Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cựu binh Pháp tặng hiện vật đặc biệt cho Bảo tàng Hồ Chí Minh

Thứ Tư 04/09/2019 | 11:01 GMT+7

VHO- Sau hơn 70 năm cất giữ, đến khi tuổi đã cao, cựu binh Pháp Pierre Flamen đã quyết định trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bức chân dung giấy dó vẽ về Bác Hồ mà ông đã tìm thấy từ nhiều thập kỷ trước, khi còn là người lính tại chiến trường Việt Nam.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chất liệu giấy dó kích thước 30 x 42 cm

Hôm nay ngày 4.9 tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật đặc biệt mà cựu binh Pháp Pierre Flamen đã lưu giữ cẩn thận như một kỷ vật của đời mình. Bức tranh cổ động chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Phan Văn Doãn minh họa, được Ty Truyền thông Yên Bái phát hành nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 59 của Hồ Chủ tịch, được in trên giấy dó, kích thước khổ A3.

Cựu binh Pháp Pierre Flamen, xuất thân từ vùng Dordogne, phía Nam miền Trung nước Pháp, hiện sống tại TP. Montreuil, Cộng hòa Pháp. Năm 1948, ông Pierre Flamen lần đầu tiên đến Việt Nam với vai trò là một người lính trong quân đội Pháp, thuộc Tiểu đoàn 6, lính dù ở Điện Biên Phủ. Nơi ông đóng quân nhiều nhất là vùng Tây Bắc Việt Nam. Năm 1949, trong một lần đi trinh sát địa hình, ông Pierre Flamen đã phát hiện bức tranh cổ động Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được dán trên bảng tin bằng tre nứa thuộc khu vực Việt Minh kiểm soát, ông đã gỡ bức tranh và đem về đơn vị cất giữ. Năm 1951, nhân chuyến về Pháp nghỉ phép, ông Pierre Flamen đã mang theo bức tranh này về nước và nâng niu, gìn giữ từ đó đến nay.

Tham gia chiến trường Việt Nam và bốn lần bị bắt, tháng 11.1954, ông Pierre Flamen trở về Pháp, hành trang mang theo hầu như không có gì nhưng ông vẫn nâng niu, giữ gìn bức tranh Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chia sẻ cảm xúc về bức tranh kỷ vật, cựu binh Pháp Pierre Flamen nhớ lại, thời điểm đó khi đóng quân ở Nghĩa Lộ, ông đảm nhận ở khu vực phía nam, và trong một lần đi trinh sát địa hình, ông đã phát hiện ra một lán tin tức trên đường đi của mình. Tò mò muốn biết xem cán bộ Việt Minh trong vùng trưng bày những gì, ông đã thấy bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đồ này rất dễ bị hỏng, là một chất giấy dó, rất mỏng, nhưng dù sao tôi cũng cuộn lại được và bảo vệ nó, vì ở vùng đó trời rất hay mưa, nhưng tôi đã đem được về đơn vị và xếp vào hành trang. Khi về Pháp, tôi đã đem theo mình...”, Pierre Flamen nhớ lại. Với ông, bức tranh là một hiện vật thú vị. Người cựu binh này đã đem bức tranh về nhà mình, giữ gìn cẩn thận trong suốt nhiều năm qua.

Cựu binh Pháp Pierre Flamen tâm sự khi quyết định trao tặng lại bức tranh: “Tôi cũng hơi tiếc, vì tôi thực sự thích và lưu luyến bức tranh, nhưng tôi nghĩ nó xứng đáng được ở nơi nó cần ở, với lịch sử. Tôi nghĩ rằng có thể người dân Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy một người lính Pháp đem bức tranh này theo mình, nhưng với tôi, đây là một kỷ niệm quí báu. Đây dù sao cũng là một bức tranh được thực hiện rất tỉ mỉ và tài năng, một dạng thủ pháp, hình ảnh rất giống, đơn giản nhưng hiệu quả. Đó chính là vị Chủ tịch của các bạn, ông đã qua đời nhưng mãi vẫn là Chủ tịch của các bạn...”.

Tận mắt xem bức tranh và chứng kiến ông Pierre Flamen trao tặng bức tranh, ông Claude Constant chia sẻ cảm xúc với tư cách là một người Pháp: “Tôi đã rất xúc động trước câu chuyện của ông Flamen khi gặp ông ấy. Và tôi thấy hết sức kỳ diệu, trong cuộc chiến tranh khắc nghiệt là thế nhưng ông vẫn nhận ra giá trị hiển nhiên của tấm áp phích và ông đã cất giữ từ cuối những năm 1940. Về cá nhân, tôi rất hoan hỉ khi thấy ông tặng lại bức tranh này cho Hà Nội, Việt Nam...”.

Ông Claude Constant cũng nói: “Chúng ta đang ở thời kỳ cách cuộc chiến hơn 60 năm, đã đến lúc hai nước chúng ta cần trao đổi những giá trị văn hóa của chúng ta, thay đổi tất cả những gì mà chúng ta đã có trong lịch sử trước đây để xây dựng tương tai. Việc một cựu binh Pháp tặng lại bức tranh này cho Việt Nam, theo tôi là biểu tượng của sự hòa giải và sự tái tạo cần thiết giữa hai nước...”.

Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant, người đảm nhận trọng trách giúp cựu binh Pháp Pierre Flamen trao lại bức tranh Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng bộc bạch: “Tôi rất vui khi gặp được Flamen và được ông tin tưởng để tôi tặng lại Việt Nam bức tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tranh Hồ Chí Minh, theo ông Flamen, đó là một kỷ vật về Việt Nam mà ông ấy đã tìm thấy từ cách đây hơn 70 năm và bây giờ ông ấy trao tặng lại Việt Nam. Tôi hãnh diện và tự hào khi được đem bức tranh này về trao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội...”.

Tháng 8.2019, kèm theo bức tranh Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Pierre Flamen còn gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bản phác họa địa điểm nơi tìm được bức tranh do ông nhớ và vẽ lại cách đây 10 năm. Đây là một hiện vật mang giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ,... thể hiện tình cảm và lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh của người dân Việt Nam và của cựu quân nhân Pháp - ông Pierre Flamen. Theo lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm thêm thông tin liên quan đến hiện vật và tiến hành các khâu công tác nghiệp vụ để bảo quản và phát huy lâu dài giá trị hiện vật này.

Bức tranh hiện vật đặc biệt này sẽ được nhà văn, nhà báo, dịch giả gốc Việt Hiệu Constant chuyển tặng. 

 BẢO NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top