Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nhọc nhằn nghề cứu hộ bờ biển

Thứ Sáu 12/07/2019 | 11:29 GMT+7

VHO-  Để bảo đảm an toàn cho hàng triệu lượt khách thập phương từ mọi miền đất nước đến bãi biển Thùy Vân (TP Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) tắm biển, một đội lính cứu hộ bờ biển phải ngày đêm túc trực liên tục trong điều kiện ngồi trên cao dưới nắng rát bỏng và gió thổi mạnh để quan sát an toàn và sẵn sàng cứu nạn khi có người đuối nước. Với họ ngoài mưu sinh, còn có một niềm vui là mang lại sự hồi sinh cho những người gặp nạn trên biển.

 Cắm cờ báo nguy hiểm cho du khách tại bãi tắm Thùy Vân, Vũng Tàu

 Ngày trực trên đài cao

Một ngày làm việc cứu hộ bờ biển của anh Trần Văn Huỳnh bắt đầu từ hơn 4 giờ sáng bằng việc mặc áo phao bơi ra xa ở bãi tắm Thùy Vẫn để cắm cờ báo hiểm rồi bơi vào bờ mặc quần áo, trèo lên đài cao, phóng tầm mắt ra xa quan sát. Đồ nghề của anh là cái ống nhòm, nắm cơm hoặc cái bánh mì kẹp thịt, chai nước suối cho bữa trưa. Anh bảo: Nghề cứu hộ bờ biển cả ngày được ngắm biển, được ngồi trên trời và đón gió khơi, nhưng nỗi nhọc nhằn thì chỉ có biển mới hiểu hết được.

27 năm làm nghề cứu hộ bờ biển, anh Huỳnh chứng kiến hàng trăm vụ khách du lịch bị đuối nước, và không dưới 10 lần anh bế nạn nhân gặp nạn từ dưới biển lên bờ hô hấp nhân tạo đem lại sự hồi sinh cho họ. Anh Huỳnh kể, vào dịp 30.4 cách đây 3 năm trước, chính anh đã vớt được cháu trai 16 tuổi bị đuối nước ở bãi biển Thùy Vân.

Hôm ấy, khoảng 11 giờ trưa bãi tắm Thùy Vân đã vãn người. Như thường lệ, anh ngồi trên đài quan sát đưa ống nhòm “lướt” một lượt dọc bãi biển. Anh phát hiện một nhóm học sinh có 7 em tắm cách đó 300 mét. Bỗng ba em chạy ngược lên bờ kêu thất thanh: Cứu, cứu, có người đuối nước. “Tôi vội tụt xuống chạy nhanh ra chỗ các em rồi lao xuống biển. Lúc vớt được em ấy lên, người em mềm còn nóng. Tôi vác ngược đầu em chạy dọc bãi biển cho nước biển ọc ra. Chừng 10 phút thì em ấy sống lại”, anh Huỳnh nhớ lại.

Anh Huỳnh cho biết thêm, gần 30 năm làm nghề cứu hộ bờ biển, anh gặp nhiều trường hợp “không cứu thì dở, cứu thì bực”, nhưng đành “nén giận cứu người”. Người đến tắm biển đã rất đông lại nhiều đối tượng khác nhau. Đa số họ không hiểu về qui tắc an toàn biển, rất nhiều trường hợp say xỉn khi xuống biển. Có người bơi ra khỏi cột cờ đen báo hiểm, hoặc không mặc áo phao nhưng cứ bơi ra xa. “Gặp những trường hợp này, chúng tôi buộc phải bơi ra cứu họ đưa vào bờ và yêu cầu chấp hành nghiêm qui định. Có người say xỉn, khi nhắc nhở họ còn “sửng cồ”… đòi đánh. Lúc đó mình đành phải nén giận cứu lại để cứu họ đã, còn việc đúng sai tính sau”, anh Huỳnh chia sẻ. Theo anh Huỳnh, khó khăn nhất của việc cứu hộ bãi biển là tầm quan sát. Vào dịp lễ tết, bãi biển Thùy Vân người đông như kiến cỏ, ngồi trên đài cao cũng không thể nào quan hát hết hết được. Mặc dù được trang bị ống nhòm và các phương tiện phục vụ cho cứu hộ, song cũng không thể phát hiện được tất cả các vụ đuối nước. Có nhiều trường hợp đang tắm bỗng dưng “nổi hứng” do thách đố nhau, bơi ra xa và bị cuốn vào vùng nước xoáy mất tích. Những trường hợp như vậy không kịp trở tay. Ở trên cao, khi phát hiện có người bơi ra ngoài cột cờ đen báo hiểm là các anh tuýt còi và yêu cầu quay lại.

Khác với bãi biển Nha Trang hoẳm sâu độ dốc cao, bãi biển Vũng Tàu có độ thoải rộng nhưng có nhiều vũng xoáy đột ngột do sóng biển xoáy tạo thành. Theo anh Huỳnh, những trường hợp đuối nước dẫn đến tử vong thường bị hẫng chân vào “vùng lõm”. Theo qui định, những người tắm biển không được bơi qua cột cờ đen. Khi phát hiện có người đuối nước, bằng mọi cách phải cứu vớt, cấp cứu, hô hấp nhân tạo. Công tác bảo đảm cứu hộ cấp cứu tại chỗ cũng được bảo đảm thường xuyên như thuốc trợ lực, xe cấp cứu thường trực sẵn sàng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất nếu chẳng may có sự vụ xảy ra.

 Chòi cứu hộ bờ biển

Đêm tuần tra mép biển

Lực lượng cứu hộ ở bãi biển Vũng Tàu chia làm hai ca chính, ca trực ngày và ca trực đêm. Ông Đinh Văn Nhung, người có thâm niên cứu hộ ở bãi biển Thùy Vân hơn 30 năm và cũng ngần ấy thời gian ông đảm nhiệm trực đêm dọc bãi biển chia sẻ, khi màn đêm buông xuống, đứng trên bờ kè nhìn ra biển tối đen như mực, song thực tế vẫn có người tắm dưới biển, hoặc những người yêu nhau ra đây đi dạo: “Có rất nhiều sự cố bất ngờ xảy ra, có khi do giận hờn trong tình yêu họ cũng sẵn sàng ra biển tự tử. Có lần tuần tra, tôi phát hiện đôi trai gái cãi nhau kịch liệt. Bạn trai đòi ra biển tự tử, trong khi bạn gái hết sức kéo tay lôi vào bờ. Lúc đó tôi yêu cầu lên bờ ngay lập tức và gọi điện lực lượng tăng cường. Cũng có trường hợp, thanh niên đem đồ ra bãi biển nhậu rồi mâu thuẫn đánh nhau cầm giao gọt xoài đuổi nhau chạy tán loạn. Trường hợp này, chúng tôi tăng cường lực lượng, vừa khuyên ngăn, vừa áp dụng biện pháp dẫn giải vào bờ kè, lập biên bản”, ông Nhung cho biết.

Tiêu chuẩn để vào nghề cứu hộ bờ biển, theo ông Nhung, phải là người bơi giỏi, gan dạ, dũng cảm và có sức khỏe cực tốt. Ngoài ra, cũng không phải là “típ người” nóng giận, biết kìm chế. Dọc bãi biển có 7 đơn vị kinh doanh du lịch biển như Khu du lịch Dic Group, Intourco, Biển Đông, Nghinh Phong, Tháng Mười, Bimexco, Vũng Tàu Paradise. Ở đây có nhiều loại hình khách sạn, nhà hàng; khách sạn lưu trú, nhà hàng kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng kinh doanh ăn uống, các bãi tắm biển. “Vì làm trong ngành du lịch, nếu nổi nóng thì ai còn đến với mình nữa. Tiêu chí của chúng tôi là “bãi tắm sạch, đẹp, an toàn, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, ông Nhung, nói

Thành phố Vũng Tàu có trên 12 km bãi tắm từ Mũi Nghinh Phong đến bãi tắm Long Cung phục vụ cho khách du lịch. Để đáp ứng bảo vệ phải có hơn 100 nhân viên cứu hộ, ấy là chưa kể đến lực lượng cứu hộ di động ở Bãi Trước, Bãi Dứa, Bãi Nhái (Phường 11). Riêng dọc bãi biển từ mũi Nghinh Phong đến cuối bãi tắm Thùy Vân, luôn túc trực 30 nhân viên sẵn sàng cứu hộ cứu nạn. Do không đủ nhân lực nên có nhân viên phải trực đến 12 giờ/ ngày. Những người làm ca đêm thì thay phiên nhau thức tuần tra dọc bờ biển. Với họ dù ngồi trên đài cao dưới nắng chang chang cháy da cháy thịt và gió biển rát mặt hoặc tuần tra biển đêm đều nguy hiểm, nhưng họ vẫn yêu nghề, yêu đời. Bởi, ngoài mưu sinh, họ còn có một niềm vui chưa bao giờ vơi cạn là mang lại sự hồi sinh cho những người gặp nạn trên biển. 

 

 Từ Mũi Nginh Phong đến bãi tắm Paradise có hơn 6 km đường biển nhưng chỉ có 30 nhân viên thay nhau trực cứu hộ cứu nạn. Hành trang của chúng tôi là ống nhòm, cơm nắm, đèn pin và nước đá. Thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, tết, nhìn gia đình họ vui vầy trên bãi tắm, mình cũng chạnh lòng lắm, nhưng gắn bó với nghề riết rồi quen. Ngoài sinh sống, làm nghề này cũng có niềm vui nữa, là thường xuyên được ngắm biển. Mỗi lần cứu được một người không may đuối nước sống lại, là niềm vui lớn nhất. Coi như mình làm nghề cũng là làm phúc.

(Ông Đinh Văn Nhung, nhân viên cứu hộ bãi biển Thùy Vân, TP Vũng Tàu)

 

MẠNH TUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top