Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thử thách Momo: Có thể xử phạt tới 30 triệu đồng và truy cứu trách nhiệm hình sự

Thứ Hai 04/03/2019 | 14:03 GMT+7

VHO - Những ngày qua, nhiều ông bố bà mẹ cùng bày tỏ lo ngại về những video hoạt hình trá hình có nội dung phản cảm, bạo lực làm theo phim Peppa Pig và Thử thách cùng Momo. Với những hình ảnh bạo lực, máu me núp bóng phim hoạt hình, những video này đang thực sự gây nguy hiểm cho trẻ em trên toàn thế giới, trong đó có nhiều trẻ em Việt Nam cũng đã và đang tiếp cận với các thông tin độc hại này. Bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc thì những bậc cha mẹ cũng nên tự bảo vệ con mình trước những mối hiểm nguy rình rập.

Có thể xử phạt lên tới 30 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với Báo Văn Hoá, Luật sư Lê Thu Hằng - Công ty Luật Trương Anh Tú cho biết: Luật Trẻ em 2016 qui định nghiêm cấm hành vi “Cung cấp dịch vụ internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em” (khoản 10 Điều 6 Luật trẻ em 2016).

Theo quy định hiện hành của Luật An ninh mạng 2018 đã có qui định rất nhân văn về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Theo đó, Điều 29 Luật này qui định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Các doanh nghiệp phải đảm bảo kiểm soát nội dung để không gây nguy hại cho trẻ em; đồng thời, xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em và kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý”.

Cũng theo quy định tại Điều luật này, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin mạng gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo qui định của pháp luật về trẻ em. “Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm trẻ em, quyền trẻ em” (khoản 5 Điều 29 Luật An ninh mạng 2018).

Hãy làm bạn và làm thầy của con

Theo chuyên gia tôi phạm học, trung tá Đào Trung Hiếu, hiện không gian mạng có không ít thông tin độc hại ảnh hưởng đến trẻ em. Để giúp trẻ nhận ra những hiểm họa từ  Internet, mạng xã hội, phòng tránh được những thứ “dịch bệnh” tương tự trò chơi tự sát nói trên, các bậc cha mẹ học sinh cần quan tâm nhiều hơn đến con cái, hãy nói với con về cách sử dụng mạng Internet, mạng xã hội sao cho an toàn. Trước khi tham gia vào thứ gì đó trên thế giới “ảo”, hãy tìm hiểu thật kỹ để thấy được những lợi ích cũng như hiểm họa của nó, để quyết định có nên tham gia hay không. Phải luôn có tâm thế cảnh giác, hãy giữ kín những điều riêng tư và thông tin cá nhân. Cũng đừng dễ tin vào những thứ nhìn thấy trên mạng, cẩn trọng khi kết bạn. Hãy dừng lại và phán đoán, đừng vội tham gia vào những trò tiêu khiển vô bổ, mất thời gian. Nói không ngay với những chương trình yêu cầu người dùng cung cấp thông tin hay hình ảnh cá nhân, hoặc bất cứ điều gì có thể khiến mình gặp nguy hiểm, phiền toái. Nếu gặp những điều phiền phức, bất thường, những nội dung xấu, hãy chia sẻ ngay với cha mẹ. Ngoài ra, cha mẹ hãy khéo léo giám sát việc “vào mạng” và quan hệ của con thông qua việc kiểm tra lịch sử truy cập hay bí mật kiểm tra điện thoại. Con cái sẽ an toàn trên mặt đất cũng như trên mạng, nếu các bậc cha mẹ thực sự quan tâm đến chúng và có phương pháp đúng. Muốn vậy thì chính chúng ta cũng phải thường xuyên tự trau dồi tri thức để có thể làm bạn và làm thầy của con.

HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top