Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

CMCN 4.0 trong hoạt động Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: Không gian tương tác của những “cuộc chơi nghệ thuật”

Thứ Sáu 26/07/2019 | 11:06 GMT+7

VHO- Bộ VHTTDL vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự và chủ trì hội nghị.

 Triển lãm Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm bằng công nghệ kỹ thuật số Ảnh: INTERNET

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, lãm rõ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; tìm giải pháp xây dựng, lưu trữ, kết nối và vấn đề bản quyền khi khai thác dữ liệu lớn trong mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; xu hướng ứng dụng các thành tựu của CMCN lần thứ 4 vào lĩnh vực: mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng, giám định tác phẩm mỹ thuật, sáng tạo tác phẩm nhiếp ảnh, xây dựng mô hình triển lãm có thương hiệu quốc tế…

Hòa mình trong không gian trưng bày để khám phá thành tựu mới

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là lĩnh vực nghệ thuật đề cao tính sáng tạo của cá nhân cụ thể là các nghệ sĩ. Bước vào kỷ nguyên số, nhiều phần mềm thiết kế đồ họa, xử lý hình ảnh được ứng dụng rộng rãi. Việc ứng dụng các công nghệ mới hỗ trợ người nghệ sĩ hình thành và sáng tạo các sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật, lưu trữ tác phẩm bằng công nghệ số với chất lượng cao và có thể kết nối, chia sẻ trên môi trường internet như là một dịch vụ văn hóa, một phòng triển lãm tranh ảo 3D…

Theo PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, trong bối cảnh CMCN 4.0, mỹ thuật VN đã xuất hiện ngày càng nhiều các dự án, triển lãm, tác phẩm nghệ thuật sử dụng công nghệ kỹ thuật số, internet như: Dự án nghệ thuật Into Thin Air do Không gian nghệ thuật Manzi điều phối thực hiện năm 2016. Trong dự án này, 10 tác phẩm báo gồm sắp đặt tương tác, video art, sắp đặt âm thanh tại 10 địa điểm trong thành phố, đã sử dụng phần mềm ứng dụng điện thoại thông minh cho phép công chúng truy tìm tác phẩm; dự án triển lãm Thực tế tăng cường thực hiện năm 2018 tại Trung tâm Văn hóa Pháp. Thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động, các tác phẩm trưng bày trong triển lãm trở nên sống động khi công chúng nhìn qua màn hình điện thoại; hay gần đây nhất là triển lãm Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA vừa qua. Triển lãm đã giới thiệu 35 tác phẩm hội họa tiêu biểu của Van Gogh qua các thời kỳ bằng việc trình chiếu trên màn hình khổ lớn hình ảnh các tác phẩm gốc, điều này giúp người xem có thể nhìn cận cảnh từng chi tiết, đường nét trong các bức tranh có tuổi đời hơn 100 năm trên những mặt phẳng rộng lớn trong một không gian nghệ thuật đậm chất tối giản, đương đại… Điểm chung của các dự án này là khai thác sử dụng các ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả sống động khi trải nghiệm tác phẩm.

ThS Nguyễn Lâm Tuấn Anh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia VN cũng cho rằng, trong kỷ nguyên số, việc thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, tham quan các bảo tàng, triển lãm, thậm chí sáng tạo nghệ thuật ngay tại nhà, chỉ bằng cách thông qua hệ thống giải trí đa phương tiện kỹ thuật số đã không còn xa lạ với mọi người. Việc hình thành thị trường mỹ thuật trực tuyến nhờ mạng internet kết nối trực tiếp công chúng tới từng nghệ sĩ hoặc sàn giao dịch là một tương lai có thể tưởng tượng được. Hiện tại, một số sàn giao dịch tranh tại VN đã sử dụng facebook như một môi trường kết nối trực tuyến giữa nghệ sĩ và công chúng.

Không chỉ có vậy, hiện nay song song với các gallery truyền thống, hệ thống gallery online đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, những tiện dụng đầu tiên của hệ thống này là khả năng xóa bỏ mọi rào cản về địa lý, thời gian, không gian và ngôn ngữ. Theo Ths họa sĩ Vũ Huy Thông, với tính linh hoạt của gallery online, phấn lớn các gallery online hoạt động theo phương thức bỏ ngỏ các tuyển lựa của các giám tuyển hoặc các hội đồng tư vấn. Như vậy, thực tế phần lớn các gallery online có thể hiểu như một môi trường, thậm chí như một cái chợ. Hiển nhiên, mặt trái của mô hình này sẽ là vấn đề bản quyền, sở hữu tác quyền…

Thách thức và bất cập

Đứng trước tác động của cuộc CMCN 4.0 đã đặt ra những thách thức, khó khăn cho ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm như: nguồn nhân lực với kỹ năng về công nghệ để phát huy năng khiếu mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm ở đâu?; vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan đối với sản phẩm nghệ thuật như thế nào? Cần thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là, tình trạng vi phạm bản quyền ở VN diễn ra khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Việc sử dụng hệ thống internet toàn cầu để “đạo tranh”, “đạo tượng” của các tác giả trong nước và nước ngoài đã và đang không chỉ là nỗi nhức nhối của ngành mỹ thuật mà còn trở thành vấn nạn chung về kinh tế xã hội ở VN.

Để góp phần ngăn chặn và từng bước giải quyết vấn nạn này, GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, cần tăng cường việc sử dụng công nghệ hiện đại như mạng internet, công nghệ số quản lý tác giả, tác phẩm trong lĩnh vực mỹ thuật. Đồng thời đẩy mạnh việc phổ biến và theo dõi việc nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của hệ thống pháp luật về bản quyền.

Theo TS Đỗ Lệnh Hồng Tú, Trường ngành Lý luận, Hội Mỹ thuật TP.HCM, hiện nay tại các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng đa số sinh viên đều chọn theo học thiết kế đồ họa, nhưng ngay cả nội dung và chương trình đào tạo thiết kế đồ họa cũng vẫn theo lối mòn, chậm thay đổi. Trong khi đó, để làm được việc khi ra trường, người học cần đủ năng lực để thực hành sử dụng các phần mềm hỗ trợ thiết kế website: Dreamweaver, Flash… Thiết kế website 3D- Engine Web3D… nhằm nâng cao hiệu quả thẩm mỹ trong quá trình sáng tạo hình ảnh.

CMCN 4.0 đã tác động rất lớn đối với ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Trong khi đó, phần lớn các nhà quản lý chuyên ngành chưa thực sự hiểu rõ và cập nhật các công nghệ mới, xu thế phát triển công nghệ đó tác động tích cực, tiêu cực và mang lại cơ hội thách thức gì đối với chính ngành nghề của mình. Vì thế, theo Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bộ VHTTDL Từ Mạnh Lương, đây là một rào cản khá lớn mang tầm chiến lược. Hiện nay, các chính sách chủ yếu tập trung vào việc phát triển ngành, chưa có chính sách đặc thù riêng cho việc thích ứng với CMCN 4.0; các chính sách thiếu sự liên kết với các Bộ, ngành có liên quan.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, các nhà khoa học, đồng thời chỉ đạo và giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh các nhiệm vụ trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển của CMCN 4.0; nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp ý kiến từ các bài tham luận, ý kiến tại hội thảo xây dựng báo cáo lãnh đạo Bộ về thực trạng và xu hướng phát triển ngành công nghiệp mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trong thời đại CMCN 4.0. 

 THANH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top