Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thể nghiệm để cải lương… không bị cũ

Thứ Tư 06/03/2019 | 11:15 GMT+7

VHO- Trong lễ khởi công vở Vì sao lạc xứ, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã chính thức thông báo từ nay nhà hát sẽ có hai đoàn mang tên: Đoàn nghệ thuật thể nghiệm và Đoàn nghệ thuật truyền thống. Ra mắt Đoàn nghệ thuật thể nghiệm nhà hát đã chọn dựng Vì sao lạc xứ là vở đề tài lịch sử. 

 Ê kíp sáng tạo tại Lễ khởi công 

 NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc nhà hát là người được lựa chọn dàn dựng. 
Thể nghiệm ngay từ đề tài lịch sử 
Chia sẻ tại lễ khởi công, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết Vì sao lạc xứ là vở được dàn dựng theo đơn đặt hàng của Bộ VHTTDL. Tâm đắc với đề tài về nhà Hồ nên đạo diễn Triệu Trung Kiên đã mời tác giả Nguyễn Toàn Thắng viết kịch bản, tác giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương. Cùng với các tác giả thì những tên tuổi được lựa chọn ở thành phần sáng tạo cũng đều là những nhân vật sáng giá của sân khấu, đó là NSƯT Doãn Bằng (thiết kế sân khấu), Tuyết Minh (biên đạo múa)... đã cho thấy kỳ vọng mong muốn có những thể nghiệm bứt phá cho sân khấu cải lương. Vở diễn nói về nhân vật lịch sử Hồ Nguyên Trừng (con trai vua Hồ Quý Ly) - người có công phát minh ra súng thần công, được xem là có đóng góp rất sớm cho khoa học Việt Nam. 
Có thể nhận thấy nguồn thông tin tài liệu về nhân vật lịch sử Hồ Nguyên Trừng không nhiều và phong phú như các nhân vật lịch sử khác. Đây là một trong những lý do mà ê kíp sáng tạo quyết tâm xây dựng nhân vật lịch sử này, hy vọng lý giải cụ thể hơn, sinh động hơn về cuộc đời, sự nghiệp cũng như những biến cố lịch sử của nhân vật này, giúp cho người xem cảm nhận rõ nét hơn về Hồ Nguyên Trừng. Theo NSƯT Triệu Trung Kiên, các nghệ sĩ tham gia biểu diễn lần này ngoài những người đã có nhiều thành tích, từng giành huy chương trong các hội diễn như Nguyễn Văn Đáng (vai Hồ Nguyên Trừng), Minh Hải (quan Thứ Sử), Xuân Thông (Hồ Quý Ly)… vở sẽ có sự tham gia của 6 gương mặt trẻ, là những diễn viên vừa hoàn thành lớp đào tạo trung cấp cải lương của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. 
“Đây sẽ là những gương mặt hứa hẹn mang đến những hy vọng mới, màu sắc mới cho cải lương Việt Nam. Chúng tôi đã mạnh dạn đưa 2 diễn viên mới thể hiện vai chính của vở và tin rằng, với nhiệt huyết và nỗ lực của các em, vở diễn sẽ làm hài lòng những khán giả yêu thích nghệ thuật truyền thống”, đạo diễn Triệu Trung Kiên bày tỏ. 

 Nhà hát Cải lương Việt Nam là một trong những đơn vị xây dựng nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử ăn khách

Thể nghiệm nhưng sẽ không phá... truyền thống 
Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật cho biết: “Dẫu là đoàn truyền thống hay thể nghiệm thì nhà hát đều hướng tới cái đích là làm sao để nâng cao tính chuyên nghiệp cho từng tác phẩm. Thành lập ra đoàn nghệ thuật thể nghiệm, chúng tôi hi vọng các tác phẩm đều hướng tới những sáng tạo mới mẻ, gìn giữ bảo tồn cho nghệ thuật cải lương. Dĩ nhiên tất cả mọi sáng tạo đều bắt nguồn trên nền tảng của cải lương truyền thống”. NSƯT Triệu Trung Kiên khẳng định: “Vở cải lương lịch sử là một tác phẩm nghệ thuật, được nhìn với con mắt hư cấu để diễn tả khao khát, mong muốn của người sáng tạo. Tuy nhiên, phần hư cấu có nguyên tắc của nó, không làm méo mó, biến dạng, hoặc sai lệch dữ liệu lịch sử; người xem vẫn thấy được tính logic, tính khoa học và thuyết phục. Chúng tôi sẽ xây dựng nhân vật trên những công lao đóng góp đối với xã hội và giai đoạn lịch sử thời điểm đó muốn thử nghiệm bằng cách khai thác bi kịch của một nhân tài trí thức đã không thể cống hiến tài năng cho đất nước mà bị bắt, giam cầm, uy hiếp phải làm quan lưu lạc ở xứ người. Yếu tố thể nghiệm cũng được thực hiện từ những tìm tòi trong tiết tấu, xử lý ánh sáng, không gian, trang phục và cả nghệ thuật diễn xuất...”. 
Với góc nhìn đương đại và cả những ấp ủ mong muốn thử nghiệm, cách tân cho nghệ thuật cải lương, Vì sao lạc xứ đặt ra nhiều kỳ vọng mang tới cho người xem một tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử hấp dẫn, mang tới những giá trị thẩm mỹ mới. Vở diễn sẽ được hoàn thành và ra mắt vào cuối tháng 4.2019. 

HIỀN LƯƠNG  

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top