Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Gỡ khó” cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

Thứ Hai 22/04/2019 | 11:00 GMT+7

VHO- Hội nghị tập huấn trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng triển khai Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) tổ chức cuối tuần qua.

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, nhấn mạnh trước Nghị định 166, khi thực thi các văn bản pháp luật về tu bổ di tích… đã giúp cộng đồng nâng cao nhận thức để tham gia tích cực trong từng dự án quy hoạch tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Trước đây, trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, người dân thường có xu hướng làm mới, đưa thêm các yếu tố không phù hợp vào di tích. Nhưng đến nay, những hiện tượng này đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, còn có những thời điểm do công tác quản lý về hoạt động tu bổ di tích chưa được chặt chẽ, hệ thống các văn bản pháp luật chưa đầy đủ, thực tế có nhiều bất cập nảy sinh… đã dẫn đến nhiều sai phạm trong hoạt động tu bổ di tích. Năm 2018, nổi lên nhiều vụ việc sai phạm trong lĩnh vực này ở các địa phương như Hà Nội, An Giang, Ninh Bình… hầu hết là các công trình trùng tu với nguồn vốn đầu tư tu bổ là xã hội hóa.

Nhắc lại những câu chuyện khi triển khai tu bổ di tích tại một số nơi, khi cán bộ triển khai biện pháp nối vá chân cột để không phải thay thế mà vẫn đảm bảo giữ được yếu tố gốc của di tích thì chính cộng đồng địa phương lại phản đối cho rằng cán bộ bớt xén nguyên vật liệu, đồng thời yêu cầu phải thay thế cột mới. “Thực tế đó đòi hỏi các chuyên gia phải tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để nhân dân hiểu và đồng thuận. Bên cạnh đó, việc thực thi các văn bản pháp luật cần luôn theo sát thực tiễn, hoàn thiện để nâng cao chất lượng công tác tu bổ, tôn tạo di tích…”, ông Hùng nhấn mạnh.

Giới thiệu về Nghị định 166, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết, Nghị định 166 thay thế Nghị định số 70/2012/ NĐ-CP với một số điều khoản có sự đổi mới, bổ sung, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động tu bổ di tích. Ông Trần Đình Thành nhấn mạnh, Nghị định 166 ngay trong tên gọi đã bổ sung cụm từ “thẩm định” so với Nghị định 70. Tại Nghị định, việc lập quy hoạch di tích được quy định rõ ràng: Quy hoạch di tích được lập cho một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.

Đáng chú ý, trường hợp di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt đồng thời có khu vực bảo vệ là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu du lịch quốc gia, rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển thì chỉ lập một quy hoạch di tích, trong đó lồng ghép nội dung giữa bảo vệ di tích với bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên địa chất, địa mạo, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản và quy định pháp luật khác có liên quan.

Liên quan đến việc lập quy hoạch di tích, Nghị định 166 cũng đưa ra quy định mới, theo đó, trường hợp di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh, phân bố trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên, căn cứ vào việc phân bố điểm di tích có giá trị quan trọng, tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định việc chọn UBND cấp tỉnh chủ trì chịu trách nhiệm lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch di tích đó.

Liên quan đến những nội dung của Nghị định 166, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa lưu ý thêm, Nghị định 166 kế thừa và bổ sung Nghị định 70, những yếu tố rườm rà được bỏ bớt, những nội dung chưa rõ được cụ thể hóa hơn. Đáng chú ý là nội dung giải quyết vấn đề về thủ tục, thẩm quyền trong Nghị định 166 so với Nghị định 70 đã được cụ thể hơn nhiều. Qua đó, chất lượng hoạt động tu bổ di tích tại các địa phương được kỳ vọng sẽ được nâng cao, cũng như nhiều vấn đề còn khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ.

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top