Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đạo diễn Singapore dựng “Tấm Cám”

Thứ Sáu 29/03/2019 | 14:00 GMT+7

VHO-Tại Hà Nội, Sân khấu kịch Lệ Ngọc vừa khởi công dựng vở Tấm Cám, phóng tác từ truyện cổ tích Tấm Cám nổi tiếng của Việt Nam. Vở kịch do nhà văn Nguyễn Hiếu làm tác giả kịch bản và đạo diễn Chua Soo Pong (Singapore) dàn dựng.

Theo “bật mí” của ê kíp sáng tạo thì Tấm Cám sẽ được phóng tác với góc nhìn rất mới như sẽ không có nhân vật Bụt, sẽ không có cảnh “làm mắm” từng bị cho là “ghê rợn” đối với cách nhìn của con người thời đại hiện nay như trong cốt truyện cũ…

NSND Lệ Ngọc chia sẻ: “Sân khấu Lệ Ngọc xây dựng Tấm Cám với mục đích phục vụ khán giả thiếu nhi, các cháu là đối tượng phục vụ chính trong xu hướng phát triển của sân khấu trong tương lai. Nhưng tôi tin rằng,Tấm Cám sẽ không chỉ hấp dẫn các cháu thiếu nhi mà ông bà và bố mẹ của các cháu cũng sẽ rất thích vở kịch này”. Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ: NSND Lệ Ngọc trong vai dì ghẻ, Tạ Tuấn Minh trong vai ông chú, Tùng Linh vai Hoàng tử… Đặc biệt là vai Tấm khi lớn có tới 3 nữ diễn viên đóng theo kíp: Kim Oanh, Thanh Hoa, Thanh Hiền, vai Cám có: Thu Hà, Anh Đào… Trong đó, Kim Oanh đóng vai Tấm hiện đang gây chú ý với vai nữ chính trong phim Những cô gái trong thành phố. Có rất nhiều cái cái lạ được đưa ra như kịch Tấm Cám khiến người chưa xem cũng phải tò mò như sự xuất hiện của Mẹ Tấm thay nhân vật Bụt hoặc có thêm các nhân vật như Ông Chú, Già Đa... 

Đạo diễn Chua Soo Pong cùng ê kíp sáng tạo vở "Tấm Cám"

Với vai trò cố vấn nghệ thuật và truyền thông, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng:“Tấm Cám là vở diễn hướng tới khán giả thiếu nhi. Đây là một vở diễn bắt đầu từ câu chuyện cổ tích, nhưng kịch bản của vở diễn đã đi xa khỏi cốt lõi của bản gốc. Kịch bản mới đã được lược bỏ đoạn Tấm làm mắm Cám và gửi cho dì ghẻ ăn. Bởi đây là sự tàn bạo, man rợ không còn phù hợp với thời đại bây giờ. Hơn nữa, vở diễn lại hướng tới là trẻ em nên không thể để nguyên theo bản gốc”. Bà Thái cho rằng việc mời một đạo diễn nước ngoài dựng truyện cổ tích của Việt Nam là một sự mạnh dạn của sân khấu Lệ Ngọc và chính điều này sẽ mang lại một góc nhìn mới, một tư duy mới khi làm mới câu chuyện. 

Lí giải về việc vì sao không có hình ảnh ông Bụt, một nhân vật gắn liền với truyện cổ tích Tấm Cám và đại diện cho cái thiện, nhà văn Nguyễn Hiếu cho biết, do yêu cầu của vở kịch là sẽ đem đi dự thi và công diễn ở nước ngoài nên cần phải tinh gọn đội ngũ diễn viên tham gia. “Trong vở kịch này tôi muốn lấy mẹ của Tấm làm vai trò của Bụt. Vì tôi muốn nhấn đến ý tình yêu của người mẹ luôn mang đến cho con cái những điều kỳ diệu nhất. Điều này về mặt kỹ thuật thì sẽ tiết kiệm được một diễn viên nhưng quan trọng hơn là đã đề cao được vai trò của người mẹ”, nhà văn Nguyễn Hiếu nói.

Vở “Con gà trống” do ông Chua Soo Pong làm tác giả và đạo diễn đã tham dự thành công tại Liên hoan biểu diễn nghệ thuật thiếu nhi quốc tế Toyama, Nhật Bản năm 2016

Vở Tấm Cám sẽ là những sáng tác về ngôn ngữ sân khấu rất riêng biệt trên cơ sở đề cao tính nhân văn, đặc biệt là tình cảm mẫu tử “cá chuối đắm đuối vì con”, “nước mắt chảy xuôi”… Đạo diễn Chua Soo Pong chia sẻ: “Sau Đám cưới con gái chuột và Con gà trống, đây là lần thứ 3 tôi được sân khấu Lệ Ngọc mời dựng vở dành cho thiếu nhi. Cái mà chúng tôi muốn đưa vào trong vở diễn cho trẻ em và khán giả là giá trị văn hoá Việt thông qua những bài hát, âm nhạc, hành động, trang phục vở diễn, đặc biệt là múa. Tuy nhiên đừng nghĩ vở diễn dành cho thiếu nhi thì dễ, mà ngược lại, vở kịch làm cho thiếu nhi nên không hề đơn giản. Thậm chí còn là vở kịch rất rất khó xây dựng. Bởi đây là câu chuyện dí dỏm và hài hước, tuy nhiên cũng có những tình tiết không thật và làm thế nào để kể cho các em tin là thật. Và làm sao tạo được sự hài hước, nhưng thuyết phục được trẻ em tin tưởng”.

Đạo diễn Chua Soo Pong cho biết ông đã bỏ rất nhiều thời gian để đọc những bản dịch của Tấm Cám, trao đổi rất kĩ với nhóm sáng tạo là hoạ sĩ, NSƯT Doãn Bằng, nhạc sĩ Phùng Tiến Minh, nhà thiết kế trang phục Sĩ Hoàng… và thống nhất sẽ cố gắng tạo sự khác biệt chứ không muốn rập khuôn theo các vở kịch hay bộ phim đã từng làm trước đây. Dự kiến vở diễn Tấm Cám sẽ ra mắt vào ngày Tết thiếu nhi 1.6 và sẽ được diễn cả trong nước và nước ngoài. Những vở diễn gần đây do Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng được chú trọng đầu tư có chất lượng nghệ thuật và rất hấp dẫn đó là lý do Sân khấu Lệ Ngọc tự tin đưa các vở của mình dự thi các liên hoan sân khấu quốc tế. Sau biểu diễn trong nước, Tấm Cám dự kiến sẽ được đưa đi tham dự Liên hoan nghệ thuật thiếu nhi quốc tế tổ chức tại Nhật Bản năm 2020. 

ĐÀO ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top