Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sân khấu cải lương nỗ lực làm mới: Phải làm cho khán giả... “say”

Thứ Hai 22/07/2019 | 10:52 GMT+7

VHO- Hàng loạt chương trình sân khấu cải lương đã và đang diễn ra trong tháng 7 này với nội dung và hình thức đa dạng cho thấy, loại hình nghệ thuật dân tộc này đang có những tín hiệu tích cực, đặc biệt là chương trình ngày càng được đầu tư công phu để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khán giả hiện đại.

 Biểu diễn Ca ra bộ tại chương trình “Cải lương - Trăm năm nguồn cội”

 Tối 20.7, tại rạp Công Nhân (quận 1, TP.HCM), Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã biểu diễn vở cải lương Tân anh hùng náo (tác giả, đạo diễn Bạch Mai) với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ Bình Tinh, Hoàng Đăng Khoa, Hoài Nhung, Thái Vinh, Bảo Ngọc, Bạch Lợi…

Khi sân khấu cải lương “phủ sóng diện rộng”

Vào tối 25 và 26.7, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt tái diễn kịch bản Chuyện tình Khau Vai (tác giả Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể và đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên, cố vấn nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu). Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Phượng Loan, Lê Tứ, Quế Trân, Quang Khải, Võ Minh Lâm, Lê Thanh Thảo, Linh Trung cùng các nghệ sĩ múa Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM, chương trình diễn ra tại Nhà hát Thành phố. Tiếp đó, tối 28.7 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Sân khấu Cải lương Chí Linh - Vân Hà sẽ công diễn vở tuồng cổ Đoàn Hồng Ngọc phá trận Thuận Dương (tác giả Quang Nhã, đạo diễn Chí Linh).

Tối 17 và 18.8, tại Nhà hát Bến Thành (quận 1, TP.HCM) sẽ diễn ra chương trình “Tài danh đất Việt” 3, trình diễn trọn vở tuồng Lan và Điệp, do NSƯT Thanh Kim Huệ và nghệ sĩ Chí Tâm biểu diễn. Đây cũng là lần đầu tiên hai nghệ sĩ sân khấu gạo cội thể hiện trọn vẹn hai nhân vật Lan và Điệp. So với phiên bản thu âm cách đây 45 năm, phiên bản 2019 vẫn hứa hẹn nhiều điều mới mẻ với sự kết hợp ê-kíp nghệ sĩ nhiều thế hệ ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh NSƯT Thanh Kim Huệ và nghệ sĩ Chí Tâm trở lại với vai diễn của mình, còn lại đều là các nghệ sĩ mới, như: NSƯT Trọng Phúc (ông Tú), nghệ sĩ Hồng Nga (bà Cử), NSƯT Thanh Điền (ông Phủ Trần), nghệ sĩ Thanh Hằng (bà Phủ Trần), nghệ sĩ kịch nói Hồng Đào (Thúy Liễu), nghệ sĩ hài Minh Nhí (Bếp Sạc)…

“Tài danh đất Việt” là chuỗi chương trình do nghệ sĩ Gia Bảo thực hiện từ năm 2015 với mong muốn giới thiệu lại với công chúng những vở cải lương được coi là kinh điển, được đông đảo khán giả yêu mến qua nhiều thế hệ. Trước Lan và Điệp, “Tài danh đất Việt” đã trình làng 2 vở cải lương Nửa đời hương phấn (diễn ra năm 2015) và Đời cô Lựu (năm 2018) với sự tham gia cộng tác của những nghệ sĩ tài danh như NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Minh Vương, NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Kim Tử Long. Nghệ sĩ Gia Bảo cho biết đưa chương trình “Tài danh đất Việt” trở lại lần nữa cùng những cải tiến với mong muốn đưa cải lương gần gũi hơn với khán giả trẻ, dù làm mới nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi.

Bắt buộc phải làm mới

Theo các đạo diễn, để đáp ứng nhu cầu khán giả giữa thời buổi nhiều loại hình nghệ thuật giải trí đa dạng như hiện nay, các vở diễn ngoài phát huy giá trị nghệ thuật đích thực, đầu tư nội dung kịch bản và diễn viên, còn phải có nét tươi mới, hấp dẫn, phù hợp với xu thế xã hội và con người hiện đại. Sự tươi mới đó thể hiện từ trong kịch bản, cách dàn dựng, trang trí sân khấu, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất… nhằm tạo sự hấp dẫn đối với khán giả. Soạn giả Hoàng Song Việt nói rằng, để hiểu khán giả hôm nay mong muốn điều gì ở sân khấu cải lương, rất cần thiết có một cuộc điều tra xã hội học. Bởi thực tế luôn có những ý kiến, nhận xét rằng sân khấu cải lương hôm nay cũ kỹ, lạc hậu. Vậy thì để tạo nên sức hấp dẫn cho sân khấu, người làm nghề bắt buộc phải đổi mới.

Thời gian gần đây, một số sân khấu xã hội hóa mạnh dạn bắt tay đầu tư và thực hiện các chương trình, vở diễn theo các phong cách khác nhau đã góp phần đem lại nhiều sự lựa chọn thú vị cho khán giả. Trong đó chương trình “Cải lương - Trăm năm nguồn cội” được coi là nỗ lực tích cực rất đáng ghi nhận. Đến thời điểm này, chương trình đã diễn ra được 3 suất trong tháng 7. Theo đánh giá, “Cải lương - Trăm năm nguồn cội” được thực hiện khá chỉn chu, nhằm tạo nên nét chấm phá giúp khán giả chưa biết nhiều về cải lương sẽ hiểu hơn về loại hình nghệ thuật độc đáo này, đặc biệt là hướng đến đối tượng khán giả trẻ. Khán giả lần lượt được thưởng thức bản chuẩn Dạ cổ hoài lang (nhạc sĩ Cao Văn Lầu), bài vọng cổ Hàn Mạc Tử (soạn giả Viễn Châu), trích đoạn 2 vở cải lương kinh điển Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang) và Câu thơ yên ngựa với lớp diễn Xử án Thượng Dương.

Đại diện Green Horizon, đơn vị tài trợ chương trình “Cải lương - Trăm năm nguồn cội” chia sẻ: “Mục tiêu chương trình là mong muốn khán giả hôm nay - nhất là các bạn trẻ có thể hiểu thêm về cải lương, yêu mến và quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Nhìn kinh nghiệm của những quốc gia đã phát triển, chúng tôi tin rằng trong một xã hội càng hiện đại với nhiều cơ hội tiếp cận các nền văn hóa khác nhau, nhu cầu tìm lại bản sắc văn hóa dân tộc là có thật. Trách nhiệm của chúng ta là khơi dậy, truyền cảm hứng để mọi người tìm về nguồn cội và có cơ hội trải nghiệm những giá trị văn hóa tốt đẹp”. Theo đó, chuỗi chương trình “Cải lương - Trăm năm nguồn cội” (tác giả kịch bản, đạo diễn Quang Thảo) gồm lược sử các bài Ca ra bộ, bản Dạ cổ hoài lang gốc, cùng hai trích đoạn Đời cô Lựu, Xử án Thượng Dương.

Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh như: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Việt Anh, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Vũ Linh, các nghệsĩ thuộc gia tộc Minh Tơ6 đời theo nghiệp hát nhưNSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương, Trinh Trinh, Điền Trung. Chương trình sẽ diễn phục vụ 10 suất, từ tháng 7 đến tháng 9 tại Nhà hát Bến Thành, quận 1, TP.HCM. 

 Nhìn kinh nghiệm của những quốc gia đã phát triển, chúng tôi tin rằng trong một xã hội càng hiện đại với nhiều cơ hội tiếp cận các nền văn hóa khác nhau, nhu cầu tìm lại bản sắc văn hóa dân tộc là có thật. Trách nhiệm của chúng ta là khơi dậy, truyền cảm hứng để mọi người tìm về nguồn cội và có cơ hội trải nghiệm những giá trị văn hóa tốt đẹp.

(Đại diện Green Horizon, đơn vị tài trợ chương trình “Cải lương - Trăm năm nguồn cội)

H’NHUNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top