Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hoạt động design tại Việt Nam: “Cái áo” của mỹ thuật dường như quá chật

Thứ Hai 15/04/2019 | 10:16 GMT+7

VHO- Thiết kế chưa thể hiện tính ứng dụng, sự tương tác giữa design với xã hội còn mờ nhạt, đào tạo chưa thích ứng nhu cầu phát triển,… là thực tế được các chuyên gia, giới nghiên cứu mỹ thuật nhận định tại hội thảo quốc tế về sáng tác nghệ thuật và thiết kế, tổ chức tại Trường ĐH Văn Lang vào cuối tuần qua.

 TS nghệ thuật học Đỗ Lệnh Hùng Tú, Trưởng khoa Design, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cho rằng, trong thời đại hôm nay, “cái áo” của mỹ thuật dường như quá chật chội. Để tồn tại và phát triển, nghệ thuật tạo hình thế giới đều đang tự làm mới mình. Sự thay đổi trong sáng tạo không ngừng của nghệ thuật đương đại lại luôn đòi hỏi “mối liên kết, hợp tác giữa các lĩnh vực khác nhau để tạo ra những giá trị mới”.

Sinh viên ngành mỹ thuật vẽ tranh trong một chuyến khảo sát thực tế

Cần một tổ chức “cầm trịch”

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa nghệ thuật, quan điểm nghệ thuật phương Đông và phương Tây cũng đã xích lại gần nhau hơn, chịu sự ảnh hưởng của nhau. Sự chuyển động, biến đổi, biến động của hiện thực đất nước trên tất cả các lĩnh vực rất lớn, mau lẹ, phức tạp và khó lường, là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự lúng túng, nhiều lúc bối rối của lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật. Vấn đề hiện nay là ứng xử của chính chúng ta khi xử lý khéo léo, hài hòa giữa câu chuyện quản lý và khuyến khích nghệ thuật mới phát triển, đồng thời có thể khách quan đánh giá thực trạng, dự báo sớm những xu hướng biến chuyển không ngừng và đa dạng của nghệ thuật đương đại trước muôn vàn tác động của cơ chế thị trường hiện nay”, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú tâm tư.

Các chuyên gia mỹ thuật nhận định, ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, các hoạt động xã hội xuất hiện ngày một nhiều và đều hướng đến những mục tiêu tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội. Trong khi các ngành design còn non trẻ, chưa thể hiện được tính ứng dụng thực tế một cách hiệu quả, các hoạt động đào tạo về design thì có nhưng tương tác với xã hội còn mờ nhạt.

Theo họa sĩ thiết kế Nguyễn Trọng Thái, trong những năm gần đây, thế hệ các nhà thiết kế trẻ cũng bắt đầu dấn thân vào nhiều hoạt động có chiều sâu chuyên môn, có bản sắc và mang lại nhiều lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn rất cần một tổ chức “cầm trịch” uy tín và có khả năng tập hợp tài năng và tâm huyết của các nhà thiết kế Việt cho những mục tiêu quy mô, dài hơi, để góp phần quan trọng, làm thay đổi nhận thức xã hội trong những vấn đề gay gắt của Việt Nam hiện nay, như bạo lực học đường, sức khỏe sinh dục, bình đẳng giới, ô nhiễm môi trường, đó cũng là sứ mệnh nghề nghiệp mà mỗi nhà thiết kế đã được đặt để.

 Họa sĩ vẽ tranh tại một trại sáng tác trong hai ngày 10-12.4.2019

Chỉ thi vẽ thôi chưa đủ

Theo nhiều chuyên gia, môi trường giáo dục Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, chưa có tầm nhìn toàn diện, các hoạt động thiết kế chưa gắn kết với thực tế xã hội. Rất khó để xác định được vị trí Design Việt Nam khi chỉ chú trọng đến đào tạo theo lối làm nghề, giải quyết một số kỹ năng hay làm nghề thiết kế để có lợi nhuận mà không thúc đẩy được xã hội phát triển.

Ông Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường ĐH Văn Lang đánh giá, nhìn chung các trường đào tạo có liên quan tới ngành thiết kế ở Việt Nam đều đưa ra một số môn học có liên quan đến lĩnh vực social design (thiết kế xã hội), nhưng hầu hết còn đơn lẻ, chưa coi là trọng tâm, vì thế người học cũng không thấy được nhiệm vụ và vai trò của mình trong quá trình hoạt động, xây dựng nền tảng phát triển Việt Nam trước xu hướng toàn cầu hóa.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư yêu cầu các trường đưa vào giảng dạy kiến thức về môi trường và con người. Khoa Mỹ thuật Trường ĐH Văn Lang cũng đã triển khai từ vài năm nay, nhưng thực chất để đẩy mạnh lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn.

Bàn về tình trạng thất nghiệp khi ra trường của sinh viên ngành design hiện nay, TS Nguyễn Dũng, Trường ĐH Văn Lang phân tích, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có nguyên nhân do lỗi đào tạo của nhà trường. Về chương trình đào tạo, kỹ năng mềm chưa đủ tốt nhưng kiến thức nền và kỹ năng cứng cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, phương thức đào tạo chưa gắn với thị trường. “Thử lấy ngành Thiết kế công nghiệp làm ví dụ. Các trường chủ yếu dạy về mỹ thuật mà thiếu phần kỹ thuật nên khi tiếp xúc với không gian “Mỹ thuật công nghiệp” sau khi tốt nghiệp, người lao động bộc lộ năng lực không rõ ràng, khả năng giải quyết vấn đề kém”, TS Dũng nói. Ông cũng cho rằng thiếu hụt phần kiến thức nền về khoa học xã hội, khoa học nhân văn cũng làm giảm khả năng nhạy bén phát hiện vấn đề của cộng đồng, của xã hội dẫn đến ý tưởng sáng tạo nghèo nàn. Cũng do kiến thức nền tảng không đầy đủ nên khả năng tự học bị hạn chế, khó thích nghi và theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, một chuyên gia cho rằng, hiện nay phương thức tuyển sinh của các trường đối với các ngành cơ bản là giống nhau. Với nhóm ngành năng khiếu, thêm điều kiện xét tuyển bằng điểm thi các môn Vẽ. Đây là cơ sở quan trọng để xét tuyển, tuy nhiên chưa đủ. Theo đó, khả năng quan sát nhận thức các vấn đề thực tế của cộng đồng có thể trở thành một tiêu chí để chọn lựa người học, đặc biệt với nhóm ngành Mỹ thuật công nghiệp…

Hiện một số trường ĐH Việt Nam đã mạnh dạn đưa những hình thức xét tuyển đặc thù. Ví dụ xét tuyển thông qua bài tập vẽ cá nhân do thí sinh tự tập hợp và nộp cho nhà trường. Nếu chuyển bài tập vẽ cá nhân này theo hướng trình bày ý tưởng thiết kế, khả năng nhận thức vấn đề thiết kế,… sẽ rộng đường hơn cho thí sinh. Đồng thời, phương thức này thể hiện định hướng đào tạo kết nối gắn chặt với cộng đồng từ khâu tuyển sinh, cũng đồng nghĩa đặt một nhịp cầu nối thú vị với phụ huynh và thí sinh, cho họ cái nhìn thực tế hơn về viễn cảnh nghề nghiệp, bước ra khỏi vùng định kiến rằng trong thời đại công nghiệp, các ngành “năng khiếu, nghệ thuật” khó tìm việc làm, khó làm ra tiền, thiếu thực tế…

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top