Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bên trong ngành công nghiệp K-Pop

Thứ Tư 21/08/2019 | 11:06 GMT+7

VHO- Được định giá lên tới gần 5 tỉ USD vào năm 2018, ngành công nghiệp ca sĩ thần tượng Hàn Quốc, còn gọi là K-Pop từ lâu đã trở thành công cụ hiệu quả để đưa nền văn hóa đại chúng Hàn Quốc đến với nhiều nước trên thế giới. 

 BTS - nhóm nhạc tạo ra lợi nhuận 3,6 tỉ USD Ảnh: AFP 

Ngành công nghiệp nhạc pop và văn hóa thần tượng của Hàn Quốc được xem như một hệ thống phức tạp, vận hành trơn tru và tỉ mỉ với mục đích đem nền âm nhạc đại chúng của nước này đến gần hơn với nhiều nước trên thế giới. 
Thị trường quyền lực 
Thực tế, sự phổ biến của văn hóa Hàn Quốc tại hầu khắp các quốc gia trong khu vực không phải điều gì quá mới mẻ. Từ khoảng đầu những năm 2000, truyền thông Trung Quốc đã tỏ ra vô cùng bất ngờ trước sự hâm mộ cuồng nhiệt của nhiều bạn trẻ nước này đối với những bộ phim truyền hình Hàn Quốc cũng như những ca sĩ đến từ làn sóng Hàn Lưu (Hallyu). Và Hallyu đã trở thành thuật ngữ được sử dụng rộng rãi bởi truyền thông quốc tế kể từ thời điểm này, trong số đó K-Pop là thể loại thống trị toàn bộ ngành công nghiệp âm nhạc chính thống Hàn Quốc. 
Theo Báo cáo Âm nhạc Toàn cầu của Liên đoàn Quốc tế, ngành công nghiệp âm nhạc thần tượng đã có sự tăng trưởng đáng kể vào năm ngoái mà hai nhóm nhạc nổi tiếng BTS và BLACKPINK chính là những nghệ sĩ đi đầu cho sự tăng trưởng đó. Theo thống kê vào năm 2018, thị trường âm nhạc Hàn Quốc có mức tăng trưởng doanh thu là 17,9%, giai đoạn này được các chuyên gia mô tả như sự chuyển mình từ một “thị trường tiềm năng” sang “thị trường quyền lực”. Hàn Quốc cũng là nước đứng ở vị trí thứ 6 trên 10 thị trường âm nhạc hàng đầu thế giới. 
Theo Forbes, trong khi doanh thu bán hàng vật lý giảm 10,1% trên toàn thế giới, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ lại chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể. Trên thực tế, châu Á đã trở thành khu vực lớn mạnh thứ hai trên thế giới trong lĩnh vực âm nhạc vật lý và kỹ thuật số lần đầu tiên trong lịch sử. Vào năm ngoái, BTS nhóm nhạc K-Pop hàng đầu của Hàn Quốc đã trở thành nghệ sĩ có số lượt nghe nhạc trực tuyến nhiều thứ hai trên ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify. Theo bảng xếp hạng của IFPI, chuỗi album Love Yourself của nhóm có lượng bán ra đạt tới 2,7 triệu đơn vị album. Đây cũng là nhóm nhạc Hàn Quốc duy nhất cho đến thời điểm hiện tại có 3 album trong cùng một năm đạt vị trí số 1 của bảng xếp hạng âm nhạc Billboard, là nhóm nhạc thứ 2 trên thế giới sau huyền thoại The Beatles đạt được thành tựu này. 
Đào tạo bài bản 
Lý do cho sự lớn mạnh của thị trường âm nhạc xứ sở kim chi được lý giải bởi Giáo sư Lee Dong-yeon, giảng viên tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc trong bài phỏng vấn với tờ South China Morning Post là do các nghệ sĩ thần tượng tại Hàn Quốc thường trải qua quá trình đào tạo bài bản từ 5 - 7 năm trong các công ty giải trí. Các công ty lớn như JYP, SM và YG trên thực tế là tổ hợp của hãng thu âm, công ty giải trí. Giáo sư Lee Dong-yeon giải thích, bên cạnh việc rèn luyện các kỹ năng liên quan đến âm nhạc, các công ty này còn giảng dạy ngoại ngữ (thường là tiếng Anh hoặc tiếng Nhật), đề ra các lộ trình ăn kiêng và tập thể thao nghiêm ngặt. Trong một số trường hợp, những thực tập sinh muốn trở thành nghệ sĩ K-Pop cần trải qua phẫu thuật thẩm mỹ. 
Theo một báo cáo về ngành công nghiệp thần tượng của Edward Chun, chuyên gia âm nhạc người Mỹ gốc Hàn, các thực tập sinh thường tuân thủ lịch trình nghiêm ngặt hằng ngày bao gồm hai giờ tập thể dục, 4 giờ tập vũ đạo, 2 giờ đào tạo thanh nhạc và 3 giờ học ngôn ngữ. Việc ca sĩ làm việc dưới quyền của công ty quản lý nào đó và được bảo vệ hình ảnh, phát ngôn thực tế không phải một điều quá mới lạ. Các công ty quản lý tại nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng thực hiện điều này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc là thị trường hiếm hoi tiến hành “sản xuất ca sĩ” như một cỗ máy công nghiệp được vận hành bài bản. Theo Frances Cha, phóng viên thường trú của CNN tại Seoul, ca sĩ thần tượng Hàn Quốc thường được hướng dẫn về hành động, cách ứng xử trước công chúng và được yêu cầu duy trì điều này theo hợp đồng. 
Trong khi nhiều người coi K-Pop đơn thuần chỉ là dòng nhạc dễ nghe với những ca sĩ có ngoại hình ưa nhìn, thì một số chuyên gia tỏ ra không đồng tình. Giáo sư Jose Wendell Capili về ngành Văn học sáng tạo và Văn học so sánh tại Đại học Philippines là một trong số đó. Ông cho biết: “Nhiều nhà phê bình cho rằng, các ca sĩ thần tượng được ra mắt đều dựa trên ngoại hình. Tuy nhiên, những lời buộc tội này dường như đang nhắm vào một số nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc, từ Elvis Presley đến The Beatles”. Các chuyên gia cũng tin rằng, sự xuất hiện của làn sóng Hàn Lưu cũng bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng của nền kinh tế Hàn Quốc vào năm 1998. Chính phủ nước này đã sử dụng văn hóa và âm nhạc như một công cụ để quảng bá đất nước, thúc đẩy du lịch, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư. 

THỤC LINH 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top