Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khu di tích lịch sử Chi Lăng (Lạng Sơn): Đánh thức “Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới”

Thứ Hai 08/04/2019 | 10:17 GMT+7

VHO-  Ngày 10.4, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) sẽ tổ chức Hội thảo “Khu di tích lịch sử Chi Lăng, giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy” với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia sử học, văn hóa.

Dưới những góc nhìn đa dạng, đây là diễn đàn khoa học ý nghĩa, khẳng định giá trị lịch sử của Khu di tích Chi Lăng, đồng thời đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy.

Sức hút từ những giá trị lịch sử

Khu di tích lịch sử Chi Lăng gồm 52 điểm di tích, nằm trong lòng chảo Chi Lăng dài hơn 20km. Khu di tích ghi dấu chiến thắng chống quân Tống (thế kỷ XI), chiến thắng chống quân Nguyên (thế kỷ XIII) và đặc biệt là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh với “Trận Chi Lăng” nổi tiếng năm 1427, mở ra bước ngoặt quyết định tiến tới thắng lợi hoàn toàn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn “mười năm nếm mật nằm gai” đầu thế kỷ XV.

TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc BTLSQG nhấn mạnh, năm 1980, sử gia người Pháp, TS Charler Faudier khi đến tham quan Chi Lăng đã thốt lên: “Đây là một bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới!”. Với vai trò, ý nghĩa và vị thế ấy, việc phát huy giá trị lịch sử, văn hóa quần thể di tích ải Chi Lăng là rất cần thiết.

 Toàn cảnh thung lũng Ải Chi Lăng

Điểm lại những dấu mốc lịch sử gắn với địa danh này, ông Nguyễn Văn Cường cũng khẳng định, Chi Lăng là một trong những “cái nôi văn hóa” của xứ Lạng với những điểm di tích lịch sử - văn hóa quan trọng, phân bố “dày đặc” trên địa bàn hai xã Chi Lăng và Quang Lang. Một số di tích tiêu biểu có thể kể đến như: Hang Lạng Nắc, Thành cổ Chi Lăng, Cửa ải Quỷ môn, Núi Mã Yên, Lê Tổ kiếm thạch - Liễu Thăng thạch.

Chiến thắng Chi Lăng đã đi vào đời sống tâm linh của người dân Chi Lăng nói riêng, nhân dân Lạng Sơn nói chung mà bằng chứng chính là hệ thống di tích - tâm linh... Cùng với những chứng tích lịch sử về cuộc khởi nghĩa “mười năm nếm mật nằm gai”, Khu di tích còn lưu giữ những bằng chứng về cuộc khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh. Núi Tay Ngai, thành Cai Kinh, cầu Quan Âm… ở phía nam Khu di tích là những địa điểm gắn liền với hoạt động chống thực dân Pháp của Cai Kinh cuối thế kỷ XIX.

Với những “lợi thế” về thời gian, không gian, Khu di tích Chi Lăng thực sự là điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Khi khảo sát thực địa, nhiều chuyên gia đều chung nhận định, nếu biết liên kết các điểm di tích thành một “tour khép kín”, quần thể di tích Chi Lăng sẽ có sức hút lớn với du khách.

Bài toán bảo tồn và phát huy

Cũng theo ông Cường, dù có nhiều tiềm năng tạo sức hút nhưng trên thực tế, thời lượng tham quan nhà “trưng bày chiến thắng” chỉ gói gọn trong chừng… nửa tiếng. Hạn chế về giao thông, cơ sở hạ tầng khiến nhiều du khách cảm thấy hụt hẫng, “không biết đi đâu, tham quan gì” bất chấp thực tế là quần thể di tích có tới hơn 50 điểm tham quan.

Ông cảnh báo, di tích Khảo cổ học Hang Lạng Nắc gần như đã “ngủ quên” hàng thập kỷ kể từ khi được công nhận. Xung quanh di tích không có biển cắm, không có mốc khoanh vùng. Cũng như nhiều di tích lịch sử - văn hóa khác trên cả nước, Hang Lạng Nắc còn phải đối mặt với sự “can thiệp”, tàn phá bởi chính bàn tay con người. Theo phản ánh của người dân, những năm qua, Công ty TNHH Đá Thượng Thành đã tiến hành khai thác đá khiến cho không ít hang động xung quanh bị phá hủy, có những đỉnh núi đứng trước nguy cơ bị san phẳng.

Ông Hoàng Minh Trường, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng cho biết, với không gian trưng bày còn nhỏ hẹp và khiêm tốn, tư liệu tài liệu còn hạn chế, dù huyện Chi Lăng đã có nhiều cố gắng trong bảo tồn, tôn tạo nhưng vẫn chưa xứng tầm với giá trị lịch sử vốn có của di tích. Với mục tiêu đầu tư bảo tồn, tôn tạo Khu di tích gắn với phát huy giá trị trong phát triển du lịch, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử Chi Lăng từ năm 2012, nhưng thực tế cho đến nay, Quy hoạch được triển khai rất chậm. Ngày 11.4.2018, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, xác định nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của Khu di tích gắn với phát triển du lịch.

Về định hướng phát triển Khu di tích Chi Lăng, theo BTLSQG, cần nhấn mạnh các mục tiêu như tiếp tục nghiên cứu, điều tra, sưu tầm các tư liệu, hiện vật có liên quan, trong đó đặc biệt lưu ý việc xác minh để tư liệu hóa các địa điểm lịch sử tại khu di tích. Ngoài ra, từng bước phục hồi môi trường thiên nhiên và cảnh quan lịch sử; chú trọng đầu tư bảo vệ, khai thác các di sản văn hóa truyền thống, bao gồm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống, các dịch vụ du lịch; hình thành “tour du lịch” tham quan di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa các dân tộc kết hợp xây dựng chuỗi giá trị cho cây na - đặc sản Chi Lăng để phát triển đồng bộ, bền vững.

Cũng ở góc độ khai thác những giá trị đặc sắc để phát triển du lịch bền vững, GS.TS Trương Quốc Bình nhấn mạnh, khu di tích Chi Lăng có những tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn nhưng việc khai thác chưa tương xứng. Trong đó, các hoạt động trưng bày tại khu di tích Chi Lăng khá mờ nhạt, chưa chuyển tải được cốt lõi, bản chất, tầm vóc của sự kiện. Khu Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng mặc dù là điểm nhấn nhưng quy mô nhỏ hẹp, ít công trình lưu niệm và đã xuống cấp, sơ sài, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch.

“Nếu phát triển Khu di tích Chi Lăng trở thành trung tâm du lịch văn hóa kết nối với hệ thống các điểm du lịch của Lạng Sơn thì sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch trong tỉnh”, theo ông Bình. 

HOÀNG NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top