Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Sốt ruột” khi lượng khách Trung Quốc sụt giảm mạnh

Thứ Sáu 19/04/2019 | 10:12 GMT+7

VHO- Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đã sụt giảm trong 4 tháng liên tục khiến những người làm du lịch lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng chung của toàn ngành.

Mấy tháng gần đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore… đều đang chứng kiến sự giảm sút lượng khách Trung Quốc, nguồn khách lớn nhất của khu vực và thế giới.

Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng bị

Kể từ tháng 12.2018 đến nay, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam liên tục giảm, cụ thể tháng 12.2018 giảm 2%, đạt 405.000 lượt; tháng 1.2019 giảm 10,7% đạt 405.500 lượt; tháng 2.2019 đạt 516.300 lượt, tăng 6,8%. Nhưng tính chung 2 tháng đầu năm 2019 giảm 1,3% so với cùng kỳ, đạt 889.900 lượt. Đáng lo ngại nhất là tháng 3.2019 khách Trung Quốc giảm sâu tới 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 319.000 lượt; tính chung 3 tháng giảm 5,6%, đạt 1.281.000 lượt.

Khách Trung Quốc sụt giảm có thể làm ảnh hưởng tới tăng trưởng chung Ảnh: A.T

Tại Singapore, khách Trung Quốc giảm 12% trong tháng 11 và 3% trong tháng 12.2018. Nhưng trong khu vực ASEAN, du lịch Thái Lan mới như “ngồi trên lửa” vì khách Trung Quốc gần như chạm đáy. Năm 2017, Thái Lan đã đón khoảng 10 triệu lượt du khách từ Trung Quốc đại lục, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng du khách nước ngoài đến nước này trong năm. Thế nhưng kể từ tháng 6 đến tháng 12.2018, lượt khách Trung Quốc đến nước này giảm liên tục. Khách Trung Quốc thậm chí còn có phần hoảng sợ khi tháng 7.2018 vụ lật phà ở Phuket (Thái Lan) đã khiến hơn 40 du khách người Trung Quốc tử vong. Ở Chiang Mai, một điểm đến du lịch nổi tiếng phía bắc Thái Lan, nhiều khách sạn nhỏ đã được rao bán vì cung vượt quá cầu, khách vắng hơn nhiều so với trước.

Giới chức Thái Lan hiện đang lo ngại bởi du khách Trung Quốc chính là nguồn thu ngoại tệ chính của ngành Du lịch, lĩnh vực chiếm khoảng 1/5 GDP của quốc gia này. Chính phủ Thái Lan ước tính du khách Trung Quốc đóng góp khoảng 1/3 trong tổng số chi tiêu 65 tỉ USD của du khách nước ngoài tại nước này trong năm 2018. Các tổ chức du lịch Thái Lan còn kêu gọi Chính phủ tạm thời cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần hoặc miễn thị thực cho du khách Trung Quốc để không mất thị trường lớn nhất thế giới này vào tay nước khác.

Trước tình hình khách du lịch Trung Quốc sụt giảm, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã đưa ra nhiều giải pháp để khôi phục thị trường Trung Quốc và mở rộng các thị trường mới. Từ 1.2 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã bổ sung 35 quốc gia vào danh sách các quốc gia có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử, trong đó có Brazil, Mexico, Qatar, Bỉ, Thụy Sĩ, Áo, Iceland, Monaco; công dân mang hộ chiếu Hồng Kông, hộ chiếu Macau, không áp dụng với công dân mang hộ chiếu phổ thông điện tử Trung Quốc... Như vậy cho đến nay, Việt Nam đã thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân 81 quốc gia.

Trong khi đó, Campuchia cũng đã tuyên bố rằng họ sẽ sớm cấp thị thực nhập cảnh nhiều năm cho người Trung Quốc và Hàn Quốc (thông tin theo báo cáo của CGTN- kênh tin tức tiếng Anh quốc tế thuộc tập đoàn Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc). Có thể nói, trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia có ngành Du lịch phát triển mạnh nhất, chuyên nghiệp nhất. Năm 2018, nước này đã đón 38 triệu khách du lịch quốc tế. Để tăng cường thu hút khách du lịch nước ngoài, tháng 1.2019, quốc gia này đã gia hạn miễn lệ phí 2.000 baht (tương đương 64 USD) cho khách du lịch đến từ 21 quốc gia và khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ và Ả Rập Saudi. Và nhiều chuyên gia du lịch vẫn cho rằng triển vọng dài hạn của ngành Du lịch ở Đông Nam Á là rất lớn. Đại diện Tổng cục Du lịch Singapore vẫn rất lạc quan về Trung Quốc và khẳng định: “Chúng tôi vẫn thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với du lịch nước ngoài của người Trung Quốc, đặc biệt là từ các thị trường mới nổi”.

Hiện tại mới chỉ có 9% người Trung Quốc có hộ chiếu, cho thấy rất nhiều cơ hội cho tăng trưởng vì người Trung Quốc không có quá nhiều lựa chọn. Báo cáo của Maybank chỉ ra: Trung Quốc và Đông Nam Á cần phải mở rộng công suất sân bay. Bên cạnh đó, Đông Nam Á có thể thu hút du khách từ các thị trường lớn như Ấn Độ.

Nguyên nhân do kinh tế?

Du lịch là một ngành rất quan trọng đối với nền kinh tế Đông Nam Á. Năm 2018, tổng số khách quốc tế đến 6 quốc gia hàng đầu Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) đã đạt 120 triệu lượt người và khoảng 20% trong số đó là người Trung Quốc. Không cần bàn cãi, sự bùng nổ du lịch quốc tế từ thị trường Trung Quốc đã là một cú hích cho “ngành công nghiệp không khói” này ở Đông Nam Á trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, về lâu dài, để có sự tăng trưởng bền vững, các nước ASEAN cần phải đa dạng hóa nguồn khách du lịch, phát triển các thị trường mới, thị trường xa, có tính ổn định, mức chi tiêu cao và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nguyên nhân lượng khách du lịch Trung Quốc sụt giảm ở nhiều nước được các chuyên gia đánh giá là do nền kinh tế trong nước sụt giảm, căng thẳng thương mại với Mỹ và nền kinh tế chững lại khiến người Trung Quốc ngày càng ngại đi nghỉ lễ, tết và đi du lịch mà thay vào đó là lựa chọn những điểm nghỉ dưỡng hợp túi tiền. Năm 2018, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong gần 3 thập kỷ và các nhà kinh tế học dự đoán sẽ còn sụt giảm mạnh hơn vào năm nay, một phần do mức chi của người tiêu dùng giảm.

Ctrip (Ctrip.com International, Ltd.) là nhà cung cấp dịch vụ du lịch của Trung Quốc bao gồm đặt chỗ ở, bán vé vận chuyển, tour du lịch đóng gói và quản lý du lịch của công ty, thành lập vào năm 1999, hiện là công ty du lịch trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc cho biết: Có 4 điểm đến phổ biến nhất của người Trung Quốc hiện nay là Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia và Singapore, đều nằm cách Bắc Kinh hoặc Thượng Hải trong vòng 7 giờ bay. Việt Nam năm 2018 đón xấp xỉ 5 triệu lượt khách Trung Quốc trong tổng số trên 15,5 triệu lượt khách quốc tế nhưng không nằm trong danh sách này.

Trong khi đó, lượng người Trung Quốc đến Mỹ cũng giảm mạnh kể từ khi căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington leo thang. Australia và New Zealand, những năm trước là điểm đến được người Trung Quốc yêu thích vào mùa hè, thì nay cũng ít mặn mà hơn, gần đây có mức giảm từ 1,6- 4,4%.

Một số doanh nghiệp cho rằng, ngành Du lịch Việt Nam cần theo sát những diễn biến lên xuống của thị trường Trung Quốc để có những giải pháp, ứng phó kịp thời, đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến để khôi phục thị trường này sớm nhất. Vì rất có thể, sự sụt giảm liên tục trong những tháng qua là dấu hiệu cho thấy thị trường Trung Quốc sẽ sụt giảm trong năm 2019, làm ảnh hưởng đến mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế mà ngành Du lịch đã đặt ra. 

THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top