Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những “phòng khách” đặc biệt từ không gian công cộng

Thứ Hai 09/09/2019 | 10:11 GMT+7

VHO- Ngoài lưu giữ những nét văn hóa, lịch sử..., không gian công cộng còn là nơi thể hiện sức sống, linh hồn, cảm xúc của đô thị, kết nối con người. Bởi vậy, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, những không gian công cộng, nơi được coi là “phòng khách” đặc biệt cần được chăm chút, mở rộng nhằm tạo nên một thành phố đáng sống.

Không gian công cộng sẽ là những “phòng khách” đặc biệt nếu được chính quyền quan tâm Ảnh: ITN

Đó là ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm “Không gian công cộng ở Hà Nội và sự tham gia của người dân” do Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Hà Nội có những không gian công cộng mang tính biểu tượng, nét văn hóa, lịch sử, như chùa Một Cột, Hồ Gươm, Hồ Tây, công viên Bách Thảo... đã gắn bó từ lâu và lưu dấu tình cảm trong lòng những con người của vùng đất này và với cả du khách dừng chân chốc lát trong hành trình khám phá của mình. Có thể thấy, đó là nơi thỏa mãn nhu cầu giao lưu chia sẻ của con người trong xã hội, nơi trẻ em có thể chơi đùa, người lớn đi dạo ngắm cảnh, luyện tập thể thao, khám phá và giải mã những gì lịch sử để lại. Bên cạnh đó, tại Hà Nội, giống như nhiều nơi khác của Việt Nam, ranh giới giữa không gian công cộng và tư nhân rất mờ nhạt. Kết quả là đời sống xã hội, văn hóa của cư dân tràn ra ngoài như vỉa hè, đường phố, công viên, tượng đài... theo nhiều cách khác nhau, mang bản sắc riêng.

Cùng với sự biến đổi nhanh chóng của Hà Nội trong 20 năm trở lại đây, các không gian công cộng cũng dần thay đổi. PGS. TS Phạm Quỳnh Phương đến từ Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam” cho biết, không gian công cộng ở Hà Nội gồm có không gian chính thống (quảng trường, công viên, khu tượng đài, phố đi bộ, vườn hoa cây xanh, hồ nước). Bên cạnh đó còn có các không gian phi chính thức rất phong phú như vỉa hè, siêu thị, ngõ ngách, ao làng, sân chung khu tập thể... Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về kinh tế, sự gia tăng dân số, các không gian chung ngày càng bị thu hẹp, lấn chiếm, tư nhân hóa, thương mại hóa. Khi các không gian cũ mất đi, nhiều loại hình mới cũng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân như phố đi bộ, phố sách, không gian bích họa... Dù vậy, nhìn chung ở Hà Nội nói riêng và phần lớn không gian công cộng tại Việt Nam nói chung chưa được quan tâm và phát triển hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt nghỉ ngơi, giao tiếp hằng ngày của cộng đồng.

Những năm gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân cũng bắt đầu vào cuộc trong việc nâng cao nhận thức về vai trò của không gian đô thị, tạo dựng các không gian nhỏ, sân chơi trong thành phố. Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người sáng lập nhóm Think Play Ground, xây dựng các sân chơi cho trẻ em chia sẻ: “Cách đây 5 năm, chúng tôi là nhóm đầu tiên thực hành và đối mặt với những khu đất nhỏ bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích trở thành sân chơi, coi sân chơi trở thành giá trị cốt lõi, linh hồn, đặt trẻ em vào vị trí trung tâm để lôi cuốn các cộng đồng, nhóm xã hội, biến các sân chơi này trở thành không gian công cộng quy mô nhỏ. Đến nay, nhóm đã xây dựng 125 sân chơi trên khắp Việt Nam, đồng thời đóng góp một lượng sân chơi không nhỏ của các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Sức mạnh sân chơi, không gian chung trong cộng đồng tạo nên sự bền bỉ, dẻo dai của các mối quan hệ giữa những người lớn và trẻ em lớn lên cùng nhau với những ký ức đẹp...”.

Theo các nhà nghiên cứu, không gian công cộng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là câu chuyện toàn cầu, đặc biệt là khu vực đang phát triển. KTS Đinh Đăng Hải, cán bộ dự án cao cấp của Tổ chức HealthBridge cho biết, trên thế giới đã có nhiều quốc gia có kinh nghiệm về tạo lập chính sách, hình thức quản lý nhằm phát triển các không gian công cộng. Ở đó, tiềm năng cộng đồng là vô hạn, Nhà nước làm chức năng quản lý và có cơ chế nâng cao sự tham gia của cộng đồng vào xây dựng không gian công cộng phù hợp với nhu cầu thực tế. Tại Việt Nam, gần đây HealthBridge có hỗ trợ Hội An phát triển không gian công cộng trong 5 năm, và qua đó thấy được vai trò của người dân rất quan trọng. Có không gian công cộng, người dân có thể đóng góp 80% cả về tiền bạc và công sức...

KTS Đinh Đăng Hải cho rằng, vai trò của không gian công cộng cần phải được nhìn nhận đúng, dựa trên sự đồng thuận của nhà nước, cộng đồng, giới chuyên môn và được ưu tiên trong các chính sách phát triển cũng như đầu tư ngân sách. Bên cạnh đó, tiềm năng trong nhân dân lớn, nhà quản lý cần phát huy được tiềm năng đó, nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách, nhưng vẫn phát triển không gian công cộng phù hợp, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, tái tạo sức sống cho các đô thị. 

MINH HIẾU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top