Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bén duyên hiếm hoi giữa cải lương với tuồng qua Trung thần

Thứ Tư 17/04/2019 | 09:52 GMT+7

VHO- Một vở tuồng về đề tài lịch sử với trình thức quen thuộc trong tuồng nhưng khán giả bị cuốn theo vở tuồng Trung thần với những cảm xúc đầy tươi mới, thời sự. Trung thần đã tái hiện đầy thuyết phục về hình tượng tả quân Lê Văn Duyệt lẫm liệt. Bao nhiêu nước mắt đã rơi, bao nhiêu tràng pháo tay đã vang khắp khán phòng biểu diễn...

Mạnh dạn mời NSND Hoàng Quỳnh Mai, một đạo diễn tài năng của sân khấu cải lương dàn dựng cho sân khấu tuồng, một mảnh đất vốn coi là lãnh địa riêng cho thấy sự cầu thị, mong muốn phá cách của Nhà hát Tuồng Việt Nam. “Lần đầu bén duyên với tuồng nên chỉ có thể nói hai tiếng “tuyệt vời”. Tôi đã thực sự có thêm trải nghiệm và tự tin khi dàn dựng cho sân khấu tuồng bởi tài năng và nhiệt huyết của một thế hệ nghệ sĩ thành danh cũng như diễn viên trẻ của Nhà hát Tuồng VN. Thật mừng khi tuồng đã chấp nhận một đạo diễn ngoại đạo và các nghệ sĩ đã hợp sức cho tôi được thoả sức sáng tạo với đầy sự dữ dội, mạnh mẽ của nghệ thuật tuồng”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.

 Cảnh trong vở “Trung thần “

Có thể khẳng định Trung thần là một vở tuồng hay, vừa duy trì được những trình thức của tuồng truyền thống nhưng có một cách làm rất mới, rất hiện đại ngay từ người viết, người dựng và cả người diễn. Kịch bản mà tác giả Hoa Hạ viết vốn là của sân khấu cải lương, tác giả Từ Hải Thành đã chuyển thể sang tuồng đã đẩy chất bi ai, trữ tình của cải lương sang chất bi hùng. Vở diễn ca ngợi tả quân Lê Văn Duyệt, một trung thần nhà Nguyễn có nhiều công lao đóng góp cho đất nước. Trung thần trong vở không chỉ được hiểu theo nghĩa trung với vua mà là trung với sơn hà xã tắc, trung với lợi ích của nhân dân. Trong vở tuồng, những tấm gương trung thần như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành… vì lợi ích của sơn hà xã tắc, của nhân dân mà gánh chịu bao sóng gió, thậm chí đã phải lấy cái chết để phản kháng, chống lại cái ác, cường quyền…

Ở vở diễn này, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã bám rất chắc những đặc trưng của tuồng truyền thống và áp dụng khéo léo tạo không gian và cả thời gian đầy sáng tạo. Sân khấu mang tới một không gian tả ý khi xử lý như một ngai vàng với bốn chiếc chân, ngai vàng và bệ ngai vàng. Khi bốn chiếc chân ngai vàng tượng trưng cho các vị tướng, các trung thần, khi chân ngai vàng không vững chính là lúc triều đình xuất hiện sự thoái hoá ăn chơi. Bệ đỡ của chiếc ngai vàng tượng trưng cho sức mạnh của nhân dân. Hình ảnh những người dân đầu đội bệ rồng gợi tới ẩn ý về những công sức xương máu của nhân dân dựng lên những người lãnh đạo phải luôn ghi nhớ chèo thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân.

Người xem cảm nhận được nhiều trình thức biểu diễn của tuồng như tính ước lệ tượng trưng, vũ đạo tuồng truyền thống nhưng cũng có nhiều nét diễn hiện đại để phù hợp với thẩm mỹ của người xem hôm nay. Đó chính là những điệu múa Khmer Nam Bộ hay cách hát buông câu nhả chữ rất rõ lời không còn khó nghe như tuồng cách nay 50 năm về trước.

Trung thần là một vở tuồng đề tài lịch sử cách đây gần 200 năm, tuy nhiên vở diễn vẫn tươi mới thời sự bởi những bài học cho hậu thế hôm nay. Ồng Triệu Đình Vũ, một khán giả chia sẻ: “Chúng tôi đã được xem một vở tuồng được dàn dựng công phu, mãn nhãn. Cảm ơn các nghệ sĩ đã cho khán giả được một bữa tiệc thật là thịnh soạn và sang trọng. Vở diễn đã nêu được một thông điệp rất thời sự đó là bài học quản trị đất nước”. Thành công của vở diễn cũng phải nói đến dàn diễn viên trẻ đẹp nhiệt huyết của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Những nhân vật chính trong vở tuồng đều là các nghệ sĩ trẻ có độ tuổi dưới 35 đảm nhiệm. Trong khi đó các nghệ sĩ “gạo cội”, thành danh lại đóng những vai diễn phụ, người lính, thậm chí làm chân hậu đài bê vác, diễn bọc lót cho lớp trẻ. Trung thần có sự góp mặt của lứa diễn viên trẻ vừa tốt nghiệp lớp diễn viên và nhạc công trong dự án đào tạo, bồi dưỡng nghệ thuật nhân lực của Nhà hát do Bộ VHTTDL phê duyệt. Sự xuất hiện này càng khẳng định sự vững vàng của Nhà hát trong việc chấn hưng loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Trung thần là vở diễn sẽ tham gia Liên hoan sân khấu Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc tại Thanh Hóa vào tháng 5.2019 và cũng là công trình nghệ thuật hướng tới lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Tuồng Việt Nam. 

Lần đầu bén duyên với tuồng nên chỉ có thể nói hai tiếng “tuyệt vời”. Tôi đã thực sự có thêm trải nghiệm và tự tin khi dàn dựng cho sân khấu tuồng bởi tài năng và nhiệt huyết của một thế hệ nghệ sĩ thành danh cũng như diễn viên trẻ của Nhà hát Tuồng VN. Thật mừng khi tuồng đã chấp nhận một đạo diễn ngoại đạo và các nghệ sĩ đã hợp sức cho tôi được thoả sức sáng tạo với đầy sự dữ dội, mạnh mẽ của nghệ thuật tuồng.

(Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai)

 

 THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top