Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Vì sao sách điện tử mới lên đã xuống?

Thứ Sáu 16/08/2019 | 10:35 GMT+7

VHO- Là thông tin không vui đối với ngành xuất bản vừa được đưa ra tại Hội nghị “Giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019” do Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản VN phối hợp tổ chức tại HN vào sáng qua 15.8.

 Toàn cảnh hội nghị 

Trong những năm 2008 - 2010, ebook trên thế giới đã phát triển mạnh. Trước xu hướng này đã thúc giục các NXB, các công ty sách, cũng như nhiều công ty khác đầu tư vào việc xuất bản và phát hành ebook tại VN. Nhiều công ty lần lượt ra đời như Alezaa, Lạc Việt, Sachweb (NXB Tổng hợp), Ybook (NXB Trẻ), Komo... làm cho thị trường ebook của VN trăm hoa đua nở, người người, nhà nhà đầu tư vào xuất bản và phát hành ebook.

Tuy nhiên, tại hội nghị này, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết năm 2019, mảng sách điện tử (ebook) suy giảm nghiêm trọng. Nếu tính từ năm 2016, số ebook đăng ký là gần 1.900 tên sách thì đến nay chỉ có 5 nhà xuất bản có khả năng xuất bản sách điện tử với 92 đề tài được đăng ký. Có thể nói, đây là sự thất vọng lớn của ngành xuất bản sách điện tử Việt Nam trong quá trình tiến tới nền xuất bản công nghiệp 4.0. Điều này phần nào cho thấy sự thờ ơ, đứng ngoài cuộc của ngành xuất bản đối với sách điện tử, trái ngược với xu thế chung của toàn cầu và nhu cầu sử dụng của bạn đọc. Đó cũng là nguyên nhân khiến tình trạng đọc sách lậu của người Việt tồn tại nhan nhản trên mạng internet, “chợ ứng dụng” của Google và Appstore mà sách của các nhà xuất bản không bán được.

Đại diện NXB Trẻ cũng thừa nhận, tính đến nay khoảng 10 năm, thị trường ebook có vẻ đã lắng xuống. Có công ty đã rời thị trường, có công ty đóng băng, nhưng cũng có công ty vừa ra đời và tuyên bố sẽ vừa phát hành ebook, vừa phát triển hướng đi mới mà họ cho là đáp ứng nhu cầu tự xuất bản, nhu cầu viết theo nhóm kiểu 4.0 của tác giả, độc giả Việt Nam. Sự trầm lắng đó của thị trường cũng như hoạt động không hiệu quả của các công ty ebook xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Theo đại diện NXB Trẻ, đầu tiên phải kể đến là xu hướng thế giới cũng như những dự báo trước đó đã không diễn ra như mong đợi. Giờ đây giới làm sách trên thế giới lại chuyển hướng sang phát triển audio books (sách nói) hay những hình thức sách dựa trên nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, câu chuyện lớn nhất của việc kinh doanh ebook chính là nội dung và công nghệ.

 Sách điện tử Ảnh minh họa

“Do sự nở rộ của nhiều đơn vị làm ebook nên có tình trạng phân mảnh, các đơn vị tự bản thân mình không có nhiều và không có đủ đầu sách để cung cấp cho bạn đọc. Điều này gây bất tiện cho độc giả, bởi nếu muốn đọc ebook của các nhà xuất bản ở Việt Nam độc giả phải tải rất nhiều ứng dụng của nhiều đơn vị cung cấp ebook khác nhau về các thiết bị của mình. Song song đó là công nghệ của các đơn vị kinh doanh ebook ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả”, đại diện NXB Trẻ cho biết.

Bên cạnh đó, các công ty chưa đầu tư đúng mức về công nghệ để theo kịp xu hướng làm ebook trên thế giới; nạn vi phạm bản quyền sách điện tử còn rất phổ biến. Việc phát tán các sách điện tử không có bản quyền trên mạng ngày càng nghiêm trọng. Hầu như rất dễ dàng tìm thấy một bản ebook của bất kỳ quyển sách nào trên mạng; gần đây, theo Thông tư 42/2017/TT - BTTTT thì các nhà xuất bản, công ty ebook phải xây dựng đề án hoạt động xuất bản – phát hành xuất bản điện tử để tiếp tục hoạt động. Rất nhiều nhà xuất bản, đơn vị kinh doanh ebook hoặc đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề án hoặc không đáp ứng đủ yêu cầu của đề án, nên việc phát hành ebook bị dừng lại. Đây là một nguyên nhân ảnh hưởng đến số lượng xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu trong hai năm 2017 – 2018 mỗi năm chỉ có trên dưới 200 xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu so với trên dưới 30.000 bản sách in…

Để góp phần quản lý và phát triển các sản phẩm sách số, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, nên sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản và phát hành sách số. Bởi chiến lược này sẽ quy hoạch lại các đơn vị có đủ khả năng và độ tập trung để xuất bản và kinh doanh sách số; cần có nhiều nguồn tài nguyên số hóa tại các thư viện. Bởi trong bối cảnh của cách mạng 4.0, mọi thứ đều dựa vào dữ liệu lớn mà không có đủ nguồn số hóa, không đủ nguồn ebook thì chúng ta sớm bị bỏ lại phía sau. 

Những sai phạm tập trung ở buông lỏng trong quản lý liên kết

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong 6 tháng đầu năm 2019 có 44 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý (giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2018). Những sai phạm này thường tập trung ở một số nhà xuất bản có biểu hiện buông lỏng trong quản lý liên kết, có những sai phạm nghiêm trọng về chính trị, tư tưởng đến mức phải xử lý, kiểm điểm trách nhiệm. Sách biên soạn vô bổ, sách kém chất lượng, sách kỹ năng, tham khảo xuất bản theo kiểu phong trào dẫn đến tình trạng “bội thực” sách, hay hiệu ứng ngược trong khi vẫn thiếu những cuốn sách có giá trị, chất lượng ở nhiều mảng đề tài.

 

 MINH HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top