Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Con đường “bích họa Ngọc Linh” quảng bá du lịch

Thứ Tư 24/07/2019 | 10:54 GMT+7

VHO- Một con đường bích họa tái hiện cảnh đẹp, văn hóa của đồng bào dân tộc Xê Đăng, Ca Dong,… vừa chính thức hoàn thiện tại huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam). Độc đáo hơn khi điểm nhấn của con đường bích họa này chính là hình ảnh cây sâm Ngọc Linh-cây dược liệu đặc trưng của vùng núi rừng này.

Các em học sinh tham gia vẽ đường bích họa Ngọc Linh

 Đặc biệt hơn nữa, đường “bích họa Ngọc Linh” này được thực hiện bởi sự đóng góp của cán bộ, người dân và do chính các em học sinh, giáo viên trên địa bàn huyện thực hiện.

Mới mẻ với “đường bích họa”

Đường “bích họa Ngọc Linh” vừa hoàn thành nằm trên tuyến đường tại khu vực công viên khu dân cư trung tâm huyện Nam Trà My. Đây cũng là một trong những hoạt động điểm nhấn chuẩn bị cho Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 3 với chủ đề “Tỏa sáng Ngọc Linh” sẽ diễn ra tại huyện Nam Trà My từ ngày 1- 3.8. Đồng thời tạo thêm một điểm tham quan, vui chơi cho người dân và khách du lịch khi đến xứ sở sâm Ngọc Linh.

Đường “bích họa Ngọc Linh” Nam Trà My kéo dài 600 m với 32 bức tranh, mỗi bức cao 2,5 m, rộng 5 m, tái hiện những cảnh đẹp rừng núi Nam Trà My, biểu tượng văn hóa, thể hiện sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông nơi đây như: cồng chiêng, nhà sàn, thác nước, cây sâm Ngọc Linh… Điểm nhấn của con đường bích họa tập trung phản ánh việc trồng và phát triển các loại cây dược liệu, trong đó chú trọng về bảo tồn và phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Được biết, chi phí hoàn thành con đường này do cán bộ, nhân dân trên địa bàn đóng góp.

Theo thầy Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Trà Don (xã Trà Don, huyện Nam Trà My), ý tưởng về “đường bích họa Ngọc Linh” được các em học sinh và thầy cô của trường nhiệt tình hưởng ứng. Các em học sinh cùng giáo viên đã tham gia vẽ 2 bức tranh về tái hiện sinh hoạt cồng chiêng của đồng bào Ca Dong và trồng trọt ở miền núi. Thầy Chín cũng thông tin thêm, từ năm học 2016-2017, nhà trường đã tổ chức các buổi ngoại khóa nhằm trang bị kiến thức cơ bản về cây dược liệu, hướng dẫn học sinh nắm vững kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng, khai thác và bảo vệ nguồn giống các loại cây dược liệu đặc hữu của địa phương, nhất là sâm Ngọc Linh. Nhà trường đã hình thành được một khu vườn thực nghiệm phục vụ hoạt động dạy học với các loại cây dược liệu nổi tiếng địa phương như: sâm Ngọc Linh, quế, giảo cổ lam, đương quy…

Ngoài ra cũng tổ chức cho các em học sinh đi tham quan, học tập tại phiên chợ sâm núi Ngọc Linh được tổ chức trên địa bàn huyện. Việc trang bị kiến thức về trồng cây dược liệu dưới tán rừng là việc làm cần thiết cho thế hệ trẻ nhằm định hướng cho các em phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.

Góp phần quảng bá du lịch vùng sâm

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Trưởng ban tổ chức con đường “Bích họa Ngọc Linh” cho biết, các chủ đề thể hiện trên con đường bích họa rất đa dạng, không chỉ nhấn mạnh về quy trình trồng, phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam mà còn có rất nhiều nội dung phản ánh đời sống lao động, sinh hoạt của đồng bào nơi đây. Ý tưởng hình thành đường bích họa này cũng là một trong những hoạt động điểm nhấn chào mừng Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 3 với chủ đề “Tỏa sáng Ngọc Linh”.

Em A Thị Lang, một học sinh trường THCS Trà Don cho biết các bạn học sinh rất hào hứng với hoạt động này và cũng đang mong chờ được tham dự Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 3 chuẩn bị diễn ra trên địa bàn. Đây không chỉ là hoạt động văn hóa, góp phần tạo thêm một điểm đến mới cho du khách khi đến vùng miền núi này mà còn là sân chơi bổ ích để các em học sinh có điều kiện được tham gia, tìm hiểu và thể hiện tình yêu của mình đối với văn hóa, truyền thống của vùng đất Nam Trà My. Các em học sinh cũng thể hiện những tác phẩm với chủ đề, ý tưởng kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Nam Trà My.

Huyện Nam Trà My cũng đã tổ chức 2 lễ hội Sâm Ngọc Linh vào năm 2017, 2018 thu hút khá đông du khách và đồng bào dân tộc trên địa bàn cùng tham gia, giao lưu với nhiều hoạt động hấp dẫn, mới lạ mang đậm đặc trưng văn hóa vùng núi cao Quảng Nam.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết các lễ hội Sâm Ngọc Linh, các phiên chợ Sâm Ngọc Linh được tổ chức với kỳ vọng giới thiệu, đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, xứng tầm cây dược liệu của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời cũng là dịp để xúc tiến các hoạt động đẩy mạnh du lịch khu vực miền núi, quảng bá đặc trưng văn hóa truyền thống, sản phẩm du lịch, kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc,...

Qua đó tạo cầu nối để các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh về dược liệu và các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng tại Nam Trà My.

Được biết, huyện Nam Trà My cũng đang xây dựng quy hoạch phát triển Khu du lịch vùng sâm Nam Trà My nằm trên vùng núi Ngọc Linh, gồm 7 xã , có tổng diện tích tự nhiên 52.773 ha. Đây là khu vực nằm ngã ba giữa Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum, có dân số hơn 21.140 người, gồm các dân tộc Xê Đăng, Ca Dong và Kinh. Bên cạnh đó cũng chú trọng xây dựng các đề án về bảo tồn và phát triển làng nghề, bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa tộc người vùng sâm tại xã Trà Linh và Trà Don. Địa phương cũng đang tích cực xây dựng hình ảnh, quảng bá, cần chủ động đón đầu cơ hội về các dự án đầu tư, lồng ghép nguồn lực để kiện toàn hạ tầng, phát triển du lịch vùng sâm kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người, triển khai giải pháp du lịch thực tế ảo phát triển du lịch. 

 KHÁNH CHI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top