Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thấm những lời căn dặn trước lúc Người đi xa

Thứ Sáu 16/08/2019 | 11:10 GMT+7

VHO- Di chúc của Bác chứa đựng những nghĩ suy của một người suốt đời cống hiến, hi sinh, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng lên trên hết. Đó là những chiêm nghiệm, đúc kết không phải chỉ trong quãng thời gian hơn bốn năm Bác viết Di chúc. Cũng không phải là những lời căn dặn vội vàng trước phút lâm chung. Người viết Di chúc trong lúc “tinh thần đầu óc vẫn sáng suốt”, tâm thế ung dung, tự tại tựa hồ như một đêm trăng rằm năm nào Bác ngồi trên con thuyền bàn việc quân cơ ở núi rừng Việt Bắc.

 Toàn cảnh Hội thảo Ảnh: MẠNH HÀ

 Đó là suy ngẫm được chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn, 1969 - 2019”, diễn ra ngày 14.8 tại Hà Nội. Hội thảo do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức.

Yêu thương thấm đẫm trong những lời căn dặn

102 tham luận của các đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu… tập trung vào 3 chủ đề chính: Bối cảnh ra đời, giá trị và ý nghĩa của Di chúc; Phát huy giá trị của Di chúc trong giai đoạn hiện nay; Thực hiện những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc.

Bản Di chúc Bác viết từ năm 1965 đến năm 1969, được Người sửa chữa, bổ sung qua các năm. Nội dung bản Di chúc được Người trù tính thấu đáo, vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc, từ “việc riêng” cho đến những việc trọng đại của quốc gia, dân tộc, nhân dân. TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức nhằm tập trung làm rõ những giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc từ thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam 50 năm qua. Trên cơ sở đó tiếp tục khẳng định giá trị thực tiễn của bản Di chúc lịch sử và rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Trong bài viết “Thiêng liêng biết mấy những lời của Bác”, TS Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh những điều Người viết trong Di chúc là những vấn đề hệ trọng gửi lại cho nhân dân và đất nước; dặn dò toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những nhiệm vụ cần phải làm. Đọc Di chúc của Bác Hồ, chúng ta cảm nhận được tâm thế và suy nghĩ của một bậc vĩ nhân yêu nước, thương dân tột bậc. Yêu thương khi Người còn sống và yêu thương cho tới mãi mai sau. Từng câu, từng lời trong Di chúc là kết tinh của sự suy xét thấu đáo; là những lo nghĩ về việc chung, việc của Đảng cầm quyền và công việc dựng xây đất nước; là những lời dặn dò hết sức thiêng liêng cùng với những tình thương bao la dành cho đồng bào, đồng chí, bạn bè quốc tế gần xa.

Thực hiện “điều mong muốn cuối cùng” của Bác

Thực hiện những lời dặn của Người trong Di chúc, PGS. TS Ngô Văn Thạo, Hội đồng Lý luận Trung ương, nhận định, đoạn cuối của Di chúc, Người viết “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Bằng một câu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ, đầy đủ nhiệm vụ của Đảng, nhân dân ta và mục tiêu, đích đến của cách mạng Việt Nam là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh”. Mục tiêu “năm việc, mười từ” này trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bao quát đầy đủ tư tưởng của Người về cách mạng Việt Nam, các nhiệm vụ giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng xã hội mới, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh...

“Trong 50 năm qua, thực hiện điều mong muốn nêu trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã vượt qua nhiều hi sinh, gian khổ, đoàn kết phấn đấu, giành được những thắng lợi cơ bản, thỏa mãn một phần mong ước của Người”, PGS.TS Ngô Văn Thạo khẳng định. Ông cũng nêu rõ, giai đoạn trước mắt đã mở ra những cơ hội mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức mới đối với nhân dân ta trong thực hiện “điều mong muốn cuối cùng” của Bác nêu trong Di chúc. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra rất nhanh, tác động rất mạnh đến tất cả các lĩnh vực trong xã hội, tạo nên những cơ hội lớn chưa từng có và cũng là những thách thức mới theo kiểu “bây giờ hoặc không bao giờ” đối với sự phát triển của nước ta.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhìn nhận, để hiểu được giá trị tư tưởng đổi mới, hội nhập của Người trong Di chúc, trước hết phải thấy Bác đã sớm thay đổi tư duy mới, lại có hành động đổi mới dựa trên phương pháp sáng tạo và phong cách thiết thực, chú trọng thực tiễn và hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa kế thừa và phát triển, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Đổi mới gắn liền với phát triển, vì mục tiêu phát triển, có nội dung và ý nghĩa sâu xa về văn hóa. Hồ Chí Minh qua hoạt động lý luận và thực tiễn của mình đã nhận thức và giải quyết thành công quy luật tiếp biến văn hóa để đổi mới và phát triển, có chủ kiến rõ ràng về con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng cho rằng, 50 năm đã trôi qua, thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thêm thấu hiểu và cảm phục trí tuệ sáng suốt phi thường của Người. Cảm phục tầm nhìn và sự lo xa của Người. Liệu có ai đã hiểu hết được việc Bác “viết sẵn và để lại mấy lời này” lại trở nên quan trọng với toàn Đảng và toàn dân ta đến vậy. 

HOÀNG NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top