Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Không coi trọng PR, sân khấu còn lâu mới khá lên được

Thứ Tư 27/02/2019 | 10:10 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh rất nhiều kênh thông tin đa dạng, thậm chí trái ngược nhau trên những xa lộ thông tin của thời đại kỹ thuật số, việc làm sao để các sản phẩm của mình tới được với khách hàng, tạo được niềm tin và được khách hàng ủng hộ qua việc tiếp cận, quyết định bỏ tiền ra mua sản phẩm quả là yếu tố sống còn với nhà sản xuất.

 Giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ được ưa thích luôn được Nhà hát Tuổi Trẻ chú trọng, một hình thức quảng bá thương hiệu độc đáo

Đặc biệt là với những hàng hóa mang tính văn hóa, nghệ thuật như sân khấu thì việc PR ra sao, cách nào để hút công chúng đến với vở diễn thì lại càng thiên nan vạn nan khi phương tiện giải trí đôi khi tích hợp tất cả chỉ trong chiếc máy điện thoại cầm tay, lại đặt hình thức vốn rất hạn chế về không gian, thời gian như sân khấu cạnh tranh với nhiều hình thức giải trí đang hàng ngày, hàng giờ được bổ sung kỹ xảo, kỹ thuật mới mẻ.

Trong khi đó, kinh phí cho khâu truyền thông, quảng bá sản phẩm đặc biệt là vở diễn tới khán giả ở các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là các đơn vị công lập hầu như chưa có khi các lãnh đạo đều khẳng định, không hề có trong kinh phí đầu tư khoản dành cho PR sản phẩm. Cái khó càng thêm khó, khi kinh phí cho các đơn vị đang ở lộ trình xã hội hóa, cắt giảm chi phí tối đa. Không có vở diễn sân khấu nào có được kinh phí để tạo dựng thành những sự kiện lớn, có tầm ảnh hưởng rộng khi quảng bá cho tác phẩm. Nhìn sang nghệ thuật điện ảnh, nhiều bộ phim thành công nhờ vào sự quảng bá tương đối tốt, có quy trình như được sự truyền thông ngay từ khâu mở máy, rồi trong suốt quá trình làm phim cũng luôn có những tin tức mang tính khơi gợi trí tò mò của đông đảo người theo dõi. Chưa kể, buổi ra mắt phim cũng là sự kiện khá hoành tráng, với chi phí nhiều khi làm nghệ sĩ sân khấu thấy... ghen tỵ.

Cũng đã có những nhà hát cố gắng tổ chức những sự kiện sân khấu để mời các nhà báo làm cầu nối với công chúng mà được chú ý nhất là Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát kịch Việt Nam. Khá bài bản, các nhà hát này đã có những buổi ra mắt vở diễn với những thông tin đầy đủ về tác giả, đạo diễn, dàn diễn viên tham gia rồi cùng trao đổi sau đêm diễn. Nhà hát kịch Việt Nam còn hâm nóng tác phẩm khi tổ chức những buổi tọa đàm, trao đổi với báo giới nhân kỷ niệm 100 đêm diễn của các vở lớn, hay tạo dựng thành những bom tấn về sân khấu cho các vở lớn như Hăm lét, Kiều... Đặc biệt, Nhà hát cũng đã biết tận dụng thế mạnh là những diễn viên được nhiều người quen mặt thuộc tên như NSƯT Xuân Bắc, NSND Lan Hương, Quốc Khánh, Phú Đôn... Các nhà hát cũng đã chú trọng hơn để làm mềm nội dung, cân bằng giữa sự giải trí và ý đồ tư tưởng của tác phẩm. Nhiều vở diễn cũng đã thu hút được lượng công chúng nhờ vào những thông tin truyền thông, thậm chí nhờ vào các công ty truyền thông lớn để những tấm vé tới tận tay người mua. Và nhiều cá nhân nghệ sĩ có lượng fan đông đảo cũng đã tận dụng kênh mạng xã hội để quảng bá cho sản phẩm vở diễn của mình, của nhà hát mình.

 Để quảng bá thương hiệu, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã triển khai bán vé online trực tuyến

Tuy nhiên, giữa cơn lốc của thông tin, của những phương tiện giải trí, những sự kiện sân khấu vẫn còn chìm lỉm ở đâu đó, chưa thật sự nổi bật, chưa tạo dựng được thương hiệu đủ mạnh để trở thành niềm kiêu hãnh khi có được tấm vé vào rạp cho người xem nhờ vào sự quảng bá và đánh đúng tâm lý khán giả. Vị thế của sân khấu chưa cao trong tìm kiếm phương tiện giải trí của công chúng. Thế hệ công chúng yêu mến sân khấu đang lão hóa mà không có thế hệ trẻ tiếp nối, mất đi phần cầu kích thích cho sân khấu. Rất nhiều những sáng tạo, tâm huyết, với bao trăn trở, suy tư của đội ngũ nghệ sĩ vẫn không được đông đảo công chúng biết đến. Rất nhiều nghệ sĩ hàng đầu của các nhà hát vẫn âm thầm cháy hết mình cho sàn diễn nhưng hiệu quả xã hội vẫn không cao. Tiếc cho công sức lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ không được đông đảo công chúng biết đến, tiếc cho những đêm diễn rất giàu tính nghệ thuật không tạo được dư âm, không gây được tiếng vang lớn với xã hội và vì thế, tên tuổi của các nghệ sĩ bị chìm lấp đi… Còn quá ít những nghệ sĩ có được thương hiệu riêng như Xuân Hinh, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Minh Vượng, Quang Thắng… những cái tên được biết đến chỉ vì các anh, các chị xuất hiện nhiều trên truyền hình và với những vai hài hước. Ngay ở những nghệ sĩ này, những sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc khác, những vai diễn họ đảm nhiệm ở mảng sân khấu chính luận cũng không được biết đến nhiều. NSND Lê Huy Quang khi phân tích tại sao sân khấu phía Bắc hiếm các ngôi sao cho rằng, chúng ta (những người hoạt động nghệ thuật phía Bắc) rất sợ khi đề cao ai đó, sợ ngôi sao, sợ nghệ sĩ kiêu căng, không dám đề cao về tài năng nghệ thuật của họ một cách hết cỡ, kể cả với NSND Quốc Anh, Xuân Hinh, Thu Huyền… diễn xong là về, như bất kỳ nghệ sĩ khác. Chúng ta chưa coi trọng, đánh giá đúng mức tư thế, cung cách của từng cá thể nghệ sĩ trong khi cần đề cao những tài năng sân khấu đến nơi đến chốn để tạo được thương hiệu, ấn tượng với khán giả, cuốn hút khán giả đến với sàn diễn. Cũng như trên sân cỏ, có khi khán giả đến với trận đấu chỉ vì một ngôi sao sân khấu họ yêu thích, nếu có những ngôi sao thì sàn diễn mới đông khán giả được. Ở miền Nam, họ làm được chuyện đó tốt. Ngôi sao là ngôi sao, được đối xử khác hẳn, và được đề cao hết cỡ. Khán giả biết rồi, họ nói nữa, nói mãi, để thành ấn tượng… Đấy chính là một cách marketing tốt nhất… 

 CAO NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top