Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đừng chờ được “cho”, được “cấp”

Thứ Tư 24/07/2019 | 11:09 GMT+7

VHO- Mỗi thế hệ sáng tác thường coi trọng việc đổi mới bút pháp và phong cách, nhằm đặt ra những vấn đề mới cho thời đại và thế hệ của mình. Tuy nhiên, theo nhiều văn nghệ sĩ lão thành, ngoài tinh thần cách tân mạnh mẽ, tác giả cần tích lũy vốn sống, cộng với sự rung động của trái tim để tạo nên tác phẩm nghệ thuật hay, có sức lan tỏa.

 Thực tiễn tạo sức sống, sức lan tỏa của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật

 Tại cuộc tọa đàm “Những kinh nghiệm của các thế hệ văn nghệ sĩ trong việc tổ chức sáng tác và truyền thụ kinh nghiệm cho các thế hệ kế cận” do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội vừa tổ chức, nhà thơ Bằng Việt nhấn mạnh, một nguyên tắc đã hình thành từ ngàn đời trong văn học nghệ thuật là không trùng lặp, “nhai lại” những gì mà những thế hệ đi trước đã viết và đã khai thác. Có như thế thì văn học nghệ thuật mới tiến lên được và không bị rơi vào nhàm chán, sáo mòn, chỉ ăn theo nội dung và hình thức của những người đi trước, dù những tiền bối ấy có tài năng đến mấy đi nữa. Trong văn học nghệ thuật ở đỉnh cao, người ta không bao giờ tôn trọng sự lặp lại nhau, bắt chước nhau, chưa kể là bắt chước quá lộ liễu thì còn bị coi là “đạo văn”, không hay ho gì.

Cũng theo nhà thơ Bằng Việt, việc truyền thụ kinh nghiệm, trao đổi về đề tài sáng tác, cách thể hiện tác phẩm, sử dụng hình thức sáng tác nào cho đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời muốn tạo nên cái mới thực sự thì phải cần những yếu tố, điều kiện gì... lại là vấn đề khác, cần có sự bình đẳng, giao lưu giữa các thế hệ. Với kinh nghiệm của người hơn 60 năm làm điện ảnh, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, để có tác phẩm hay thì phải sáng tác từ rung động của trái tim, không theo đơn đặt hàng, không phụ thuộc vào thời điểm: “Tôi tự hào mình làm nhiều phim về Hà Nội được khán giả yêu mến, như Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùa ổi, Đừng đốt và hiện đang làm Hoa nhài. Tất cả đều ra đời từ trăn trở, thôi thúc của bản thân. Mỗi người sáng tác nên đặt cảm xúc của mình lên trên hết, đừng chờ đợi được “cho”, được “cấp”. Tuy nhiên, muốn tạo được tác phẩm nghệ thuật hay, tác giả phải đi, quan sát, nắm bắt hiện thực và nung nấu phản ánh hiện thực ấy, khi nào đủ độ chín thì tự khắc ý tứ, câu chữ, phương pháp sẽ bật ra”.

Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, người có 70 năm tham gia hoạt động múa, có hàng trăm tác phẩm múa đủ các thể loại, đạt được nhiều giải thưởng cho tác phẩm múa cho rằng: “Sáng tạo tác phẩm múa phải đi từ thực tiễn, đi lên từ thực tiễn. Thực tiễn là sức sống, là sự thành công lan tỏa của tác phẩm múa. Nhất là những tác phẩm múa dân gian, dân tộc, người sáng tạo phải đến địa phương có múa để học múa trực tiếp nghệ nhân và phải ghi chép đầy đủ về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, nghi lễ, nghệ thuật tộc người, từ đó nghiên cứu sáng tác có cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học... Nếu chộp một vài động tác sáng tác thì sẽ khó có sự thành công”.

Trong lĩnh vực văn chương, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: “Để đạt được những phẩm chất đặc trưng của văn chương Hà Nội, người viết cần có một hiểu biết rộng và sâu về Hà Nội. Đây là kết quả của một quá trình tích lũy. Tôi tự lấy làm tiếc vì đã không ý thức được việc này từ khi ít tuổi, nhưng dù ở tuổi nào thì sự bắt đầu vẫn có ích và còn kịp”. Trong đó, đọc sách nghiên cứu về Hà Nội, trong tất cả mọi lĩnh vực, luôn là cần thiết cho việc tích lũy kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội, khoa học... Đáng nói hơn, vì còn ít người viết chú ý là việc tìm hiểu Hà Nội trên thực địa. Những tác giả đang sống ở Hà Nội mà không sớm nhập thân vào công việc này thật sự là một lãng phí. Lãng phí cái công được sống của mình trên đất thủ đô hơn nghìn năm tuổi...

Thực tế, nhằm đúc rút và truyền thụ kinh nghiệm giữa các thế hệ sáng tác, trong nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện, giới thiệu tác phẩm, bồi dưỡng sáng tác, đi thực tế, tổ chức trại sáng tác, cuộc vận động sáng tác... Trong tình hình hiện nay, PGS.TS Trần Trí Trắc góp ý, Nhà nước và Hội chuyên ngành nên có nhiều sáng tạo mới để giúp tác giả phát huy được năng khiếu bẩm sinh, có vốn đời, vốn nghề, vốn chính trị xã hội... để sáng tạo ra tác phẩm đạt đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật. Bên cạnh đó, tạo mọi cơ hội và chăm sóc toàn diện để mỗi tác giả có quyền sáng tạo tự do, tự chủ để được mang phong cách cá nhân độc đáo, hữu ích, giá trị thẩm mỹ cao và hòa được vào dòng thị hiếu thẩm mỹ của khán giả.

 Tôi tự hào mình làm nhiều phim về Hà Nội được khán giả yêu mến, như Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùa ổi, Đừng đốt và hiện đang làm Hoa nhài. Tất cả đều ra đời từ trăn trở, thôi thúc của bản thân. Mỗi người sáng tác nên đặt cảm xúc của mình lên trên hết, đừng chờ đợi được “cho”, được “cấp”. Tuy nhiên, muốn tạo được tác phẩm nghệ thuật hay, tác giả phải đi, quan sát, nắm bắt hiện thực và nung nấu phản ánh hiện thực ấy, khi nào đủ độ chín thì tự khắc ý tứ, câu chữ, phương pháp sẽ bật ra.

(NSND ĐẶNG NHẬT MINH)

 

NGUYỄN MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top