Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Trùng tu hay "bê tông hóa" di tích?

Thứ Hai 15/04/2019 | 10:47 GMT+7

VHO- Cùng với tình trạng nhiều di tích quốc gia ở Bến Tre bị xuống cấp nghiêm trọng và mất trộm như đã phản ánh, trong chuyến đi thực tế mới đây chúng tôi còn ghi nhận thấy việc trùng tu di tích ở một số nơi không đúng chuyên môn, thậm chí cẩu thả. 

 Đáng nói hơn là có những di tích bị "rớt hạng" chỉ vì trùng tu sai quy cách, phá vỡ kiến trúc gốc, làm mất giá trị di tích. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở tỉnh Bến Tre… 
Nhếch nhác 
Đình Tân Hoa ở xã Tân Hòa, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long), là di tích có kiến trúc rất độc đáo và cổ kính, đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1998. Tuy nhiên, thay vì bảo quản nguyên trạng kiến trúc, thì tất cả các cột đình nơi đây đã bị sơn dầu bóng mới tinh, làm mất đi yếu tố gốc. Cũng tại di tích này, quần áo phơi đầy bên trong, sát khu vực thờ tự làm mất đi tính nghiêm trang của một cơ sở tín ngưỡng. 
Tại đình Bình Hòa, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) được xếp hạng quốc gia năm 1993 cũng có tình trạng dán chữ trực tiếp lên các cột, tấm hoành như vậy. Ngoài ra, trong quá trình trùng tu (năm 2012-2013), nhiều thợ thi công đã viết số lên các tấm hoành, liễn và long trụ bằng loại bút mực không xóa được, trông rất nhếch nhác. 

 Treo quần áo ở trong khu vực di tích Quốc gia đình Tân Hoa, Vĩnh Long

Đáng nói hơn, có một số di tích, khi tiến hành trùng tu, họ đã dùng bê tông thay luôn cho các cột, kèo, đòn tay bằng gỗ. Một cán bộ thuộc Ban quản lý di tích tỉnh Bến Tre cho hay, đình An Hiệp (huyện Châu Thành) có kiến trúc gỗ đã được đưa vào kế hoạch để xếp hạng, nhưng khi đến khảo sát thì đã bị bê tông hóa tất cả, họ làm xi măng giả gỗ, nên không còn giá trị nữa. “Đặc biệt ở đình Phú Thuận, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, trong dự án khảo sát ban đầu thì đình này đủ tiêu chí xếp hạng cấp quốc gia, nhưng đến khi khảo sát lại lần nữa thì đã bị bê tông hóa nhà võ ca, làm di tích bị biến dạng, vì thế mà từ kế hoạch xếp hạng cấp quốc gia chỉ được xếp hạng cấp tỉnh”, cán bộ này cho biết đang làm hồ sơ xếp hạng cho di tích này. 
Tại di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Mỹ Lương, huyện Cái Bè (Tiền Giang) công trình đang trùng tu được khoảng 2/3, dự kiến hoàn chỉnh vào tháng 11 năm nay, chúng tôi nhận thấy nhiều chi tiết sau khi sơn vẽ lại thì không còn những đường nét tinh xảo, bay bổng như các bức tranh gốc trước đây. Một cán bộ của Ban quản lý di tích tỉnh Tiền Giang cho hay, đơn vị thi công họ chống chế rằng đợi một thời gian sau nước sơn xuống màu thì sẽ… trông như cũ. Tại di tích cấp quốc gia này, chúng tôi quan sát thấy những thợ thi công đã dùng tấm liễn xưa và các cột kê ra… lót đường đi. 
Cho tiền tu sửa nhưng đã làm biến dạng di tích 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc trùng tu không đúng chuyên môn, thậm chí thay đổi cấu trúc thờ tự trong các di tích này là do có một số nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí và bắt phải sửa chữa theo ý họ, chẳng những không bảo tồn và phát huy được giá trị mà còn làm biến dạng, phá vỡ kiến trúc. Đơn cử như tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có khá nhiều di tích được một số người đến hỗ trợ tiền, nhưng yêu cầu đình vẽ lại các hoa văn, họa tiết, sơn son thếp vàng theo màu sắc hiện đại, nhưng không còn giá trị cổ kính. 
Theo một chuyên gia ngành di sản, có một số di tích được sơn son thếp vàng theo lối ngày xưa rất đẹp, mặc dù cũ kỹ nhưng đó là di tích từ hàng trăm năm không phai màu, mang đậm dấu ấn thời gian, còn giờ đây đã bị sơn mới trông rất sặc sỡ, lòe loẹt. “Cũng không thể trách bởi vì những người trông coi các đình hầu hết trình độ còn hạn chế, khi có ai đó tài trợ cho một, hai trăm triệu để sơn lại vậy thì họ nghĩ là làm mới sẽ đẹp hơn, nhưng không biết rằng như vậy là mất đi giá trị. Điển hình như đình Phú Thuận bị sơn son thếp vàng mới toanh rất chói chang, mây cũng bị sơn trắng, trong khi kiến trúc cũ là hoa văn mây thôi, họ đã cho di tích khoác áo mới kiểu này trông rất ngô nghê”, vị chuyên gia này phân tích.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Trưởng ban Ban quản lý di tích tỉnh Bến Tre thừa nhận có tình trạng này xảy ra, có di tích ban quản lý nắm được thông tin thì họ đã làm rồi, không kịp trở tay, trong đó có những di tích đã xếp hạng nhưng họ cho là sửa chữa nhỏ nên không cần phải báo cáo lên cơ quan quản lý. Còn những di tích chưa được xếp hạng hoặc chuẩn bị xếp hạng thì họ sửa chữa vô tội vạ không kể hết. Ông Nguyễn Văn Hùng cho hay, đình Lộc Thuận ở huyện Bình Đại - di tích cấp tỉnh, là một trong số ít di tích được ngăn chặn kịp thời khi có người tài trợ kinh phí nhưng đòi hoán đổi trình tự thờ cúng trong đình. “Vị này đã cho đình bảy tám trăm triệu đồng, rồi đề nghị phá vỡ kiến trúc cũ làm lại: thứ nhất là chánh điện phải sửa lại để thờ Hùng Vương, còn ông thần trong đình đang thờ ở chánh điện thì đưa xuống nhà tiền giảng, mấy ông đang thờ nhà tiền giảng thì đưa xuống nhà ăn… Trường hợp này huyện mới điện thoại lên xin ý kiến Ban quản lý di tích, nhờ vậy chúng tôi đã kịp thời ngăn chặn”. 
Theo một cán bộ quản lý di tích, những đình mà được cho tiền đầu tư rất phức tạp, họ cho tiền rồi bảo làm theo ý, trong khi làm theo ý thì phá vỡ yếu tố gốc, phá vỡ cấu trúc đình, làng Nam bộ truyền thống. Ông Dương Hùng Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Tiền Giang, nói rằng hiện nay các địa phương đều gặp khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa để trùng tu cho đình. “Ví dụ đình Hòa Khánh ở huyện Cai Lậy đang cần sửa chữa, trùng tu chánh điện, đây là công trình rất quy mô nhưng kêu gọi bấy lâu nay chưa có. Có một mạnh thường quân nói dỡ đình ra đi rồi họ cho 500 triệu đồng để sửa, nhưng với điều kiện là phải làm theo ý ông, nghĩa là thay mới mấy tấm hoành bằng bê tông, với lý do là tấm cũ đã bị mối mọt hết, tất nhiên chúng tôi không đồng ý”, ông Dũng kể. 
Ông Nguyễn Văn Hùng bức xúc nói rằng, việc cho tiền trùng tu nhưng bắt phải làm như vậy là phá vỡ di tích, phá đi yếu tố gốc của nó. Cho tiền để trùng tu không đúng cách thì khác gì là phá hoại, làm cho di tích lệch lạc, xấu đi, không còn giá trị cổ kính xưa. 

 TÙNG THƯ 
 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top