Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khuyến nghị không đốt đồ mã, vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội: Nhiều “điểm nóng” đang dần hạ nhiệt

Thứ Hai 22/07/2019 | 10:30 GMT+7

VHO- Chưa đầy một tháng nữa là đến Rằm tháng Bảy, dịp thị trường vàng mã hoạt động sôi động nhất trong năm. Với nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo từ Bộ VHTTDL, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, cơ sở thờ tự, di tích…, việc hạn chế đốt đồ vàng mã ở nhiều nơi đã chuyển biến tích cực.

 Chùa Liên Hoa hơn 20 năm nay nói không với vàng mã

 Ghi nhận cho thấy thị trường vàng mã đã không còn sôi động như nhiều năm trước, các “điểm nóng” về đốt vàng mã, đồ mã cũng đang dần hạ nhiệt.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Cứ đến mùa Vu Lan báo hiếu (tháng Bảy Âm lịch), thị trường vàng mã lại trở nên đông đúc. Nhưng điểm khác biệt năm nay là việc đốt vàng mã đã giảm rất nhiều. Sau công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm ngoái, công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức trong nhân dân đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương, cơ sở thờ tự. Đây cũng là lý do dẫn đến những chuyển biến trông thấy trong hạn chế đốt vàng mã.

Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền vận động luôn là giải pháp không bao giờ cũ. Tại chùa Huy Văn (Hà Nội), nhà chùa đã dùng lời Phật dạy về luật nhân quả, làm lành lánh dữ, hành thiện tích phúc mới là cách để báo hiếu tổ tiên chứ không phải đốt nhiều vàng mã. Việc giáo hóa, phân tích, tuyên truyền, vận động nhân dân được cơ sở thờ tự này làm thường xuyên trong các buổi giảng pháp, hành lễ hay công tác phật sự. Thay đổi nhận thức đã khiến hầu hết phật tử và nhân dân khi đến chùa đã không còn mang theo vàng mã.

Cũng trên địa bàn Hà Nội, quận Tây Hồ với hàng chục ngôi chùa và hàng trăm di tích, cơ sở thờ tự, công tác tuyên truyền, vận động nhằm hạn chế đốt vàng mã đã được tích cực triển khai trong thời gian qua. Ủy ban MTTQ quận Tây Hồ đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân khi đến lễ các chùa, đình, đền, miếu, phủ không đốt vàng mã. Trưởng ban Công tác Mặt trận tại địa bàn dân cư tích cực tập hợp, tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện hạn chế, dần dần bỏ hủ tục đốt vàng mã, đặc biệt trong dịp tháng Bảy âm lịch.

Nằm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sôi động, đã hơn 20 năm nay, chùa Liên Hoa (phường 8 quận 11) đã kiên trì vận động nhân dân và bà con phật tử nói không với hành vi rải, đốt vàng mã, tiết kiệm hàng tỉ đồng để làm từ thiện, chăm lo những hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu, trong chùa để bảng “Không đốt vàng mã”, mưa dầm thấm lâu, đến nay chùa đã không cần để bảng thông báo. Phật tử đến chùa vẫn quán triệt chủ trương không đốt vàng mã ở đây.

Vung tiền đốt đồ mã, vàng mã có phù hợp với cuộc sống văn minh

Từ nhận thức đến hành động

Tại TP.HCM còn có nhiều cơ sở tôn giáo, gương điển hình vận động người dân và phật tử nói không với hành vi đốt vàng mã. Không ít vị Hòa thượng, tăng ni… luôn miệt mài vận động người dân dần dần loại bỏ những tập tục không còn phù hợp trong đời sống hiện đại. Lãnh đạo thành phố bên cạnh tuyên truyền còn tính đến các chính sách hỗ trợ những hộ dân mưu sinh bằng sản xuất vàng mã chuyển đổi ngành nghề để đảm bảo kế sinh nhai. Thiết nghĩ, đây là hướng đi thiết thực, cần được các địa phương triển khai nhân rộng.

Sự tích cực tuyên truyền đã tạo nên những thay đổi cơ bản, gốc rễ ngay trong nhận thức của chính người dân. Nhiều điểm nóng về đốt vàng mã ở các tỉnh, thành nhờ vậy cũng đang dần hạ nhiệt. Tại Khu di tích lịch sử văn hóa đình - chùa - Bia Bà (quận Hà Đông, Hà Nội), chính quyền địa phương mỗi năm đều có văn bản giao BQL di tích đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về việc cấm bày mã lớn tại khu di tích, dần dần việc này cơ bản đã không còn.

Đồng tình với quan điểm cho rằng bỏ tục đốt vàng mã để tránh sự lãng phí, bà Ngô Thị Oanh (phật tử chùa Thanh Nhàn, Hà Nội) cho rằng, để từ bỏ hoàn toàn hủ tục này, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức tiết kiệm, dùng tiền mua vàng mã cho các mục đích từ thiện. Những nơi thờ tự cần dẹp bỏ đài hóa vàng, có biển hướng dẫn phật tử đến lễ chùa không mua sắm, không đốt vàng mã. Chính quyền địa phương nơi có cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng mã cần vận động, hướng đến đẩy lùi sản xuất, kinh doanh vàng mã.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng trên thực tế, để loại bỏ việc đốt vàng mã tại nơi thờ tự là điều không dễ làm trong một sớm một chiều. Các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo đều cho rằng để chủ trương này đi vào cuộc sống, giải pháp cần tiếp tục đẩy mạnh và làm thường xuyên vẫn là tuyên truyền, vận động. Theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, địa bàn tập trung nhiều chùa chiền, đền, miếu… và tỉ lệ mua, đốt vàng mã hàng năm không hề nhỏ, trong những mùa lễ hội gần đây, vấn đề được tập trung là quản lý việc đốt vàng mã. Theo đó, lực lượng thanh tra liên ngành liên tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, biện pháp cốt lõi vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa và những nét đẹp văn hóa truyền thống, hiểu được đi lễ thế nào là đúng, là văn minh và văn hóa.

 HƯƠNG HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top