Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh phương án thiết kế, thi công nhà ga C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 (Hà Nội): Ly kỳ ... bên bờ hồ Hoàn Kiếm

Thứ Hai 30/09/2019 | 10:26 GMT+7

VHO- Câu chuyện về phương án thiết kế, thi công nhà ga C9 thuộc Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 thật sự được “hâm nóng” trở lại khi UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh một vấn đề... mới nhất: “Thành phố Hà Nội cam kết với Thủ tướng Chính phủ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình thuộc di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm khi thi công ga C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm”. 

 Cho đến thời điểm này, nhiều cơ quan Bộ ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu vẫn chưa đồng thuận với thành phố Hà Nội về phương án thiết kế, thi công nhà ga C9 bên bờ hồ Hoàn Kiếm đã tạo nên tính ly kỳ của vấn đề này. Trong ảnh: Người dân xem phương án vị trí nhà ga C9 Ảnh: CÔNG HÙNG 

Sự cam kết này của thành phố liệu có đủ sức thuyết phục, tạo lòng tin đối với nhiều cơ quan Bộ, ngành, đại biểu Quốc hội, các nhà nghiên cứu, khoa học về lịch sử, văn hoá, khảo cổ, kiến trúc... khi mà gần chục năm qua giữa “hai bên” gần như chưa có tiếng nói đồng thuận trong việc lựa chọn vị trí xây dựng nhà ga C9? 
Tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản 
Khoảng ba thập niên trở lại đây không gian, cảnh quan của “lẵng hoa” xinh đẹp hồ Hoàn Kiếm luôn bị “gây sự”, từ vụ Hàm Cá Mập đến xây dựng khách sạn Vàng rồi lát đá, dựng ki ốt... Những vụ việc ấy đã gây nên những sự tranh luận, tranh cãi gay gắt trong giới chuyên môn, chính quyền suốt một thời gian dài và tốn không biết bao nhiêu là giấy mực từ dư luận báo chí. Cũng may là, kết thúc của những lần lình xình ấy đều mang lại cái hậu tốt, vì thế không gian, kiến trúc cảnh quan của hồ Hoàn Kiếm mới giữ được cho đến ngày hôm nay. Những tưởng qua những câu chuyện đó, chính quyền và cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ rút được bài học, rằng đối với không gian, cảnh quan nơi đây nên “kính nhi viễn chi”, đồng thời sẽ cố gắng làm cho “lẵng hoa” ấy ngày càng quyến rũ hơn thì lại xuất hiện quy hoạch xây dựng nhà ga C9 ngay trong khu vực bảo II di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, đe dọa đến tính toàn vẹn của di sản quan trọng nhất nhì Thủ đô. 
Xin nhấn mạnh rằng, vụ việc này đã diễn ra từ hơn mười năm nay và gần như chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt hoặc chững lại. Ngay từ đầu, Bộ VHTTDL hoàn toàn ủng hộ chủ trương của thành phố Hà Nội đối với việc triển khai Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, trong đó có ga C9. Trong rất nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan, Bộ VHTTDL luôn nhấn mạnh nhất quán ủng hộ chủ trương của thành phố trong việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 và nhà ga C9, nhưng cũng luôn giữ quan điểm “đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu phương án dịch chuyển nhà ga C9 và các công trình phụ trợ về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng, cách xa bờ phía Đông của hồ Hoàn Kiếm”. Sở dĩ giữ quan điểm như vậy là bởi, căn cứ sơ đồ tuyến đi ga C9 được cơ quan tư vấn lựa chọn tại khu vực phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, một phần nhỏ thân ga nằm phía dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng, phần lớn thân ga nằm dưới khu vực vườn hoa ven hồ Hoàn Kiếm, kèm theo hệ thống cửa lên xuống, cửa thông gió và các công trình kỹ thuật, mà trong đó bắt buộc phải có một cửa lên xuống chính nằm gần thân ga, ở ngay trong khu vực vườn hoa ven hồ Hoàn Kiếm. 

 Phối cảnh một phần ga C9

Theo nhiều nhà chuyên môn trên các lĩnh vực, nếu Hà Nội vẫn khăng khăng giữ nguyên hướng tuyến vị trí ga C9 như vậy thì đã xâm phạm nghiêm trọng khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, vì cho đến thời điểm này Bộ VHTTDL vẫn chưa có văn bản thoả thuận điều chỉnh khoanh vùng di tích này. Thứ nữa, theo phương án thiết kế được công khai lấy ý kiến nhân dân, thân ga cách Tháp Bút 36m, đường hầm chạy dưới lòng đất chỉ cách chân Tháp Bút 1m. Việc thi công ga bắt buộc phải di dời toàn bộ cây xanh trong khu vực ven hồ... Phương án thiết kế và thi công nhà ga C9 có nguy cơ rất cao như tạo ra những rung chấn, ảnh hưởng tới Nghi môn đền Ngọc Sơn, Tháp Bút và đền Bà Kiệu ở phía đối diện, đặc biệt là với Tháp Bút, một biểu tượng đặc sắc riêng có về truyền thống hiếu học và văn hiến của Thủ đô. Bên cạnh đó tạo nên nguy cơ tắc nghẽn giao thông khi nơi đây trở thành điểm tiếp nhận lượng hành khách lớn từ bên ngoài vào trung tâm Hà Nội... 
Trước những nguy cơ có thể nói là hiện hữu này, ngày 16.8.2018, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có văn bản số 1479/UBVHGDTTN14 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nhấn mạnh: “Phương án được lựa chọn không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hoá mà còn tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hoá của trung tâm Thủ đô”. 
Cần lắm một vị trọng tài 
Để tránh những cảnh báo nêu trên, trong thời gian qua nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực đã thể hiện trách nhiệm của mình đưa ra nhiều đề xuất cho Hà Nội. Cụ thể, nhiều nhà khoa học cho rằng cần dịch chuyển thân ga C9 về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng, cách xa bờ hồ Hoàn Kiếm theo hướng có thể nghiên cứu vị trí ga trong khu vực Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Một phương án nữa là có thể chọn vị trí ga C9 tại vườn hoa Chí Linh (vườn hoa Lý Thái Tổ), vừa hạn chế ảnh hưởng đến di tích, đồng thời tạo ra những hướng tiếp cận đa chiều từ phố đi bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại và sinh hoạt của cộng đồng. 
Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu kiến trúc và quy hoạch giao thông đề nghị Hà Nội điều chỉnh toàn bộ hướng tuyến của tuyến đường sắt đô thị số 2 bao gồm cả nhà ga C9 vì, sau hơn 10 năm nghiên cứu, địa giới hành chính và quy hoạch phát triển Hà Nội đã có nhiều thay đổi, nhưng quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị vẫn giữ nguyên là không đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại và tương lai. Theo đó, sẽ bỏ qua cơ hội phát triển đô thị ngoài đê và bên kia sông Hồng. Bởi vậy, nếu nắn chỉnh hướng tuyến gần hơn về phía đê sông Hồng sẽ bảo tồn tuyệt đối được không gian đô thị khu phố cổ, khu phố cũ, hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận... Tuy nhiên, những kiến nghị và đề xuất trên đã không được thành phố Hà Nội chấp nhận, họ vẫn nguyên như phương án ban đầu vì cho rằng: “Nếu thay đổi vị trí ga, tuyến so với đề xuất sẽ phải điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt dẫn đến nguy cơ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện và dẫn đến nhiều hệ luỵ tiêu cực liên quan”. 

Phối cảnh lối lên, xuống nhà ga C9 

Còn nhớ, trong một thông cáo báo chí phát đi ngày 24.8.2018, Bộ VHTTDL một lần nữa nhắc lại quan điểm của Bộ về vấn đề này: “Nhận thấy khu vực dự kiến xây dựng nhà ga C9 là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô Hà Nội, đồng thời là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan cần được bảo tồn và có giải pháp xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển nên tại các văn bản gửi đến UBND thành phố Hà Nội, Bộ VHTTDL đều yêu cầu Thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng (cách xa bờ phía Đông của hồ Hoàn Kiếm và nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm”. Cũng trong văn bản này Bộ VHTTDL đề nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vị trí của ga ngầm C9 theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá. 
Câu chuyện xây hay không xây dựng nhà ga C9 tại vị trí như đã đề xuất đã diễn ra đến nay là hơn mười năm có lẻ. Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ VHTTDL và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thì đề nghị cần phải bảo vệ tính toàn vẹn của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm. Còn UBND thành phố Hà Nội một mực giữ nguyên vị trí ban đầu đã tạo nên sự “giành giật” bên bờ hồ Hoàn Kiếm khá là ly kỳ.... 

  Hà Nội báo cáo Chính phủ trước ngày 1.10 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc triển khai thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án). Cụ thể, về việc điều chỉnh Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục về điều chỉnh Dự án (bao gồm cả điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án) theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 131/2015/ NĐ-CP Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và các quy định pháp luật có liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 108/TTg- KTN ngày 13.12.2016; chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu báo cáo và hiệu quả đầu tư Dự án điều chỉnh. UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc bố trí vay vốn nước ngoài bổ sung phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của Dự án. UBND thành phố Hà Nội và chủ đầu tư tiếp tục thực hiện đầy đủ công tác giám sát đầu tư theo đúng quy định, bảo đảm Dự án đầu tư đúng mục tiêu và hiệu quả. 
Về quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL, Bộ Tư pháp, UBND thành phố Hà Nội thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại văn bản số 8240/VPCP-CN ngày 12.9.2019 của Văn phòng Chính phủ. Về gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay vốn của Dự án, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, xử lý kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội theo đúng quy định pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2019 về tình hình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia, báo cáo Chính phủ trước ngày 1.10.2019.  

 

 LÂM SƠN 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top