Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh: Làm gì khi tất cả đang là con số “0”?

Thứ Sáu 19/07/2019 | 10:41 GMT+7

VHO- Kể từ khi được thành lập cho đến nay Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (thuộc Cục MTNATL, Bộ VHTTDL) vẫn chưa “thụ lý” được vụ việc nào một cách chính thức và trọn vẹn. Công tác giám định thật - giả các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh bởi thế cũng đã không được lạc quan như kỳ vọng.

Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” được Hội đồng thẩm định xác định 17 bức tranh là giả

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MTNATL cũng phải thốt lên rằng: “Tất cả chỉ là con số 0”.

E dè, thiếu niềm tin

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MTNATL hé lộ, trong 11 tháng qua cũng đã có 7 vụ việc, đều là tác phẩm hội họa được đưa đến Trung tâm với mong muốn được các chuyên gia xác nhận là tác phẩm gốc. “Tuy nhiên, chỉ cần bằng mắt thì Chủ tịch Hội đồng đã xác định đó đều là tranh giả. Và như vậy thì không ai muốn nộp hồ sơ, mất chi phí để xin giám định nữa cho những tác phẩm giả đó nữa...”, họa sĩ Vi Kiến Thành kể.

Cục trưởng Vi Kiến Thành cũng chia sẻ, giám định tác phẩm mỹ thuật- nhiếp ảnh tại Việt Nam là công việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, chưa có máy móc trang thiết bị kỹ thuật. Tất cả chỉ là con số 0. Trong khi đời sống mỹ thuật và thị trường mỹ thuật trong nước đã bắt đầu phát triển, với các hoạt động giao lưu, trao đổi, mua bán kinh doanh tác phẩm ở trong và ngoài nước...

Các chuyên gia mỹ thuật Việt Nam khẳng định, nhu cầu giám định tác phẩm của các nhà sưu tập, các bảo tàng, của người chơi tranh, mua tranh, ảnh, của người kinh doanh, mua bán tác phẩm mỹ thuật- nhiếp ảnh là nhu cầu có thật và đang diễn ra hằng ngày. Mặc dù hiện nay môi trường hoạt động của công tác giám định còn rất e dè, thiếu tin tưởng với một tâm lý nghi ngờ, không ai phục ai luôn thường trực trong tâm thức của nhiều người.

Nhà sưu tập tranh Lê Hải Phong cũng chia sẻ, với đội ngũ sưu tập, đấu giá tranh, việc giám định thật- giả tác phẩm sẽ giúp chính tác phẩm đó có giá trị hơn rất nhiều, và bản thân các nhà sưu tập cũng rất tự tin để show tác phẩm mình được sở hữu, công việc mua bán nhờ thế cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhà sưu tập Lê Hải Phong cũng thừa nhận, thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện vẫn đang tồn tại như một... mớ bòng bong.

Theo ông Vi Kiến Thành, hoạt động giám định càng trở nên cần thiết để xác định tính nguyên gốc của tác phẩm, bản quyền tác giả trong các hoạt động mua bán kinh doanh, đặc biệt khi chúng ta đã tham gia vào thị trường chung và phải chấp nhận luật chơi của thế giới. Tuy nhiên, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giám định tác phẩm mỹ thuật đều là các đơn vị, tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân, không có nước nào công tác giám định tác phẩm mỹ thuật do cơ quan Nhà nước thực hiện. Việt Nam có lẽ là nước duy nhất trên thế giới công tác giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan Nhà nước thực hiện.

“Ba trở ngại lớn đang cản trở công tác giám định tác phẩm mỹ thuật- nhiếp ảnh tại Việt Nam hiện nay là: Thiếu các điều luật quy định về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật. Tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng. Các máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên dụng để thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật đều phải nhờ hoàn toàn vào con người và máy móc của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Đây là những trở ngại lớn không thể một sớm một chiều có thể khắc phục được...”, họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.

“Sự lừa đảo phổ biến nhất trong nghệ thuật là giả mạo tác phẩm, hoặc bán tác phẩm nghệ thuật với mục đích lừa gạt bằng cách gán nó cho một nghệ sĩ có tác phẩm được bán giá cao trên thị trường. Sự giả mạo có thể là hành động như thêm chữ ký trên tranh, thay đổi bản thảo. Các hành vi gian lận khác trong mỹ thuật còn là việc sao chép, vi phạm bản quyền, sử dụng trái phép tác phẩm của người khác...”, PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam liệt kê và nhận định, lợi ích kinh tế là động lực phổ biến nhất cho việc làm giả tác phẩm mỹ thuật.

Phó Giám đốc Bảo tàng lưu ý, khi xuất hiện nhu cầu về tác phẩm nghệ thuật của một hay một nhóm nghệ sĩ nhưng thị trường lại khan hiếm, đẩy giá trị tác phẩm lên cao thì sự gian lận rất có thể xảy ra. Việc phân biệt một tác phẩm nghệ thuật là đích thực hay giả mạo đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu sắc về lịch sử nghệ thuật và công việc của từng nghệ sĩ. Chính vì thế, nếu không thực hiện các bước cần thiết để xây dựng hồ sơ nghệ sĩ, trong đó xác định xuất xứ, nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật thì sẽ không thể tránh được việc tranh, tượng giả lưu hành trên thị trường, đồng thời không bảo vệ được giá trị các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ.

Không có thì thiếu, có lại... thừa?

Thành công của nhiều họa sĩ tên tuổi Việt Nam trên thị trường mỹ thuật trong nước và quốc tế thời gian qua đã không làm giảm bớt đi những lo lắng của người yêu nghệ thuật Việt Nam. Bởi lẽ, thị trường nghệ thuật Việt vẫn đầy rẫy các hiện tượng gian lận.

Một trong những nguyên nhân chính được nhận định là nhiều tranh của các họa sĩ không có đủ tài liệu để chứng minh là bản gốc. Việt Nam cũng chưa có phòng thí nghiệm để có thể phân tích các tác phẩm nghệ thuật, cơ sở dữ liệu về các vật liệu để các họa sĩ thường sử dụng trong giai đoạn trước để có thể phân tích, giám định tính xác thực của tác phẩm. Thực tế, nên lưu giữ những bản ghi chép tỉ mỉ về tác phẩm và nghệ thuật của người nghệ sĩ. Việc thiếu thông tin xuất xứ sẽ làm tăng nguy cơ mức phải tác phẩm giả mạo. Cũng có nghĩa, tài liệu về nguồn gốc tác phẩm có vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập tính xác thực, là bước đầu tiên phải tiến hành trong công việc giám định tác phẩm mỹ thuật .

Nhìn nhận từ một góc độ khác, nhà phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành chia sẻ, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật- nhiếp ảnh thật chẳng dễ dàng. Không có thì thiếu, đến khi có lại cảm thấy thừa. Mỗi khi có chuyện “đạo”, “nhái” là xã hội lại nổi lên bàn cãi. Đến khi Trung tâm giám định ra đời thì lại rất ít tổ chức, cá nhân nhờ tới. “Trung tâm giám định ra đời là một điều đáng mừng, song cũng không hoàn toàn kỳ vọng giám định mỹ thuật trở thành liều “thuốc đặc trị” với căn bệnh vi phạm bản quyền. Tại Việt Nam, giám định tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, nhiếp ảnh đang gặp nhiều khó khăn, vì bên cạnh đội ngũ chuyên gia, thiết bị kỹ thuật, khoa học - công nghệ, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quản lý nhà nước, lý lịch tác phẩm, bản quyền tác giả... Trong khi đó, hiện tượng tranh chấp là vấn nạn khó giải quyết, nhiều vụ việc liên quan đến xâm phạm bản quyền trong mỹ thuật đi vào chỗ bế tắc”.

Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, ông Nguyễn Thành chỉ thêm một mâu thuẫn: “Với nhiếp ảnh, mọi thắc mắc nhìn chung xoay quanh giá trị tinh thần nhiều hơn là giá trị kinh tế. Bởi rất ít nhà nhiếp ảnh sống được bằng nghề. Ít ai bỏ ra chục triệu để thẩm định bức ảnh của mình với giá 1 triệu đồng! Thị trường nhiếp ảnh thì èo uột, chưa sôi động. Giá trị bức ảnh tính bằng tiền không lớn nên việc bỏ tiền ra để thuê thẩm định rất hiếm hoi. Trong khi đó, việc xâm phạm bản quyền người ta rất dễ chứng minh và tự xử lý...”. 

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top