Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Làm thế nào đẩy mạnh phát triển công nghệ tài chính (Financial Technology- Fintech) tại Việt Nam?

Thứ Ba 20/08/2019 | 13:52 GMT+7

VHO- Sáng nay 20.8 tại Hà Nội, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews của Báo Vietnamnet tổ chức buổi tọa đàm “Chính sách quản lý fintech”. Buổi toạ đàm có sự góp mặt của nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý cũng như đại diện của các cơ quan quản lý hữu quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ TT&TT cùng lãnh đạo, đại diện 30 doanh nghiệp fintech.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Sự bất cập trong chính sách quản lý tài chính

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ di động, những năm gần đây lĩnh vực fintech đã có sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính – ngân hàng, đem lại thuận tiện cho các giao dịch kinh doanh – tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sách quản lý đối với lĩnh vực fintech còn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến nhiều bất cập cần được khắc phục. fintech giúp các giao dịch tài chính trở nên thuận lợi, tiện dụng với số đông người dùng, vì vậy cũng phát sinh quan ngại fintech có thể bị lợi dụng cho các hoạt động không chính đáng, đặc biệt là rửa tiền và các hoạt động tín dụng đen... Do đó, thời gian vừa qua cơ quan quản lý có những động thái nhằm siết chặt quản lý lĩnh vực fintech, trong đó đáng chú ý là một số dự thảo quy định pháp luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, hoặc hạn chế giá trị giao dịch và số tài khoản ví điện tử cũng như yêu cầu khai báo thông tin lại gây phiền hà cho người dùng…Vì vậy, điểm cốt yếu trong xây dựng chính sách cho fintech là tìm ra sự cân bằng giữa kiểm soát rủi ro trong khi vẫn đảm bảo quyền lợi cho đa số người dùng. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng.

 Ông Varun Mittal

Được biết, Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành chức năng và doanh nghiệp phải thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ cũng mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020 – đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi tâm lý người dân vẫn thích dùng tiền mặt, rất ít người dân có tài khoản ngân hàng... Vì vậy thanh toán không dùng tiền mặt cứ phải quyết tâm mới làm được, còn nếu không muốn làm thì có rất nhiều lý do.

Làm gì để đẩy mạnh phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam?

 Ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước

Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phân tích, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra nhiều khuyến nghị về định hướng chính sách cho fintech. Một mặt, tăng cường quản lý là cần thiết nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao tính bảo mật, an toàn cho các giao dịch tài chính, bảo vệ quyền lợi cho người dùng, mặt khác, việc xây dựng chính sách cũng không nên vì một số trường hợp cá biệt mà áp đặt những hạn chế, ràng buộc gây bất tiện cho số đông người dùng, làm mất đi ý nghĩa tích cực của fintech đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số và chủ trương phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Một số đề xuất đáng chú ý như sử dụng các cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý để thực hiện xác thực người dùng các dịch vụ fintech, cũng như cho phép người dùng đăng ký các hạn mức giao dịch “mềm” với đơn vị cung cấp dịch vụ, có thể điều chỉnh tuỳ theo nhu cầu sử dụng cũng như đánh giá an toàn của mỗi người.

Ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, vài năm qua, hoạt động fintech phát triển ở Việt Nam nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, theo thống kê không chính thức của Ngân hàng Nhà nước, mới có gần 150 doanh nghiệp fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngân hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân…

 Ông Phùng Anh Tuấn

Trong bài tham luận tại hội thảo, ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội fintech Singapore, Trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore cho rằng, việc dự kiến hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực fintech cũng đặc biệt gây quan ngại, do hiện nay sự phát triển của các doanh nghiệp  fintech vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực này đều cần có sự đầu tư về công nghệ, thị trường và nhân sự, trong khi đó các nguồn lực trong nước còn chưa đáp ứng được.

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI), Giám đốc Công ty Luật VCI Legal,  cũng lưu ý: “Theo Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EU – VN FTA, Việt Nam đều đưa ra cam kết mở cửa lĩnh vực tài chính – ngân hàng với phạm vi cam kết rất rộng, bao gồm tất cả các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, và xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan bởi các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác, tư vấn, trung gian, và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác. Vì vậy, các cơ quan xây dựng chính sách cần lưu ý”...

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam và ban tổ chức tọa đàm hy vọng qua buổi tọa đàm “Chính sách quản lý  fintech” sẽ là tiền đề để cho các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này sẽ có những chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy các fintech phát triển đem lại nhiều thuận tiện cho người dùng cũng như phát triển một xã hội số, nền kinh tế số của Việt Nam.

QUỐC HÙNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top