Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những ngày làm thư ký đề án xây dựng hồ sơ quốc gia “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”

Chủ Nhật 14/04/2019 | 08:00 GMT+7

VHO-Niềm vui của tôi như vỡ òa, sống mũi cay cay và những giọt nước mắt như chực trào ra khi ông chủ tịch cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ gõ chiếc búa chính thức thông qua hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 18 giờ 09 phút (tức 12 giờ 09 phút giờ Paris) ngày 06 tháng 12 năm 2012.

Những kỷ niệm từ đó cứ dần hiện về!

9 giờ sáng ngày mùng 2 tết năm Canh Dần (tức ngày 2 tháng 1 năm 2010), trong tiết trời se lạnh của không khí đầu xuân, như mọi người khác, tôi còn đang ngái ngủ khi cả ngày mùng 1 mải đi chơi tết thì chuông điện thoại reo. “Ông chuẩn bị báo đáp công lao với quê cha đất tổ đi nhé”, ông Viện trưởng Nguyễn Chí Bền nói ngay khi tôi vừa nhấc máy. “Ông chuẩn bị soạn thảo văn bản đề cương đề án tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ông làm thư ký cho dự án này!”. Đó là xuất phát điểm của một chặng đường gian khổ mà vinh quang!

Giờ khắc thiêng liêng

Thật ra câu chuyện thực hiện hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng đã được manh nha từ khá lâu khi lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tỏ rõ sự quyết tâm nâng tầm Lễ hội Đền Hùng. Tuy nhiên, qua một số lần tổ chức hội thảo và thảo luận với các chuyên gia, rõ ràng, việc tập trung vào duy nhất lễ hội Đền Hùng hay không gian văn hóa vùng Đất Tổ có thể không thuyết phục được UNESCO trong việc công nhận di sản đại diện của nhân loại, do tổ chức này rất chú trọng đến những di sản phi vật thể xuất phát từ cộng đồng, do cộng đồng gìn giữ, bảo vệ và tổ chức. Những lần đi họp cùng ông Viện trưởng, đặc biệt là những lần nói chuyện với Frank Proschan cũng giúp tôi ý thức rõ hơn về vấn đề này. Vì thế, khi soạn đề án, câu đầu tiên mà tôi nghĩ tới và mong muốn biến thành ý chủ đạo cho tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ cũng Hùng Vương là câu ca dao:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giổ Tổ mùng mười tháng ba

Như thế, tôi muốn thể hiện ngay trong phần đặt vấn đề của đề án là lễ hội Đền Hùng nói riêng hay tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung có tầm quan trọng đối với cả dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện sâu sắc, tập trung nhất văn hóa tâm linh của người Việt và là kết tinh sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, và thờ Hùng Vương được xem là quá trình tín ngưỡng hóa chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam qua hàng chục thế kỷ.

Đoàn Việt Nam đón nhận tin vui

Phần đề cương dự án được thực hiện nhanh chóng nhờ kinh nghiệm của tôi khi tham gia những đề án trước của Viện trình UNESCO như đề án hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, dân ca Quan Họ Bắc Ninh hay không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Sau khi xong, tôi gửi đề án cho chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (lúc đó là Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng) sửa, và sau đó gửi cho ông Viện trưởng thông qua lần cuối, để hoàn tất cả thủ tục ban đầu.

Vào ngày 06 tháng 4 năm 2010, UBND tỉnh Phú Thọ làm việc với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam chính thức lần đầu tiên về các thủ tục tiến hành thực hiện hồ sơ. Trong cuộc họp, bà Nguyễn Thị Kim Hải (lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh) tỏ rõ sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc đưa tín ngưỡng và lễ hội Hùng Vương (tên gọi theo mong muốn lúc đó) vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo bà Hải, UBND tỉnh Phú Thọ sẽ làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để Bộ giao Viện phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện hồ sơ này. Lúc đó, tuy là lần đầu tiên tiếp xúc, nhưng bà Hải đã cho tôi thấy một con người hết sức quyết tâm, quyết liệt và hiểu biết trong công việc. Chính sự quyết tâm của bà Hải là những tín hiệu tốt lành và khả quan cho việc hoàn thiện hồ sơ một cách nhanh chóng.

Sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ được thể hiện nhiều lần qua các cuộc họp. Ngay sau khi Chính phủ có công văn  đồng ý giao Bộ phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện hồ sơ, ngày 14 tháng 9 năm 2010, cuộc họp đầu tiên của cơ quan tư vấn và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ được tổ chức. Ngay trong buổi làm việc đầu tiên này, Chủ tịch Ủy ban Nhân tỉnh Phú Thọ lúc đó, ông Nguyễn Doãn Khánh đã thể hiện quan điểm: Ba trọng tâm mà tỉnh Phú Thọ đang thực hiện là: 1. Đưa quốc giỗ trở lại đúng vị trí của nó; 2. Xây dựng Đền Hùng ở qui mô xứng đáng với tầm vóc của nó; 3. Công nhận giá trị di sản văn hóa thế giới cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ông nhấn mạnh, tỉnh Phú Thọ mong muốn và quyết tâm thực hiện hồ sơ di sản này. Đây là việc làm cho cả nước (chứ không riêng gì Phú Thọ), và vì cả nước, Phú Thọ hứa sẽ làm hết mình vì mục tiêu lớn của dân tộc. Hay trong lần họp Ban Chỉ đạo thực hiện hồ sơ lần thứ 2 ngày 25 tháng 01 năm 2011, ông Hoàng Dân Mạc, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, nhấn mạnh, việc xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một công việc trọng đại; một việc làm để thể hiện tấm lòng trân trọng với tổ tiên, vì vậy, cần thực hiện một cách thận trọng. Đã làm là phải chắc thắng, chắc chắn được công nhận. Nếu công việc không được thực hiện thành công thì UBND tỉnh, Bộ VHTTDL có lỗi với tổ tiên và không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.

Đây chính là nguồn động lực động viên tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin cho chúng tôi, những người trực tiếp xây dựng bộ hồ sơ. Dù đã thực hiện 03 hồ sơ trước đó, những người trong ban soạn thảo hồ sơ, đứng đầu là ông Viện trưởng Nguyễn Chí Bền, vẫn thực sự lo lắng. Rõ ràng là, về mặt lý thuyết, dù có nhiều kinh nghiệm, với những khái quát mà mọi người đều biết như sự thành công của hồ sơ phụ thuộc vào ba yếu tố: 1. Giá trị đại diện, tiêu biểu, độc đáo của chính di sản; 2. Hồ sơ được thực hiện theo đúng yêu cầu của UNESCO; 3. Quá trình vận động ngoại giao được thực hiện tốt, có trọng tâm, bài bản, theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với chúng tôi là, các hồ sơ khác có thể có trục trặc, thậm chí có thể thất bại (cho dù đến giờ phút này, chưa hồ sơ nào của Viện gặp phải kết cục rủi ro đó), nhưng với hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thì chắc chắn phải được công nhận ngay trong lần đăng ký đầu tiên. Sở dĩ có điều này vì mấy lẽ (mà tất cả những người thực hiện đều hiểu cho dù có nói ra hay không): Thứ nhất, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một giá trị linh thiêng của dân tộc. Khi Hùng Vương được xem là Đức Quốc tổ thì việc đưa hồ sơ này đệ trình lên UNESCO cũng giống như việc đưa tổ tiên ra cạnh tranh trên đấu trường quốc tế. Đã linh thiêng và quan trọng như vậy thì việc đệ trình này nhất định phải giành thắng lợi. Nếu không, hệ lụy của nó sẽ vô cùng lớn. Thứ hai, năm nay do Việt Nam chỉ được đệ trình 01 hồ sơ, và chúng ta đã lựa chọn hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thay vì hồ sơ đờn ca tài tử. Như vậy, niềm tin và trọng trách đặt lên vai những người thực hiện hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là rất lớn, và chúng tôi phải làm mọi cách để không phụ lòng tin của mọi người đã gửi gắm.

Quay lại với công việc thực hiện hồ sơ, ý thức rõ được tầm quan trọng, các đồng nghiệp của tôi ở Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã dốc toàn bộ tâm sức để thực hiện các phần việc được giao. Có những phần việc không thể đợi được phân bổ ngân sách mới thực hiện mà phải triển khai nhanh mới đảm bảo tiến độ nộp hồ sơ vào ngày 31 tháng 3 năm 2011. Các nhóm kiểm kê của ông Bùi Quang Thanh và quay phim tư liệu của ông Hoàng Sơn phải gấp rút đến toàn bộ các địa điểm trên toàn tỉnh Phú Thọ để lấy tư liệu theo đúng các yêu cầu của UNESCO. Dù các công việc triển khai đều có kế hoạch nhưng việc thực hiện điền dã trên thực tế cũng gặp không ít những khó khăn không thể lường trước. Chẳng hạn là sự không thống nhất về tên gọi Hùng Vương ở các di tích dẫn đến việc Ban xây dựng hồ sơ phải ngồi lại để thống nhất sử dụng những tên gọi, mỹ tự, hiệu danh nào (như Ất Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương, Đột Ngột Cao Sơn và Cao Sơn Thánh Vương) là thể hiện cho tên gọi chung: Hùng Vương; hay việc có một địa phương không đóng dấu xác nhận cho văn bản đồng thuận tiếng Pháp, hay những sự cố dở khóc, dở cười trên những chặng đường điền dã khác. Chính sự dấn thân, hy sinh thầm lặng của những người đi nghiên cứu điền dã này đã làm nên chất lượng và đảm bảo thời gian cho bộ hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trình UNESCO.

Việc thực hiện hồ sơ không hẳn đã gặp toàn thuận lợi. Những tư liệu được thực hiện và những nỗ lực của nhóm viết báo cáo cũng gặp một số những trở ngại nhất định, và tôi luôn nghĩ rằng, đó cũng là một điều tất yếu khi thực hiện bất kỳ công việc gì, đặc biệt lại là đối với một hồ sơ quan trọng như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Khi hồ sơ nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học cũng vậy. Tất cả các nhà khoa học đều thống nhất rằng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đặc biệt quan trọng đối với người Việt, và việc xây dựng biểu tượng Hùng Vương là một việc làm lớn (cùng Thánh Gióng, Chử Đồng Tử…) tạo nên hệ ý thức Việt Nam trong buổi đầu dựng nước, tuy nhiên, cách nào để làm nổi bật giá trị của hồ sơ theo đúng yêu cầu của UNESCO thì còn nhiều tranh luận như cách thể hiện vai trò của lễ hội Đền Hùng trong hồ sơ đến đâu, có tránh né vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức lễ hội này hay không, có nên đưa chữ của người Việt vào tên của hồ sơ hay không, cần nhấn mạnh vai trò của cộng đồng như thế nào… Tất cả những góp ý đó là những thông tin quan trọng để nhóm xây dựng hồ sơ cân nhắc đưa vào báo cáo khoa học.

Để thu nhận tất cả các ý kiến góp ý và chỉnh sửa nó một cách hợp lý theo đúng yêu cầu của UNESCO, cả nhóm soạn thảo bao gồm ông Viện trưởng cùng bà Nguyễn Thị Hiền, bà Lê Thị Minh Lý, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh và tôi đã phải dành rất nhiều thời gian và công sức cho việc hoàn thiện từng chi tiết của hồ sơ. Mỗi khi phần tiếng Việt xong lại chuyển sang tiếng Anh, đưa đi hiệu đính, lại chuyển cho các chuyên gia về tín ngưỡng hay phi vật thể ở Anh, Mỹ, Croatia, Indonesia xem xét, có ý kiến. Nói chung là hết sức tỉ mỉ và cẩn thận. Có những chi tiết viết đi, viết lại, kể cả khi chuyên gia nước ngoài cảm thấy đã hoàn hảo nhưng ông Viện trưởng vẫn chưa thấy yên tâm, thế là cả nhóm lại ngồi họp cùng nhau, chiếu từng ý, từng chữ, từng câu lên màn hình lớn, rồi lại dò, lại sửa. Có những bức ảnh như ảnh đoàn người hướng về phía cổng Đền trong ngày lễ hội cũng phải chọn đi chọn lại chỉ vì lỗi một vài chi tiết như có hình ảnh người đang quay lại, hình ảnh công an, những người hút thuốc, ngáp, ảnh Lăng vua Hùng thì bị hòm công đức choáng hết hình, lựa chọn ảnh ngã ba sông hay rừng cọ đồi chè… Có những đợt, tôi cùng cả bà Nguyễn Thị Hiền, ông Bùi Quang Thanh phải loay hoay cả ngày với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ để làm việc với các nghệ sĩ nhiệp ảnh nhằm tìm chỉ 1-2 bức ảnh có thể phù hợp với hồ sơ… Có thể nói, chưa bao giờ có một hồ sơ nào lại làm cẩn thận đến mức như vậy!

Công tác vận động cho hồ sơ cũng được thực hiện rất tốt. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện hồ sơ, công tác quảng bá bắt đầu được thực hiện theo hướng: Thứ nhất, việc phát ngôn với các cơ quan báo chí về quá trình làm hồ sơ được chỉ đạo thống nhất chỉ ở hai đầu mối, ông Viện trưởng Nguyễn Chí Bền và bà Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Kim Hải. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ không gây ra những hiểu sai, trái chiều đối với công tác làm hồ sơ. Trong quá trình làm hồ sơ, thông tin ra báo chí cũng được hạn chế ở mức tối đa để tạo điều kiện cho ban xây dựng hồ sơ được tập trung công việc chuyên môn của mình; Thứ hai, Ban chỉ đạo và xây dựng hồ sơ chủ động liên hệ, tiếp xúc với những tổ chức, cá nhân có thể có ảnh hưởng đến kết quả hồ sơ như Văn phòng UNESCO Hà Nội, các sứ quán của các nước thuộc ủy ban liên chính phủ, cá nhân một số các nhà khoa học và các chuyên gia của tổ chức UNESCO tại Paris. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Thọ và Viện cũng chủ động tham gia vào một số các cuộc họp của UNESCO, tham gia các chuyến đi đến một số nước như Pháp, Bỉ, Italia, Nhật Bản… để trực tiếp vận động cho hồ sơ, hay tổ chức hội thảo quốc tế để qui tụ các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực tín ngưỡng để vừa có thêm kiến thức mới, vừa thông qua họ, vận động cho hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Những chuyến đi vận động theo những cuộc họp của UNESCO tại Kenya, Indonesia hay Pháp thực sự là những cuộc ngoại giao khéo léo để tạo ra sự quan tâm, ủng hộ của bạn bè quốc tế với hồ sơ quan trọng này. Trong những chuyến vận động ngoại giao đó, không thể không kể đến những nỗ lực của ông Phạm Cao Phong, bà Trần Thị Hoàng Mai (Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam), ông Trần Quyết Chiến (Phòng Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ), bà Lê Thị Minh Lý và những người khác, cũng như thấy sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ khi các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của tỉnh luôn sát cánh, đồng cam cộng khổ cùng anh em chuyên môn. Là người trong cuộc, phải nói rằng, đây là hồ sơ được thực hiện công phu nhất, với sự quyết tâm cao nhất cả về mặt chính trị và khoa học. Kinh nghiệm, quyết tâm, nhiệt tình, kế hoạch tốt của nhóm thực hiện hồ sơ, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo sát sao của ông Viện trưởng Nguyễn Chí Bền là những yếu tố căn bản nhất để hồ sơ đạt được sự đánh giá cao của UNESCO. Không chỉ là những người trực tiếp viết hồ sơ, theo tôi những đóng góp cả trực tiếp, cả gián tiếp, cả đã được nói đến nhiều lẫn những đóng góp thầm lặng của rất nhiều người cả ở Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam… đã làm nên thắng lợi của bộ hồ sơ này.

Vì một số lý do, tôi không thể cùng đoàn công tác sang họp hội nghị liên chính phủ xét công nhận hồ sơ được. Dù đã biết hồ sơ nhận được sự đánh giá tốt từ Ban thư ký và việc công nhận Hồ sơ có thể chỉ là câu chuyện thời gian và thủ tục, nhưng ngay từ đêm ngày 05 tháng 12, cũng như bao người quan tâm đến Hồ sơ, tôi thức đến hơn 23h đêm để chờ tin mừng. Không tin tức gì về Hồ sơ được thông báo trên truyền hình! Không một cuộc điện thoại hay tin nhắn của anh chị em trong đoàn gửi về! Đêm đó, với tôi là một đêm rất dài! Sáng ngày 06 tháng 12, khi trời đủ sáng để có thể liên hệ, tôi gọi điện ngay cho anh Hà Kế San, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ. Nghe anh San nói, anh cũng sốt ruột như vậy, và gọi sang Paris thì biết là chưa đến lượt Hồ sơ của Việt Nam. Tôi đỡ lo hơn rất nhiều và tiếp tục chờ đợi! Tôi vào trang mạng của UNESCO và phát hiện rằng họ có truyền thanh trực tiếp nội dung buổi họp nên tôi quyết định sẽ nghe trực tiếp thông tin để có thể trở thành người ở Việt Nam đầu tiên biết về tin mừng này. Hôm đó, tôi lại phải đi họp nên không thể có mặt tại Viện theo dõi toàn bộ phiên họp qua mạng được. Gặp tôi, chị Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng, hỏi ngay tình hình. Tôi cũng chỉ nói lại những gì được biết và hứa sẽ báo cáo ngay sau khi có thông tin. Và ngay sau khi họp ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về, tôi cùng anh Bùi Quang Thanh, tập trung tại phòng tôi để nghe trực tiếp diễn biến của phiên họp. Thực sự, đây là một trong những giây phút hồi hộp, căng thẳng nhất. Đến lượt hồ sơ Macedonia, những nhận xét của Ban thư ký rằng hồ sơ tập trung mô tả quá nhiều về múa và nguồn gốc lịch sử của nó, ít nói về ý nghĩa của múa Kopachkata trong đời sống đương đại, cũng như ít thấy thông tin về sự tham gia của cộng đồng trong quá trình làm hồ sơ đề cử.. và cuối cùng hồ sơ của Macedonia không được côgn nhận, chờ đến lượt xét năm tới, càng làm cho không khí trong phòng trở nên căng thẳng hơn, và nó khiến tôi liên tưởng đến những giây phút căng thẳng của các thành viên đoàn Việt Nam đang dự họp tại Paris. Tiếp theo đó là diễn biến phức tạp của các hồ sơ của Thổ Nhĩ Kỳ, hồ sơ đa quốc gia của Các tiểu Vương quốc Ả Rập, Áo, Bỉ, Séc, Pháp…, hồ sơ đa quốc gia của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Oman, rồi Venezuela. Khi đến hồ sơ Việt Nam, cả gian phòng như nín lặng, và rồi vỡ òa khi hồ sơ được thông qua nhanh chóng! Chúng tôi bắt tay nhau, gọi vang sang các phòng bên để cùng đến chia vui! Tôi gọi điện ngay lập tức cho chị Đặng Thị Bích Liên, anh Hà Kế San và bác Lưu Trần Tiêu. Hiếm có khi nào, niềm vui lại lớn đến thế! Công việc tri ân, tôn vinh tổ tiên, bước đầu quan trọng, đã được hoàn thành dù tôi biết, chặng đường lâu dài nhiệm vụ giữ gìn và phát huy giá trị tín ngưỡng vô cùng quan trọng ấy còn rất nặng nề!

Tối hôm ấy, trên đường tôi về nhà, trời Hà Nội thật đẹp!

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, VIỆN TRƯỞNG VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

 

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top