Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Người trẻ giữ nghề làm đầu lân giấy truyền thống

Thứ Sáu 23/08/2019 | 10:52 GMT+7

VHO- Đến xã Nhị Bình, huyện Châu Thành (Tiền Giang), hỏi thăm cơ sở sản xuất đầu lân giấy thì ai cũng biết. Bởi lẽ ở đây chỉ có duy nhất cơ sở của anh Trần Văn Bình, một thanh niên dân tộc Hoa gầy dựng được hơn 6 năm.

 Vợ chồng anh Bình phơi đầu lân giấy phía sau nhà

Từ khoảng năm 2013, sau khi lập gia đình, anh Bình mang nghề truyền thống của gia đình từ Sài Gòn về nơi đây để lập nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Anh Bình thuộc thế hệ thanh niên 8X. Cha anh là dân tộc Hoa theo hệ ngôn ngữ Triều Châu, mẹ là người Campuchia. Gia đình anh làm nghề kinh doanh và gia công các loại đầu lân giấy, áo mão, đồ thờ cúng ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn hàng chục năm qua. Chia sẻ lý do chuyển về Tiền Giang sinh sống và tiếp tục tạo lập cơ sở nơi đây, anh Bình cho hay: “Đây là nghề truyền thống của gia đình nên mình muốn gắn bó và duy trì để phát triển. Vì thế khi về Tiền Giang, hai vợ chồng đã quyết định tạo lập cơ sở. Ban đầu là gia công từng công đoạn làm đầu lân, đến nay đã hoàn chỉnh tất cả các khâu trong quy trình sản xuất thủ công”.

Trải qua 10 công đoạn, 5 lần phơi nắng

Tại cơ sở của anh Bình hiện có 20 nhân công bao gồm lao động đơn giản và thợ chuyên nghiệp làm việc xuyên suốt cho các công đoạn sản xuất chủ yếu như: làm khuôn, đắp giấy, dán vải kim sa, may các đường viền, vẽ hoa văn, trang trí lông thành phẩm… Được biết, tất cả lao động đều là người tại địa phương, do vợ chồng anh Bình và chị Hồ Thị Liễu mời gọi đến làm việc từ lúc thành lập cơ sở đến nay. Các lao động khi đến làm việc thì được vợ chồng anh Bình hướng dẫn từng khâu trong quy trình làm thủ công đầu lân giấy, đến nay hầu hết các thợ đều rành nghề, thực hành chuyên nghiệp.

Để hoàn thành một sản phẩm đầu lân, thường phải trải qua khoảng 10 công đoạn chính, trong đó có đến 5 lần phơi nắng. Nguyên liệu để làm đầu lân khá đơn giản với các thành phần chính bao gồm tre, giấy, bột dán, vải kim sa nhiều màu sắc, sơn vẽ trang trí cùng với một số chi tiết phụ. Chị Liễu cho biết, tre có thể tìm mua tại địa phương, nhưng phải chọn được loại tre già, tốt để có độ bền cao, đồng thời uốn dẻo và cố định khung không bị xiêu vẹo. Tuy vậy giấy để bọc khung thì phải đặt mua từ Sài Gòn, với nhiều loại khác nhau như loại giấy carton, giấy kraft (thường dùng đựng xi-măng), giấy thường dùng để bao thuốc, giấy bông,… nhờ các đặc tính bền, dai, ít thấm nước.

Trong các công đoạn làm đầu lân, khó nhất là phần vẽ các chi tiết trên mặt và đầu, do đó phần vẽ này do chính tay vợ chồng anh Bình và chị Liễu đảm nhiệm. Anh Bình cho hay, khi vẽ những chi tiết này ngoài đòi hỏi yếu tố kỹ thuật, như bố trí họa tiết, hoa văn, bộ phận nào phải vẽ trước để chọn loại màu sơn cho phù hợp, thì quan trọng nhất là người vẽ tạo được thần thái cho lân, đó là những ánh lửa trên mặt lân phải uyển chuyển và có hồn, để khi nhìn vào đây thấy được sự mạnh mẽ của linh vật. Liên quan đến yếu tố này, anh Bình chia sẻ thêm, để hoàn thành sản phẩm, người thợ phải mang phơi nắng đến 5 lần, mất khoảng 2-3 ngày. “Cứ mỗi công đoạn dán giấy xong thì phải mang phơi cho khô, gặp ngày nắng “già” thì phơi nhanh, còn ngày nắng yếu thì thời gian hoàn thành phải lâu hơn. Tuy vậy, ngoài việc hứng được nắng trời, thì theo quan niệm dân gian, người làm lân “kiêng” dùng các hình thức khác cho nhanh khô như thổi quạt, sấy lò điện,… vì làm như vậy sẽ mất linh khí của lân, sẽ không còn tính thiêng nữa”, anh Bình giải thích.

Công đoạn dán kim sa

Phát triển nghề để gắn với du lịch

Cơ sở sản xuất lân thủ công của anh Bình nằm trên trục đường chính vào xã, các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước thường đến tham quan, nhưng số lượng không nhiều do tuyến đường này không liên kết được với các điểm tham quan khác. Anh Bình cho biết đang suy nghĩ về gợi ý của các công ty du lịch việc mở thêm cơ sở làm đầu lân thủ công khác. Theo đó, nếu được thì anh sẽ đặt thêm một cơ sở tại xã Kim Sơn, cũng thuộc huyện Châu Thành, nhưng nằm trên tuyến du lịch đường thủy, để các công ty có thể đưa du khách tham quan bằng tàu lớn cập bến thuận tiện hơn. “Nếu phát triển thêm được cơ sở sản xuất thủ công tại tuyến du lịch đường sông như gợi ý của các đơn vị du lịch thì tôi có thể quảng bá được nghề làm đầu lân giấy truyền thống của gia đình đến với nhiều du khách hơn, đồng thời có thể mở rộng việc kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con nơi đây, tuy nhiên tôi lo ngại sẽ không thể kham nổi”, anh Bình cho hay.

Hiện cơ sở sản xuất đầu lân giấy của anh Bình đang bước vào mùa cao điểm để phục vụ thị trường Trung thu, mỗi ngày trung bình xuất ra thị trường được khoảng 200 sản phẩm, mỗi tháng trừ các ngày mưa bão phải gián đoạn sản xuất thì hoàn thành khoảng 4.000 sản phẩm. Ngoài dịp tết Trung thu, thì tết Nguyên đán cũng là thời điểm cơ sở nhận đơn hàng từ các đơn vị kinh doanh gửi về. Theo vợ chồng anh Bình, lúc mới thành lập, cơ sở còn làm ít nên chỉ cung cấp cho thị trường TP.HCM - khu vực phố lồng đèn Chợ Lớn, đến nay nhờ các mối quan hệ mở rộng, nhiều người biết đến nên sản phẩm của cơ sở đã vận chuyển đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

“So với đầu lân giấy truyền thống trước đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu hiện đại, nên các sản phẩm hiện nay cầu kỳ và đa dạng hơn, như màu sắc từ vài màu chủ đạo thì nay mở rộng đến gần chục màu, có gắn thêm đèn bên trong, đồng thời giá thành cũng hợp lý để có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác từ bên ngoài”, anh Bình chia sẻ. 

 THÙY TRANG - THÁI HÒA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top