Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử”: Ở góc độ này, báo chí làm còn yếu

Thứ Sáu 15/03/2019 | 11:07 GMT+7

VHO- Nhiều ý kiến đến từ chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử, tuy nhiên họ cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nhiều tờ báo vẫn chưa thực sự phát huy vai trò của mình mà chỉ chăm chăm chạy theo sự kiện thiếu tích cực để “giật tít, câu view”...

 Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một sự kiện Ảnh: M.T

 Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và “cuộc chạy đua” với mạng xã hội, báo chí cần thực hiện vai trò định hướng dư luận xã hội chứ không phải chạy theo khai thác những hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh như nhiều tờ báo hiện nay.

“Đòi hỏi cái tài của nhà báo”

Trong thời gian qua báo chí đã phát huy vai trò rất quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền về chính trị, pháp luật, đời sống xã hội và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam, nề nếp ứng xử văn minh, chuẩn mực cho công dân. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về tỉ lệ thông tin mất cân bằng trên báo chí hiện nay. Trong khi những nếp sống đẹp, ứng xử văn hóa chuẩn mực được phản ánh còn ít thì nhiều tờ báo lại theo đuổi, xoáy sâu vào các hiện tượng tiêu cực như bạo lực, tình dục, những chuyện sai trái, phản cảm,... Có thể thấy rất rõ rằng khi có một hiện tượng tiêu cực xảy ra thì hầu hết các báo đều xoáy vào, tập trung khai thác ở nhiều góc độ. Thực tế đó phần nào phản ánh sự quan tâm của một bộ phận dư luận, nhưng cũng sẽ tạo nên ấn tượng tiêu cực trong người dân, nhất là ở tầng lớp thanh niên. Nguy hiểm hơn khi không ít thông tin trong đó lại chưa được kiểm chứng. Tôi nghĩ rằng báo chí có khắc phục được hạn chế này thì mới có thể góp phần vào xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử cho cộng đồng.

Nguyên nhân khiến báo chí chạy theo các sự việc tiêu cực, giật tít câu view thực ra cũng không khó hiểu. Bối cảnh kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ, nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng, trong đó một bộ phận không nhỏ độc giả tò mò, thích những chuyện thỏa mãn hiếu kỳ, giật gân..., dẫn đến nhiều tờ báo mải mê chạy theo “câu view”, đặt mục đích thu hút số lượng người đọc lên hàng đầu, qua đó để xác định thương hiệu của mình, tăng doanh thu quảng cáo.

Bên cạnh đó, trong cuộc “chạy đua” với mạng xã hội, nhiều tờ báo dường như đã “sợ” độc giả sẽ chuyển sang đọc mạng xã hội, nên thay vì đưa những thông tin mang tính định hướng lại chạy theo dư luận, theo thị hiếu tầm thường, đưa nhiều thông tin giật gân, không chính xác. Xã hội nào thì cũng có những độc giả tò mò, nhưng điều đó lại đặt ra vấn đề là báo chí phải phát huy vai trò định hướng trên cơ sở tôn trọng pháp luật và tinh thần nhân văn. Đơn cử, một số clip mô tả hình ảnh các vụ tai nạn với hình ảnh phi nhân văn đã được nhiều báo đăng tải, nhiều người xem và bình luận, rất phản cảm. Ở nước ngoài, báo chí có thể bị kiện và xử phạt rất nặng vì những hình ảnh đó hoàn toàn không có giá trị giáo dục, nhân văn. Nhiều thông tin thời sự khác liên quan đến vấn đề danh dự của các cá nhân cũng được không ít tờ báo xoáy sâu khai thác. Thậm chí khi chưa kiểm chứng thông tin, báo chí vẫn đưa tên tuổi, địa chỉ, hình ảnh,... của nhân vật, vừa trái pháp luật vừa mất đi ý nghĩa giáo dục, định hướng.

Trên thực tế, những câu chuyện nhân văn, tử tế, nếu biết khai thác một cách hấp dẫn thì lượng độc giả cũng sẽ rất đông. Tôi ví dụ một bài báo gần đây viết về số phận kỳ lạ của bản tình ca “Ngôi sao ban chiều” và mối tình cảm động của nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu đã thu hút lượng độc giả rất lớn. Bản tình ca với giai điệu đằm thắm, lời ca trong sáng, nhẹ nhàng được nhiều thế hệ thanh niên yêu thích và trình diễn trên nhiều sân khấu. Nửa thế kỷ qua, ai cũng đinh ninh đó là một bài hát thuộc hàng kinh điển của nước Nga. Nhưng hóa ra, đó lại là bài hát của một chàng trai Việt Nam 17 tuổi. Bài báo kể câu chuyện kỳ lạ này vừa thỏa mãn thị hiếu của người đọc, vừa mang tính nhân văn, tính giáo dục. Như vậy, vấn đề ở đây là cái tài của nhà báo thôi. Họ cần biết tìm tòi những câu chuyện đời thường nhẹ nhàng mà trong trẻo, không cần phải quá lên gân lên cốt hoặc viết quá nhạt nhẽo, đơn điệu về điều tốt. Không phải cứ giật gân mới có nhiều người đọc.

Trong bối cảnh đó, hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” sẽ rất có ý nghĩa, qua đó đặt vấn đề một cách bài bản nhằm phát huy tác dụng của báo chí trong xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử của con người Việt Nam giai đoạn hiện nay.

GS.TS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

“Phải đề cao báo chí trong việc phê phán sự lệch chuẩn văn hóa”

Ứng xử của báo chí trong phê phán những hiện tượng lệch chuẩn về ứng xử văn hóa như thế nào cho phù hợp bối cảnh hiện nay không chỉ là vấn đề cần quan tâm của từng nhà báo, từng cơ quan báo chí mà còn của đông đảo độc giả, những đối tượng tiếp nhận nhiều nguồn thông tin mỗi ngày. Trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều hiện tượng, sự việc khiến dư luận, xã hội bức xúc, đó chính là những lệch chuẩn trong ứng xử văn hóa. Sự lệch chuẩn không chỉ diễn ra trong đời sống xã hội mà trong nhiều gia đình, nhà trường, giữa bố mẹ với con cái, giữa thầy và trò, cấp trên với cấp dưới...

Trước thực tế này, báo chí có vai trò rất quan trọng. Báo chí cần phê phán mạnh mẽ những hành vi, những hiện tượng lệch chuẩn văn hóa. Báo chí cần chỉ ra được những cái lệch chuẩn trong ứng xử văn hóa, những cách hành xử trái đạo lý và thuần phong mỹ tục. Song, ở góc độ này vai trò của báo chí còn yếu. Đáng ra, báo chí còn cần phải có vai trò hướng dẫn thực thi các chuẩn mực văn hóa ứng xử. Nhưng rất tiếc là đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý chưa đưa ra được các chuẩn mực văn hóa một cách cụ thể mà thường đề cập một cách chung chung. Ngày xưa, những chuẩn mực văn hóa vốn rất cụ thể, quân tử thì như thế nào, tiểu nhân thì ra sao, người chồng, người vợ phải thế nào... Còn bây giờ, chúng ta chưa có các quy định chuẩn mực cụ thể để làm căn cứ cho các hành vi ứng xử.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của thông tin đại chúng phải được tăng cường, nâng cao. Ngoài việc phê phán, phản ánh những hiện tượng xã hội thì phải đóng góp cho việc xây dựng chuẩn văn hóa trong thời đại mới. Mọi nơi nếu đều xây dựng được những chuẩn mực văn hóa thì dần dần mọi thứ mới tốt đẹp và đi đúng chuẩn được. Vai trò định hướng cũng như tính phản biện của báo chí vẫn còn yếu, báo chí chưa đưa ra được những giải pháp để góp phần xây dựng các chuẩn mực về văn hóa ứng xử. Trong khi đa phần người dân vẫn rất tin vào báo chí thì báo chí càng cần phải nâng cao vị thế, vai trò của mình.

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

PHƯƠNG ANH (lược ghi)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top