Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phát triển du lịch ồ ạt có thể làm tổn thương di sản

Thứ Tư 17/04/2019 | 10:06 GMT+7

VHO- Hội thảo “Du lịch Quảng Ninh- Vươn tầm di sản” do UBND tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội các Tổ chức Dịch vụ Phát triển Kinh doanh Việt Nam (VABO) phối hợp tổ chức sẽ diễn ra vào 19.4 tại FLC Hạ Long.

Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên du lịch nổi trội và đặc sắc nhất cả nước. Không chỉ có di sản- kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, khu di tích- danh thắng Yên Tử nổi tiếng, nơi đây còn có hơn 600 di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh khác, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt.

 Khách du lịch thăm làng chài Vung Viêng trên vịnh Hạ Long

Làn sóng đầu tư vào du lịch di sản

Chỉ tính riêng di sản văn hóa phi vật thể, Quảng Ninh có trên 360 di sản, trong đó có 76 lễ hội dân gian truyền thống. Các lễ hội này diễn ra hằng năm gắn với di tích, khu di tích và tập trung từ tháng Giêng cho đến tháng Ba âm lịch, trải dài khắp các địa phương trong tỉnh. Các lễ hội gắn liền với các khu di tích, danh lam thắng cảnh văn hóa này đã thu hút rất đông du khách thập phương đến tham quan. Trong đó, khu di tích văn hóa danh thắng Yên Tử đã trở thành điểm đến hấp dẫn, hành trình không thể thiếu của du khách, phật tử trong và ngoài nước khi đến với Quảng Ninh.

Là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả rõ rệt. Bên cạnh đó, di sản văn hóa ở Quảng Ninh đã trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn để khai thác phục vụ du lịch. Thực tế phát triển thời gian qua ở Quảng Ninh cho thấy, di sản văn hóa là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế. Đây cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh. Di sản văn hóa cũng là môi trường tương tác và là những trải nghiệm đáng giá cho du khách, qua đó trở thành tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch. Cũng chính sức cuốn hút ấy của di sản văn hóa đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào du lịch di sản, những dòng khách du lịch tấp nập đổ về tham quan. Điều đó mang lại không chỉ những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về kinh tế- xã hội, mà còn bảo tồn chính di sản văn hóa.

Tuy nhiên, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản nên quá trình phát triển du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát ở một số di tích đang có không ít những tác động tiêu cực về nhiều mặt. Việc khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về lượng khách, lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản... làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, sai lệch giá trị… Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó đang đe dọa tới tính nguyên vẹn của di sản.

Khách du lịch thích thú khi được làm nông dân ở làng quê Yên Đức (Đông Triều)

Xây dựng thương hiệu du lịch dựa trên giá trị nổi bật về di sản

Hiện nay, để phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, bên cạnh làm tốt công tác bảo tồn, Quảng Ninh đã tập trung khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của địa phương để xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch với đặc thù, cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Quảng Ninh dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống địa phương. Đồng thời phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu di tích đúng quy cách sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch có chiều sâu và bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành Du lịch cũng như vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Các chuyên gia văn hóa, du lịch cũng cho rằng, từ những kinh nghiệm quốc tế và trong nước, Quảng Ninh cần nhận định rõ đâu là tiềm năng lợi thế to lớn, đâu là khó khăn thách thức để lựa chọn cách thức hành động phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp cho kinh tế xanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch xanh. Ông Singo Sato, chuyên gia JICA (Nhật Bản), một trong những thành viên đang thực hiện Dự án Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực Vịnh Hạ Long, Quan Lạn (Vân Đồn) gợi ý: “Quảng Ninh nên cân bằng giữa bảo tồn di sản và du lịch. Nhiều vùng biển đảo của Quảng Ninh vẫn còn lưu giữ nhiều di sản giá trị về đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư, cảnh quan, phong tục tập quán, sản xuất lao động...”

“Thực tế cho thấy, không chỉ say đắm cảnh đẹp ở mảnh đất này, du khách trong và ngoài nước còn rất thích thú với các chương trình du lịch trải nghiệm giá trị lễ hội, khám phá đời sống dân đảo. Vì thế trong Dự án, chúng tôi mong muốn hỗ trợ người dân bản địa sử dụng, phát huy nguồn lực, các giá trị văn hóa nguyên gốc, giá trị lịch sử... để hình thành sản phẩm du lịch. Tôi cho rằng gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa tuyệt vời này chính là tạo nguồn nguyên liệu để phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc. Ở chiều ngược lại, du lịch sẽ giúp gìn giữ tốt hơn giá trị nguyên gốc của di sản văn hóa cộng đồng”, ông Singo Sato nói.

Những dự án, chương trình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa làng chài trên vịnh Hạ Long nhiều năm qua cũng đã tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Ở những chương trình này, có thể phát huy chính những giá trị văn hóa của ngư dân như: Chèo thuyền nan, trưng bày về đời sống ngư dân vạn chài, nuôi cá lồng bè để du khách trải nghiệm, khách du lịch làm ngư dân, nhặt rác trên vịnh... Những việc làm đơn giản, gần gũi thường ngày nhưng có một sức hút vô cùng lớn khi du khách tới tham quan làng chài Vung Viêng và trở thành một phần trong chương trình tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long và quan trọng hơn, nó sẽ góp phần nâng cao đời sống cho dân cư, cộng đồng.

 THU NGUYÊN - NGUYỄN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top