Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tấm lòng những thầy thuốc ở Trại phong Đăk Kia

Thứ Tư 27/02/2019 | 08:01 GMT+7

VHO - Có một nơi ở Kon Tum mà trước đây khi nghe đến không ít người phải giật mình, cảm giác lo sợ, né tránh - đó là trại phong Đăk Kia. Song cũng chính ở đây, lại có những người thầy thuốc lặng lẽ ngày đêm chăm sóc cho các bệnh nhân mắc bệnh phong. Vượt qua những khó khăn, vất vả của cuộc sống đời thường, họ chọn gắn bó với nơi này để sẻ chia, chăm sóc, động viên bệnh nhân vượt qua những đớn đau cả thể xác lẫn tinh thần.

Điều dưỡng Y Viên thăm hỏi bệnh nhân phong lớn tuổi

Trại phong Đăk Kia (xã Đoàn Kết, TP. Kon Tum) hình thành vào năm 1920. Lúc đó trại chỉ là những cái chòi nhỏ do các Xơ người Pháp xây dựng để gom những bệnh nhân mắc bệnh phong trên địa bàn lân cận về đây chăm sóc, điều trị. Giai đoạn đế quốc Mĩ xâm lược nước ta, họ đã xây dựng cơ sở này khang trang và rộng lớn hơn để điều trị cho bệnh nhân phong ở cả khu vực Tây Nguyên.

Sau giải phóng, Trại phong Đăk Kia chuyển giao cho chính quyền ta tiếp quản, từ đó đến nay đã nhiều lần tu sửa. Năm 2008 được sự quan tâm của Bộ Y tế, trụ sở Bệnh xá Phong Đăk Kia được đầu tư xây dựng khang trang như hiện nay. Tháng 11-2018, Bệnh xá Phong Đăk Kia thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh đổi tên thành Khoa Phong – Da liễu, trực thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum.

Bác sỹ Y Mai Thi, phụ trách Khoa phong – Da liễu, Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh Kon Tum hiện có 202 bệnh nhân phong tàn tật (trong đó có 60 bệnh nhân là trại viên trại phong Đăk Kia, 142 bệnh nhân ở cộng đồng). Đội ngũ chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân phong hiện nay có 10 cán bộ y, bác sỹ (trong đó 2 bác sỹ (1 bác sỹ đang đi học CK1), 1 kỹ thuật viên, 1 nhân viên và 6 điều dưỡng, y sỹ). Trò chuyện với những cán bộ, nhân viên y tế ở đây, chúng tôi thật sự ấn tượng mạnh, cảm phục tấm lòng của 2 người thầy thuốc trẻ là xơ - y sĩ Y BYưk và điều dưỡng Y Viên.

Xơ Y BRưk băng bó vết thương cho bệnh nhân phong

Họ là những người bình thường, nhưng vì tình thương đối với những mảnh đời bất hạnh mà họ quên đi nỗi sợ hãi, không quản ngại nguy hiểm, sự lây lan của con vi khuẩn Hansen để chọn gắn bó với trại phong - nơi có những người mắc bệnh hiểm nghèo đang chờ đợi những bàn tay bao dung và tấm lòng rộng mở.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông bà nội, ông bà ngoại và bố mắc bệnh phong, nên từ nhỏ Y Viên đã cùng gia đình chuyển vào sinh sống ở Trại phong Đăk Kia để tiện cho việc khám chữa bệnh của người thân trong gia đình.

Chứng kiến nỗi đau của những người thân trong gia đình phải gánh chịu, ngay từ nhỏ Y Viên đã nuôi ước mơ lớn lên trở thành điều dưỡng viên để chăm sóc cho chính ông bà, cho bố mình. Y Viên cho biết, hồi còn nhỏ hay đi cùng ông bà qua Bệnh xá phong để thay băng, lúc đó thấy các cô chú y, bác sỹ ở đây là người Kinh không hiểu tiếng địa phương nên rất khó giao tiếp. Với lại, chứng kiến cảnh bố em bị đau, khắp người đau nhức nhưng phải cắn răng chịu đựng, hay những lúc đi thăm ông bà vào buổi tối thấy họ đau lắm, nhất là những ngày trăng tròn, đau đến nỗi ngồi nhóm lửa tay bị bỏng mà không có cảm giác.

“Chứng kiến cảnh đó nên em quyết tâm đi học ngành y để về chăm sóc cho ông bà, cho bố em, nhưng khi học xong về thì ông bà em không còn nữa. Lúc đó em buồn lắm, nhưng nghĩ không chăm sóc được cho ông bà thì em sẽ chăm sóc, giúp đỡ những bệnh nhân ở đây”, Y Viên bộc bạch tâm sự.

Nghĩ là làm, năm 2014 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng ở Trường Đại Học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh, Y Viên lên gặp Bác sĩ CK1 Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh để xin vào làm việc ở Bệnh xá Phong Đăk Kia. Khi biết không có chỉ tiêu tuyển, Y Viên tình nguyện xin vào học việc không lương để chăm sóc cho bệnh nhân ở đây.  “Hồi đó em không nghĩ là sẽ được ký hợp đồng đâu, chỉ nghĩ là đem kiến thức mình học giúp đỡ cho bà con ở đây thôi. Bạn bè em biết tin, bảo thôi nghỉ đi chứ làm không có lương, chế độ vậy lấy gì sống. Em cười bảo, em làm ở đây vì em thương bệnh nhân thôi”, Y Viên chia sẻ.

Các điều dưỡng ở Khoa phong – Da liễu chăm sóc bệnh nhân phong

Cảm nhận được tấm lòng của điều dưỡng Y Viên đối với những bệnh nhân phong, tháng 5-2015 lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã chính thức ký hợp đồng làm việc, đó cũng là cách động viên, khích lệ kịp thời của ngành y tế Kon Tum để nữ điều dưỡng tận tâm, hết lòng gắn bó với bệnh nhân phong.

Đối với trường hợp xơ – y sĩ Y BYưk lại khác, sau khi học xong THPT, xơ Y Brưk vào nhà Dòng ảnh phép lạ (tỉnh Kon Tum) để tu. Năm 2000, xơ đi học trung cấp y tế tại TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, xơ về Dòng ảnh phép lạ giúp đỡ các xơ lớn chăm sóc, khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng lân cận. Đến 2011, trường Trung cấp y tế Kon Tum liên kết với các trường mở lớp đào tạo y sỹ nên xơ Y BRưk xin đi học tiếp. Năm 2013, sau khi học xong xơ lại về Dòng ảnh phép lạ phụ giúp công việc. Hằng ngày khám chữa bệnh cho người dân ở các làng quanh  khu vực TP. Kon Tum, cuối tuần đi thăm người già neo đơn ở các huyện vùng sâu, vùng xa…

Tháng 4-2018, xơ Y BRưk tự nguyện xin về Bệnh xá Phong Đăk Kia để chăm sóc cho bệnh nhân phong. Xơ Y BRưk tâm sự: ở đâu cũng chăm sóc cho bệnh nhân, nhưng bệnh nhân phong thì đặc thù hơn, họ bị vi khuẩn ăn tay, chân, có trường hợp cụt tay, cụt chân, bị cổ cò, có trường hợp biến chứng hư cả mắt, tiếp xúc với họ mới hiểu, mới cảm thông với họ. Nhưng mà hay lắm, mặc dù họ rất đau đớn về thể xác nhưng họ vẫn tươi cười, vui vẻ và lạc quan. Đó chính là lý do xơ muốn về đây gắn bó, chăm sóc cho họ.

Các điều dưỡng ở Khoa phong – Da liễu chăm sóc bệnh nhân phong

Bác sỹ Y Mai Thi, Phụ trách Khoa phong – Da liễu, Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum cho biết: trước đây có thời kỳ chỉ nghĩ tới bệnh phong thôi là người ta thấy sợ, họ kỳ thị vì đa phần bệnh nhân cụt tay, cụt chân, bị tàn tật. Cho nên để chăm sóc bệnh nhân phong rất cần những người điều dưỡng, y sĩ tận tâm, tận tụy để chăm sóc bệnh nhân. Phần nhiều những y, bác sĩ, nhân viên ở đây đều tự xin vào, họ gần gũi, nói chuyện, giao tiếp thoải mái với bệnh nhân nên phần nào đó giúp bệnh nhân vơi đi nỗi đau, sự tự ti, vươn lên trong cuộc sống.

Nơi chăm sóc, điều trị của bệnh nhân phong ở thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết, TP. Kon Tum

Ông Nguyễn Phụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum cho biết: Công tác chăm sóc điều trị cho bệnh nhân phong chúng tôi giao cho tập thể đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh xá Phong Đăk Kia (nay là Khoa phong – da liễu). Các xơ, các chị không những làm tốt công tác giáo dục cho bệnh nhân, phòng ngừa bệnh tật, điều trị các người tàn tật mới của bệnh phong. Bằng tình thương, bằng tấm lòng của mình đối với bệnh nhân, họ đã giành được trọn vẹn niềm tin yêu của người bệnh, đó chính là phần thưởng danh dự và cao quý nhất đối với người thầy thuốc.

Hàng chục năm qua, những hoạt động thăm khám, chăm sóc sức khỏe, điều trị của đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh xá phong Đăk Kia đã góp phần đẩy lùi dần căn bệnh quái ác này. Và với tình thương, lòng nhiệt huyết, yêu nghề, những việc làm của họ xứng đáng là một nghĩa cử cao đẹp để mọi người noi gương, học tập.

                                                                    NGỌC HÒA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top