơn về tiêu chí thử nghiệm để vở diễn không bị lạc lõng so với các đơn vị khác. 

THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top