Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khuyến nghị không đốt đồ mã, vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội: Không thể bao biện “trần sao âm vậy”

Thứ Tư 26/06/2019 | 10:26 GMT+7

VHO- “Đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm”, nhưng chỉ là sử dụng như những đồ dâng cúng mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật. Cho nên, sự xuất hiện của những mặt hàng vàng mã biến tướng và cách bao biện “trần sao âm vậy”, suy cho cùng chỉ là sự lệch lạc, biến tướng về nhận thức”. PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã nhìn nhận như vậy.

Đồ mã cỡ khủng vẫn thường xuyên bủa vây tại di tích đền Bảo Hà (Lào Cai)

Cấm hoàn toàn là không khả thi, nhưng…

Gần đây, chúng ta bắt gặp nhiều trên thị trường những mặt hàng vàng mã như bikini, giày cao gót, điện thoại, iPad, nhà lầu xe hơi, thậm chí cả ô sin... bằng mã... Thực tế này một phần thể hiện sự phát triển của đời sống kinh tế, mặt khác cũng cho thấy thực trạng vàng mã bị lạm dụng, biến tướng. Mùa lễ hội năm 2018, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng, tuyên truyền hạn chế đốt vàng mã ở các chùa, từ đó phần nào tác động hạn chế đến các đền, phủ thì hiện tượng đốt đồ mã, vàng mã đã giảm tương đối nhiều. Nhưng cùng với đó lại là hiện tượng biến tướng đồ vàng mã, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức của người dân.

Tuy nhiên, để việc khuyến nghị người dân hạn chế sử dụng vàng mã tràn lan đạt hiệu quả, tôi cho rằng cần nhìn nhận lại gốc rễ của tập tục này. Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt, được coi như một phương tiện kết nối giữa cõi dương và cõi âm, một cách thức để con người bày tỏ hiếu đễ đối với tổ tiên và thần linh. Việc làm vàng mã cũng được xem như một nghề truyền thống, đem lại công việc và thu nhập cho nhiều người dân. Tuy vậy, việc đốt vàng mã cũng có những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều. Thứ nhất, nó tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc. Thứ hai, việc đốt vàng mã tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan. Thứ ba, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích; dễ gây cháy nổ ở các nơi đốt vàng mã; Thứ tư, việc dùng tiền để mua vàng mã quá nhiều ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Khi tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại, với một số nghi lễ trong tín ngưỡng có sử dụng nhiều loại đồ mã khác nhau, thì việc vận động hạn chế sử dụng đồ mã nhiều cũng gặp khó khăn nhất định. Việc dâng đồ mã thể hiện một phần đức tin trong thực hành thờ Mẫu. Theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, mọi cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, thực hành nghi lễ tín ngưỡng. Việc thay đổi thói quen cần có sự vận động để người dân tự nguyện làm theo. Dù vậy, việc vận động này cần có thời gian, cần có sự chung sức của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là từ các phương tiện truyền thông để thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của người dân. Bên cạnh đó, vì đây là một tập tục ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên các cơ quan quản lý của ngành văn hóa đều ý thức rằng việc cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã là không khả thi. Chính vì vậy, những nỗ lực của ngành là hướng vào việc hạn chế đốt vàng mã cũng như qui định việc đốt vàng mã ở đúng nơi, đúng chỗ. Tôi cho rằng với sự vào cuộc quyết liệt của xã hội, việc làm gương của các cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức và tất cả người dân, những thói quen không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay sẽ thay đổi theo hướng tích cực, lành mạnh.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam)

“Cứ đà này khéo còn “hóa” cả chung cư, biệt thự...”

Quan niệm “trần sao âm vậy” để dâng cúng và đốt vàng mã tràn lan chỉ xuất hiện từ thời kỳ đổi mới và ngày càng phát triển, khi đời sống kinh tế của người dân trở nên sung túc, dư dả. Thời kỳ đầu đổi mới, khi kinh tế chưa phát triển mạnh, việc đốt vàng mã cũng chỉ ở mức vừa vừa, với một số mặt hàng phổ biến như tiền vàng, quần áo, kính, xe đạp, cối ăn trầu.... Cho đến gần đây mới xuất hiện cơ man các loại đồ mã, vàng mã như nhà lầu, xe hơi, ti vi, điện thoại, thậm chí cả những mặt hàng mà có khi xem bày ngoài đường cũng thấy... “ngại” như đồ bikini, tiền thì cũng phải tiền đô la... Và nếu cứ suy nghĩ trên dương gian có gì thì dưới cõi âm cũng phải đủ đầy như thế thì đà này, có khi người ta đốt cả chung cư, biệt thự đến tàu vũ trụ bằng vàng mã cũng nên.

Tất cả biểu hiện này đều cho thấy những quan niệm sai lầm, lệch lạc. Việc đốt ồ ạt nhiều mặt hàng vàng mã cũng một phần bộc lộ tính biểu hiện của đẳng cấp. Nhiều gia đình giàu có còn đốt cả tạ vàng mã mỗi lần. Theo các nhà nghiên cứu, tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), một năm có đến 300 tỉ đồng được hóa ra tro. Không ít người làm ăn, buôn bán, mang tâm lý vay- trả đến đền và hóa cả xe tải đồ vàng mã, trị giá cả chục triệu đồng. Tình trạng này không hiếm ở nhiều ngôi đền khác. Thậm chí, ở nhiều điểm di tích, trước đây chỉ đốt ngựa mã tượng trưng thì nay, cả đàn ngựa mã cỡ lớn, kích cỡ như thật được xếp hàng chờ hóa, điển hình như tại đền Bảo Hà (Lào Cai).

Sự vào cuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ mùa lễ hội năm trước đã mang lại nhiều chuyển biến. Tuy nhiên để có thể vận động người dân dần hạn chế, không sử dụng những đồ mã biến tướng hoặc không đốt với quy mô lớn, dần dần đẩy lùi sử dụng vàng mã tràn lan thì cũng cần có nhiều thời gian. Tôi cho rằng không nên vì tâm lý xem việc đốt vàng mã là tập tục tín ngưỡng của người dân mà e ngại khi vận động, khuyến cáo cũng như đưa ra các chế tài quản lý. Ví dụ như với việc hạn chế đốt vàng mã ở các điểm di tích thì cần gắn với trách nhiệm của BQL di tích cũng như cán bộ văn hóa tại địa bàn đó. Cùng với đó là việc vận động, khuyến nghị, tác động để thay đổi tâm lý của người dân. Về lâu dài, sau vận động thì còn là những biện pháp, chế tài xử phạt. Nếu cứ nói chung chung mà thiếu định hướng, thiếu chế tài thì những chuyển biến tích cực, rõ nét sẽ còn rất xa.

Một giải pháp khác là cần phát huy sức mạnh truyền thông, bao gồm cả tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng lẫn mạng xã hội. Khi dư luận lên án việc lạm dụng, biến tướng tục đốt vàng mã thì chắc chắn chúng ta sẽ có thể đẩy lùi được. Ví dụ như việc sản xuất cả bikini bằng mã, nguyên nhân cũng vì không hiểu hết được tập tục, quan niệm từ xa xưa của người Việt là sự kín đáo, tế nhị. Tâm lý thời mở cửa, từ kín đáo chuyển sang khoe khoang, cởi mở quá trớn không thể từ cuộc đời thực mà đưa vào đời sống tâm linh, càng không được đưa đến các di tích đình, đền, chùa... Do vậy, trước khi có chế tài để điều chỉnh những hành vi lệch lạc thì dư luận xã hội sẽ là phương thức điều chỉnh khả thi, hiệu quả.

(TS. TRẦN HỮU SƠN, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)

 QUẢNG NINH: Giảm tình trạng đốt vàng mã

Hơn một năm sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra công văn khuyến nghị không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, tình trạng đốt vàng mã tại nhiều địa phương, điểm di tích đã chuyển biến tích cực. Tại Quảng Ninh, công tác tuyên truyền được thực hiện rộng rãi. Nhờ vậy, thực tế được ghi nhận trong thời gian qua ở các chùa lớn tại Quảng Ninh, điển hình như chùa Đồng (Yên Tử) là việc sử dụng nhiều vàng mã đã giảm hẳn so với mọi năm. Khu vực hóa vàng cũng thưa vắng, không có cảnh chen lấn chờ đến lượt để hóa vàng. B.NGÂN

RẰM THÁNG BẢY: Thị trường vàng mã dự kiến không còn tất bật

Sau công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc hạn chế đốt vàng mã đã tác động mạnh đến nhận thức người dân. Rằm tháng Bảy năm trước, tình trạng này giảm mạnh. Năm nay, thị trường vàng mã trong dịp này cũng dự kiến sẽ không còn sôi động như nhiều năm trước. Nhiều làng nghề sản xuất vàng mã cho biết sức tiêu thụ đồ vàng mã từ mùa Vu lan năm trước đã giảm mạnh và năm nay cũng không ngoài dự kiến đó. Mặc dù vậy, thực trạng được ghi nhận ở những làng nghề này vẫn là sự đa dạng của các mặt hàng bắt đầu rục rịch được sản xuất để phục vụ lễ Vu lan, phổ biến như ti vi, tủ lạnh, xe máy, ô tô, bình nóng lạnh... bằng mã.

H.PHƯƠNG

 

 PHƯƠNG ANH (thực hiện)

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top