Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Vì sao người lao động không muốn​​​​​​​ tham gia BHXH tự nguyện?

Thứ Sáu 26/07/2019 | 10:56 GMT+7

VHO- Cả nước có 54 triệu lao động nhưng chỉ có 20% trong số đó tham gia BHXH mà đa phần là BHXH bắt buộc. Chỉ có khoảng 1% người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

 Người lao động di cư khó tham gia BHXH tự nguyện với thời gian kéo dài tới 20 năm

Tỷ lệ lao động tự do, lao động di cư, lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH còn đang rất thấp, một phần là do quy định chưa phù hợp.

Lao động di cư không muốn tham gia

Chị Phạm Thị Hoàn (39 tuổi ở Gia Lộc, Hải Dương) là lao động bán hàng rong ở Hà Nội. Gia đình chị thuê căn hộ nhỏ tại phường Long Biên (Hà Nội) với giá 3 triệu đồng để cả nhà cùng ở, tiện cho con cái học tập và vợ chồng chị buôn bán. “Hiện chồng tôi đi làm xe ôm, còn tôi đi bán hàng rong. Mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập được khoảng 10 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, tiền học hành cho hai con đi thì cũng hết. Ăn uống chi tiêu phải rất kham khổ, tằn tiện mới đủ”, chị Hoàn chia sẻ.

Khi được hỏi về tương lai lúc mà anh chị không còn khả năng lao động, không được hưởng lương hưu, chị Hoàn cho biết nhiều lao động di cư rất mong muốn được đóng BHXH tự nguyện, tuy nhiên điều kiện không cho phép. Trước đây không hiểu, không được tư vấn về BHXH tự nguyện nên chị không biết rõ thông tin, giờ biết rõ thông tin thì lại không đủ khả năng tham gia. “Lao động tự do, di cư như chúng tôi ai cũng mong muốn được mua BHXH tự nguyện, nhưng mọi người đã nhiều tuổi rồi nên giờ đóng không được bao lâu. Thêm vào đó, các chế độ, địa điểm đóng cũng chưa linh hoạt”, chị Hoàn nói.

Theo bà Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chương Dương (Hà Nội), trên địa bàn phường tập trung nhiều lao động di cư về thuê trọ, khoảng 1.800 – 2.000 người. Mặc dù có số lao động di cư tạm trú lớn nhất, nhì trong tổng các quận nội thành và qua hằng năm không có biến động nhiều, nhưng chưa có bất cứ một lao động di cư nào tham gia đóng BHXH tự nguyện. Bà Hạnh cũng cho biết, mặc dù UBND phường và một số tổ chức xã hội tuyên truyền, giải thích cho người lao động di cư ở phường Chương Dương về ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện nhưng hầu hết lao động đều không tham gia. “Họ đều là lao động có tuổi, thời gian đóng không được bao lâu. Tiền làm ra hằng tháng chỉ để lo cho công việc trước mắt của gia đình, hầu hết họ chưa nghĩ tới việc tích lũy. Họ vẫn nghĩ tuổi già ở quê thì rau cháo qua ngày hoặc nhờ con cháu thôi chứ không nghĩ tới chuyện tích lũy”, bà Hạnh chia sẻ.

Cần thay đổi thời gian đóng BHXH tự nguyện

So với BHXH tự nguyện thì nhận thức và nhu cầu về BHYT của người lao động di cư có khá hơn với 60% lao động di cư trên địa bàn phường Chương Dương tham gia. Bà Nguyễn Thị Mai, 53 tuổi (Nam Định) cũng là một trong những lao động di cư có thâm niên ở Hà Nội cho biết, bà đã có thẻ BHYT nhiều năm nay. Một số chị em khác cũng được tạo điều kiện mua thẻ BHYT tại Hà Nội. Về BHXH tự nguyện, cũng như nhiều người khác, bà cũng muốn tham gia nhưng với điều kiện phải tham gia đóng BHXH đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu thì bà không mua. Bà Mai cho rằng chính sách như thế là không hợp lý: “Đa phần lao động tự do như chúng tôi có kinh tế dư dả một chút thì tuổi đã cao. Muốn tham gia BHXH tự nguyện cũng khó vì đóng vài năm già rồi, không thể 60-70 tuổi rồi mà vẫn đóng BHXH được”.

Chính vì thế bà Mai cho rằng, cơ quan BHXH cần thay đổi chính sách, nên xem xét và rút bớt thời gian đóng BHXH tự nguyện xuống. “Thay vì đóng 20 năm thì chúng ta có thể cho người lao động đóng 10 - 15 năm thôi, mức đóng có thể tăng cao hơn chút để lao động nhanh được hưởng lương hưu. Thêm nữa, thay vì chỉ được hưởng hai chế độ là lương hưu và tử tuất thì lao động cũng mong muốn được hưởng thêm chế độ thai sản và tai nạn lao động”, bà Mai nói. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng – LIGHT cũng mong muốn BHXH Việt Nam có thể điều chỉnh lại chính sách cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng như tăng cường hỗ trợ đối tượng lao động tự do tiếp cận BHYT. Hiện nay, dù rất muốn tiếp cận nhưng thời gian đóng quá dài, cộng thêm chế độ hưởng lại ít nên chưa thể thu hút đông lao động tự do, trong đó có lao động di cư tham gia. 

 THUỲ MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top