Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Người dân tiếp tục chặn xe chở rác thải vào bãi rác Nam Sơn (Hà Nội): Chính quyền thất hứa?

Thứ Tư 03/07/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- Tối ngày 1.7, hàng chục người dân thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội) chặn đường không cho xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn). Đến hôm qua 2.7, khi phóng viên Văn Hóa có mặt tại đây, người dân vẫn căng lều bạt để chặn xe. Nguyên nhân được cho là chính quyền địa phương thất hứa trong việc di dời người dân nơi đây ra khỏi vùng ảnh hưởng của bãi rác.

Người dân thôn Đông Hạ dựng lều chặn xe chở rác

 Theo đó, hàng chục người dân thôn Đông Hạ tập trung phía tỉnh lộ 35, cổng sau hướng vào bãi rác Nam Sơn để chặn đường, không cho xe chở rác từ trung tâm thành phố Hà Nội vào bãi rác này. Người dân bức xúc cho biết thành phố Hà Nội chậm giải phóng mặt bằng, di dời người dân trong khu vực 0 - 500m xung quanh bãi rác ra khỏi vùng ảnh hưởng. Bãi rác thải ngày càng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, ngấm vào nguồn nước… khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng trầm trọng. Ông Long, một người dân tại thôn Đông Hạ cho biết, đầu năm vừa rồi, lãnh đạo huyện Sóc Sơn có làm việc với các hộ dân và đã có cam kết rằng sẽ giải tỏa, di dời, hỗ trợ người dân trong quý II/2019, nếu trong quý II/2019 huyện chưa thực hiện chi trả tiền cho các hộ dân thì sẽ chịu trách nhiệm trước thành phố Hà Nội. Do đó, đến ngày 1.7, hết thời hạn như lãnh đạo huyện Sóc Sơn cam kết, người dân nơi đây chưa được hỗ trợ nên họ ngăn không cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn để gây áp lực.

Theo người dân nơi đây, cơ quan chức năng và huyện Sóc Sơn nhiều lần hứa hẹn nhưng chưa thực hiện tiến độ giải phóng mặt bằng, đền bù để những người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn di dời khiến người dân bức xúc. Trước đó, năm 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về đối thoại với người dân và hứa đến cuối năm 2018 sẽ di dời toàn bộ những hộ dân trong vùng ảnh hưởng 0 - 500m ra nơi khác. Tuy nhiên đến nay, chưa có hộ dân nào được đến nơi ở mới?

UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo huyện Sóc Sơn và các Sở ngành liên quan phối hợp, từng bước tháo gỡ, lắng nghe và giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người dân cũng như đảm bảo công tác vệ sinh môi trường của thành phố. Dự kiến sẽ có cuộc đối thoại giữa người dân khu vực xung quanh bãi rác Nam Sơn và UBND huyện Sóc Sơn cùng các Sở, ngành liên quan trong thời gian tới.

Trước thông tin bãi rác Nam Sơn bị chặn, nhiều người lo ngại khu vực nội thành Hà Nội lại ùn ứ rác, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, ngay sau khi có thông tin xe rác bị chặn đường vào Nam Sơn, Công ty đã bố trí rác từ 4 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa đến các điểm tập kết tại Cầu Diễn, Lâm Du. Công ty cũng đã có phương án xử lý rác trong thời gian chờ bãi rác Nam Sơn hoạt động bình thường, đồng thời khuyến cáo trong thời gian này, các cá nhân, tổ chức hạn chế xả thải rác để tránh quá tải rác cho Thủ đô. Cũng theo Urenco, tại 4 quận nội thành, phía Công ty có 2 bãi tập kết rác thải tạm thời, nên trước mắt tình hình vệ sinh môi trường của thành phố vẫn được đảm bảo. Song, nếu sự việc này kéo dài thì chắc chắn việc thu gom rác, đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện Hà Nội mỗi ngày có khoảng 6.200 tấn rác thải sinh hoạt trong khi nhiều bãi chứa rác thải đã quá tải. Lượng rác của Hà Nội mỗi ngày chuyển lên bãi rác Nam Sơn luôn ở trên mức 4.000 tấn, có thời điểm lên tới 6.000 tấn. Nếu không giải quyết kịp thời và dứt điểm việc hỗ trợ, di dời người dân xung quanh khu vực bãi rác Nam Sơn, thì bãi rác này thành “con tin” trong việc gây áp lực để đòi hỏi quyền lợi vẫn còn tiếp diễn và nguy cơ Hà Nội ngập tràn rác thải do không có chỗ chứa lại tiếp tục hiện hữu.

  Trong khi người dân thôn Đông Hạ lập rào ngăn xe rác thì sáng qua, người dân thôn Liên Xuân (xã Nam Sơn) trong khu vực chịu ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn đã đến nhà văn hóa của thôn để nhận tiền đền bù việc thu hồi đất nông nghiệp. Anh Linh, một người dân tại thôn Liên Xuân cho biết, gia đình anh bị thu hồi hơn 1000m2, cả hoa màu và đất được đền bù hơn 760 triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ. “Sau khi được hỗ trợ di dời cũng như về tài sản, nhà cửa, gia đình tôi sẽ nhanh chóng tìm nơi ở mới. Chứ sống chung với mùi hôi của rác như thế này chúng tôi chịu hết nổi rồi”.

HOÀNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top